Thơ kháng chiến viết ở Nam Bộ của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính thành danh trước năm 1945 khá lâu và xuất hiện trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Tư liệu viết trong sách này là Nguyễn Bính làm thơ từ năm 13 tuổi, khi Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam thì đã in 3 tập thơ: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (năm 1940), Hương cố nhân (năm 1941) và được giải khuyến khích về thơ của Tự lực Văn đoàn năm 1937.

Nhà thơ Nguyễn Bính và gia đình.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1946, nhiều nhà thơ “cây đa, cây đề” trong phong trào Thơ Mới đều đi theo kháng chiến nhưng hầu hết ở miền Bắc, chỉ số ít vào Nam, trong đó có Nguyễn Bính sau Hành phương Nam…

* Mấy ý nhỏ về văn học kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ

Do hoàn cảnh đặc biệt, trong đó do thiếu thốn nguồn tư liệu, nên theo PGS-TS Hồ Sĩ Hiệp thì văn học kháng chiến Nam Bộ đã không có vị trí đáng có trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, nhất là khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo ông, cụ thể như trong các giáo trình văn học ở các trường đại học không có phần viết về mảng văn học yêu nước này. Về phân kỳ lịch sử văn học, giai đoạn này được gọi là văn học giai đoạn 1945-1954.

Nói về giai đoạn văn học này, các vấn đề đặt ra là bối cảnh lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có lãnh đạo về tổ chức chỉ đạo phong trào văn nghệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Văn học chữ quốc ngữ phát triển mạnh mẽ giai đoạn 1930-1945, Đảng quan tâm lãnh đạo văn học từ lý luận đến sáng tác văn học chữ quốc ngữ phản ánh cuộc chiến đấu giành độc lập gian khổ, anh hùng của dân tộc, phục vụ kháng chiến.

Nguyễn Bính có nhiều bài thơ được phổ nhạc chắp cánh bay cho thơ và bài Tiểu đoàn 307 là một trong số đó. Trước đây, ít người biết bản nhạc phỏng thơ Nguyễn Bính, nay thời đại công nghệ thông tin, nhiều người biết điều này.

Chia một cách tương đối và không toàn bích, thành tựu văn học này có 4 mảng là: lý luận phê bình, văn xuôi, thơ ca, kịch bản sân khấu. Kịch bản sân khấu ở đây là kịch bản văn học, như vở kịch Hamlet của Shakespear phổ biến ở ta, nổi tiếng như vậy nhưng mấy ai coi được vở kịch này trên sân khấu, chỉ đọc bản dịch có tên Hâm Liệt.

Trong các thể loại văn học phục vụ kháng chiến, thơ là “binh chủng” trên tuyến đầu trên mặt trận văn nghệ kháng chiến, thường mệnh danh “thơ ca hò vè” kháng chiến. Các nhà thơ được biết đến trong giai đoạn văn học kháng chiến ở miền Nam có: Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Trọng Tuyển, Hoàng Tố Nguyên, Lê Ái Tha, Việt Ánh, Hoàng Phúc, Xuân Miễn, Bảo Định Giang, Nguyễn Hải Trừng, Rum Bảo Việt, Viễn Phương, Hà Mậu Nhai, Hoàng Tấn, Truy Phong, Hà Huy Nhà, Mai Văn Tạo… và Nguyễn Bính là trường hợp khá đặc biệt.

* Nguyễn Bính khi ở Nam Bộ

Đánh dấu sự kiện cá nhân khi vào Nam của Nguyễn Bính là bài Hành phương NamĐêm mưa đất khách được nhiều người biết đến và yêu thích. Thể “hành” trong Thơ Mới, 2 bài hành được nhiều người biết đến là Hành phương Nam của Nguyễn Bính và Tống biệt hành của Thâm Tâm. Riêng Nguyễn Bính có Ái khanh hành ít được biết đến hơn.

Nguồn sử liệu và văn liệu chính thống ghi nhận là sau Nam Bộ kháng chiến ngày 23-9-1945, cùng với Bảo Định Giang, Việt Ánh, Rum Bảo Việt, Nguyễn Bính có đóng góp trong việc xây dựng lực lượng sáng tác văn học Khu 8 (một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long).

Về sáng tác, Nguyễn Bính có các bài được chú ý như Đồng Tháp Mười, Cô gái thêu cờ, Những người của ngày mai, Thơ gởi về Cha, Ca dao vận động tòng quân… Một tập thơ có tựa là Hương được xuất bản trong giai đoạn này. Nhận định chung về thơ của Nguyễn Bính giai đoạn này “là những bài thơ giàu tính chiến đấu và chan chứa tình cảm mới của Nguyễn Bính đối với kháng chiến” (trang 365, sách Văn học Kháng chiến Nam Bộ do Hoài Anh chủ biên, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1988).

Bài Đồng Tháp Mười của Nguyễn Bính viết trong giai đoạn này khác hẳn hơi thơ trong Lỡ bước sang ngang, điệu thơ, lời thơ đều khác:

Kể từ khi

Đặt chân lên đất nước này

Giặc Pháp giở trò xâm lược

Ngậm hờn vong quốc

Tháp Mười chung oán hận với non sông

Bông súng ngoài đồng

Bầm gan tím mặt

Nước phèn chua chát

Lắng nỗi đau thương

Đốc binh Kiều, Thiên hộ Dương

Bóng cờ khởi nghĩa mờ trong gió sương…

Dưới tay giặc trăm dường nhục nhã

Bài thơ viết năm 1949, đã tiên liệu:

Giữa mùa thu, xuân đất nước khoe tươi

Sáng ra Đồng Tháp mặt trời lại lên

Dân ta giành được chính quyền

Gieo mùa hạnh phúc xây nền tự do

Gầy dựng lại cơ đồ Đồng Tháp

Người dân cày mở mặt từ đây

Tiếng hò xa vướng chân mây

Bông gòn trắng xóa trải đầy lối đi

Sóng xanh biển lúa xanh rì

Gió lên từng dãy buồm về phiêu phiêu

Mỹ An, Thiên Hộ, Cái Bèo

Rau tươi , trái chính, chợ chiều họp đông.

Thơ Nguyễn Bính được phổ thành nhạc được biết đến nhiều như Người hàng xóm, Cô hái mơ, Lỡ bước sang ngang… nhưng ít ai biết bài hát nổi tiếng Tiểu đoàn 307.

Tiểu đoàn 307 làm lễ xuất quân tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, tỉnh Bến Tre vào ngày 5-7-1948 và ngay sau đó là hàng loạt chiến công “đánh đâu được đấy” trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Lúc này tướng Trần Văn Trà là Tư lệnh Khu 8 phát động sáng tác phục vụ kháng chiến và Nguyễn Bính công tác ở Ban Văn nghệ Khu 8, sáng tác bài thơ dài có tên là Tiểu đoàn 307 in 2 trang trên Báo Tổ quốc của Khu 8, sau đổi tựa khi phổ biến bài thơ có tên là Cửu Long Giang. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí trong không khí kháng chiến, hưởng ứng cuộc vận động, phỏng theo bài thơ, viết bài nhạc Tiểu đoàn 307 phổ biến đến
ngày nay:

Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng tiểu đoàn 307…

Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/ Cả tiểu đoàn thề dưới Sao Vàng/ Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi.

Bản nhạc được viết năm 1949 và phát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Nam Bộ, lúc đó đặt ở Cà Mau vào ngày 1-10-1950.

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/tho-khang-chien-viet-o-nam-bo-cua-nguyen-binh-51435f8/