Thực hiện Nghị định 116: Vì sao chúng ta 'bế tắc' với cơ chế đặt hàng đào tạo GV

Sản phẩm giáo dục không giống như một chiếc cốc, bộ quần áo, không địa phương nào dám 'đánh liều' đặt hàng một sản phẩm mà mình không kiểm soát được chất lượng.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một chủ trương đúng, nhằm thu hút những sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm. Nhờ đó, chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên được nâng lên rõ rệt, và từ đó, chất lượng giáo viên cũng sẽ được nâng lên, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm được ban hành, việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã bộc lộ không ít những bất cập, vướng mắc về cơ chế tài chính, từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên cũng như những lo ngại xoay quanh nhiệm vụ theo dõi, truy thu bồi hoàn kinh phí.

Thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm 2 năm qua bị thiếu và cấp chậm, số lượng địa phương đặt hàng đào tạo ít, thậm chí có tỉnh đã đặt hàng nhưng sau đó lại không thực hiện khiến các trường đào tạo giáo viên phải “loay hoay” trong “vòng xoay” của bài toán kinh phí.

Nghị định 116 ra đời cũng được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ, thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo theo “nhu cầu”. Thế nhưng, thực tế đang đặt ra câu hỏi: vì sao việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên lại đi “bế tắc” và chưa thành công?

Vấn đề đầu tiên là chưa xác định đúng thế nào là sản phẩm trong dịch vụ giáo dục. Muốn đặt hàng đào tạo giáo viên được thì chúng ta phải hiểu đúng thế nào là một sản phẩm giáo dục, thế nào là một sản phẩm của đào tạo giáo viên.

Không thể tiếp cận dịch vụ giáo dục giống như các dịch vụ khác. Sản phẩm của giáo dục càng không giống các sản phẩm tiêu dùng như chiếc cốc, bộ quần áo. Nếu sử dụng dịch vụ du lịch, chúng ta biết được ngay chất lượng. Tương tự, nếu mua một chiếc cốc, chúng ta mua nó dựa trên đánh giá được chất lượng sản phẩm ngay khi mua và nếu chiếc cốc đó không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng, ta có thể không mua, hoặc đã mua thì trả lại sản phẩm.

Sản phẩm của giáo dục không như vậy. Nó là dạng dịch vụ trả trước và nếu muốn đánh giá được chất lượng sản phẩm của giáo dục phải đợi sau khoảng 4 năm đào tạo, hoặc thậm chí lâu hơn thế.

Để đánh giá đúng chất lượng sản phẩm dịch vụ đào tạo giáo viên cần phải xác định rõ là đánh giá ở cấp độ nào: trực tiếp, trung hạn hay dài hạn. Nó tương ứng với 3 biểu hiện, đó là: sự hài lòng của người học, phẩm chất năng lực người học đạt được, và phẩm chất năng lực đó có đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Chính vì chúng ta chưa tiếp cận và định nghĩa đúng về dịch vụ giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục, cho nên chúng ta mới xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên cũng tương tự như đặt hàng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác. Đó chính là lý do khiến quy trình triển khai thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên đã không khả thi ngay từ bước đầu.

Thử hình dung, năm nay một địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên cho một cơ sở giáo dục đại học, nhưng phải hơn 4 năm sau mới có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm đó như thế nào, vậy lãnh đạo tỉnh nào dám “đánh liều” đặt hàng đào tạo khi họ không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm mình đặt hàng.

Khi quyết định chi ngân sách để đặt hàng tức là đã gắn với trách nhiệm của người đặt hàng phải đảm bảo “sản phẩm” đủ về số lượng, đúng về chất lượng. Nhưng, các yếu tố này địa phương không thể quản được. Cho nên nếu sinh viên sư phạm không thể tốt nghiệp đúng hạn và chất lượng không đáp ứng (ví dụ, thi viên chức không đạt) thì trách nhiệm thuộc về người ký đặt hàng, liệu ai dám đặt hàng để “gánh” rủi ro trách nhiệm?

