Tăng cường an toàn lao động trên địa bàn TP.HCM

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ phối hợp với các địa phương kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có tiềm ẩn rủi ro cao trên địa bàn TP.HCM.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chiều 9/5, ông Đoàn Văn Khoa, Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH cho biết, trước tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng tại một số địa phương trong cả nước, Sở đã tham Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các thành phần kinh tế trên địa bàn.

Đồng thời, tham mưu UBND TP.HCM trình Thành ủy ban hành Kế hoạch Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố.

Hiện trường xảy ra vụ nổ lò hơi ngày 1/5 tại tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Thành Đồng)

Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đến người sử dụng lao động, người lao động trong đó các nội dung cần quan tâm Kiểm định, khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; huấn luyện an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ; phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; quan trắc môi trường lao động; trang bị phương tiên bảo vệ cá nhân; đánh giá rủi ro về nguy cơ mất an toàn lao động, bồi dưỡng cho người lao động khi thực hiện công việc có tính chất nặng nhọc độc hại...

Chủ động, kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy…

Sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động để tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

Kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ đề nghị UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến nghiệp vụ an toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan đến pháp luật an toàn vệ sinh lao động.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-an-toan-lao-dong-tren-dia-ban-tphcm-170419.html