Rà soát, quy định rõ hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ cảnh sát cơ động, đặc biệt trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết: Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách”; làm rõ hơn tính đặc thù của cảnh sát cơ động (CSCĐ), bổ sung chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của CSCĐ cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “chuyên trách”.

Về nhiệm vụ của CSCĐ (Điều 9 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc Điểm đ, Khoản 2 vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ. Trên cơ sở ý kiến, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA.

 Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TL.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TL.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương” tại khoản 3, vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao UBQPAN đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan có liên quan, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Cảnh sát cơ động tương đối đầy đủ, toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả của công an trong tình hình mới có đề cập tới việc tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, khủng bố; bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát toàn bộ dự án luật này đã đảm bảo được nguyên tắc và yêu cầu đề ra tại Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ cảnh sát cơ động, đặc biệt trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ về biện pháp vũ trang để các cơ quan có cơ sở yên tâm thực hiện nhiệm vụ và có tính ràng buộc phạm vi áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ tránh sự lạm dụng nếu có.

Nhấn mạnh việc thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền,…/.

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/ra-soat-quy-dinh-ro-hon-quyen-han-cua-canh-sat-co-dong-604045.html