Lẽ dĩ nhiên, việc các địa phương không đặt hàng đào tạo còn nhiều nguyên nhân khác nữa, trong đó có liên quan đến cả vấn đề nguồn kinh phí. Trong khi đó, kể cả khi địa phương không đặt hàng, những khi thông báo tuyển dụng giáo viên thì các tỉnh thành lớn vẫn có nhiều hồ sơ ứng tuyển.

Vướng mắc thứ hai trong việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên là vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên được đặt hàng sau khi tốt nghiệp.

Một khi địa phương đặt hàng, địa phương phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho những đối tượng được đặt hàng. Nhưng theo Nghị định Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định 115/2020/NĐ-CP) thì chúng ta phải thực hiện quy tắc tuyển dụng mở, công khai, công bằng với tất cả các ứng viên.

Một khi đã thi tuyển dụng thì những những sinh viên diện đặt hàng cũng có thể đỗ hoặc trượt vì những lý do chuyên môn hoặc ngoài chuyên môn. Chưa kể đến trường hợp ứng viên khéo léo tự đánh trượt để làm việc tại cơ sở ngoài giáo dục khác mà vẫn không phải bồi hoàn lại kinh phí. Chính các tỉnh/thành phố cũng không kiểm soát được vấn đề này nên việc họ e ngại đặt hàng là điều dễ hiểu.

Bước sang năm thứ 6 thực hiện Nghị định 116, cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn chưa được thực hiện thành công. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Bước sang năm thứ 6 thực hiện Nghị định 116, cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn chưa được thực hiện thành công. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Vướng mắc thứ ba là sự phức tạp trong khớp nối nhu cầu đào tạo và cơ cấu đào tạo. Việc đặt hàng giữa 63 địa phương với khoảng 70 cơ sở đào tạo giáo viên sẽ hình thành những tổ hợp rất phức tạp vì nhu cầu rất khác với cơ cấu đào tạo, quy mô đào tạo giáo viên của mỗi trường.

Nếu chỉ có 1 địa phương đặt hàng với 1 cơ sở đào tạo mà cơ cấu ngành đào tạo tương ứng với nhu cầu thì rất dễ thực hiện. Nhưng có từ 2 địa phương đặt hàng cho 2 trường với cơ cấu đào tạo khác nhau là đã bắt đầu có rất phức tạp. Trong khi đó, chúng ta có 63 tỉnh/thành phố (chưa kể đặt hàng theo nhu cầu chung) và khoảng 70 cơ sở đào tạo giáo viên, vì vậy việc khớp nối nhu cầu về số lượng và loại giáo viên với chỉ tiêu và cơ cấu ngành đào tạo gần như bất khả thi nếu theo đúng các quy định về đấu thầu, đặt hàng.

Ví dụ, một tỉnh có nhu cầu tuyển 100 giáo viên Toán, 100 giáo viên Ngữ văn, 2 giáo viên Giáo dục thể chất, 8 giáo viên Nghệ thuật bậc trung học phổ thông, 8 giáo viên môn Khoa học Tự nhiên và 4 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở, 3 giáo viên Công nghệ bậc tiểu học, 10 giáo viên mầm non,.. Thế nhưng, cơ cấu đào tạo của một trường không đáp ứng được đúng loại giáo viên hoặc số lượng chỉ tiêu. Vì thực tế hiện nay, có trường không đào tạo Sư phạm Nghệ thuật, không đào tạo Sư phạm Giáo dục thể chất, không đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ,…

Hơn nữa, về chỉ tiêu của tỉnh và trường sẽ không khớp nhau, có tỉnh cần đặt hàng 100 giáo viên Toán nhưng trường có 90 chỉ tiêu sư phạm Toán học, vậy là thiếu 10 giáo viên. Về nguyên tắc địa phương không thể tách gói thầu/đặt hàng thành gói 90 giáo viên và 10 giáo viên cho 2 trường. Vì như vậy có thể bị nghi ngờ là vi phạm trong một số trường hợp.

Hay trường có 20 chỉ tiêu giáo viên Giáo dục thể chất, nhưng nhu cầu địa phương chỉ cần 15 em. Khi đó, nhà trường làm thế nào để tìm một tỉnh khác chỉ có nhu cầu 5 giáo viên môn này. Tất nhiên, trường hợp không tìm được thì sẽ do ngân sách cấp trên đảm bảo theo dạng “nhu cầu xã hội”. Nhưng, thực tế cơ chế để nhận được kinh phí đào tạo “theo nhu cầu xã hội này” không đơn giản, chưa nói cách hiểu của cơ quan tài chính về “theo nhu cầu xã hội” là “do người học tự chi trả”,chứ không phải do ngân sách Trung ương chi trả.

Vướng mắc thứ tư là việc địa phương đặt hàng và yêu cầu người học phải trở về đúng địa phương đó công tác là trái với nguyên tắc của thị trường lao động tự do. Một số địa phương hiểu vấn đề đặt hàng này giống như chế độ cử tuyển trước đây. Nhưng, bản chất của hai cơ chế này là hoàn toàn khác nhau. Việc một số địa phương chỉ đặt hàng với sinh viên có hộ khẩu tại địa phương đó cũng không đúng quy định về đặt hàng và luật cư trú. Thực tế, quy định hiện nay là tuyển dụng tự do, vì vậy, sinh viên do tỉnh Sơn La đặt hàng muốn làm việc tại Hà Nội, chúng ta cũng không thể cấm được. Khi sinh viên đó vẫn làm việc trong ngành giáo dục, tỉnh cũng không thể yêu cầu bồi hoàn kinh phí.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116. Song, theo bản dự thảo thì nhiệm vụ “xác định nhu cầu đào tạo thuộc trách nhiệm địa phương (63 tỉnh/thành phố). Nhưng, ngay trong dự thảo cũng chưa thống nhất thuật ngữ “nhu cầu đào tạo giáo viên” (thường do ngành Giáo dục tính toán) và “nhu cầu tuyển dụng giáo viên” (do ngành Nội vụ tính toán).

Chính vì sự không thống nhất về thuật ngữ và phương pháp tính nhu cầu, cho nên ngay từ năm 2021 – năm đầu tiên triển khai Nghị định 116 đã xảy ra câu chuyện “vênh nhau” giữa số lượng giáo viên theo nhu cầu tuyển dụng và số lượng theo định mức giáo viên trên lớp. Thông thường nhu cầu tuyển dụng thấp hơn nhiều nhu cầu đào tạo. Bởi vì, nó vừa phải dựa vào ngân sách có thể bố trí cũng như chỉ giới hạn nhu cầu giáo viên cho các trường công lập. Có nhiều tỉnh thành vài năm không tuyển dụng giáo viên dù vẫn thiếu giáo viên theo định mức.

Thông thường, khi giao các tỉnh xác định nhu cầu tuyển dụng, ngành nội vụ địa phương sẽ chỉ tính toán theo nhu cầu giáo viên của các trường công lập. Trong khi đó, tại các địa phương, nhất là các thành phố lớn, số lượng trường ngoài công lập không hề nhỏ, quản lý toàn ngành phải tính được nhu cầu giáo viên cả trường công lập và ngoài công lập. Nhưng giao cho địa phương thì chỉ tính được nhu cầu của trường công lập, chưa kể chỉ tính theo nhu cầu tuyển dụng là sai số rất lớn so với nhu cầu thực tế. Cho nên, cần quy định rõ là ở “nhu cầu giáo viên” chính là “nhu cầu theo định mức” và phải do ngành giáo dục tính toán dựa trên định mức giáo viên/lớp, quy mô dân số theo từng độ tuổi đi học, v.v. Tức là nhu cầu theo định mức của toàn hệ thống giáo dục của địa phương.

Về cơ chế, mặc dù theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định với lĩnh vực giáo dục sử dụng ngân sách công thì chỉ thực hiện cơ chế “giao nhiệm vụ” hoặc “đặt hàng”, nhưng theo Nghị định 116/2020 lại quy định có thêm phương thức “đấu thầu”. Nhưng do một loạt vướng mắc về các xác định gói thầu đào tạo giáo viên, quy trình thực hiện, cho nên thực tế phương thức này bị “phá sản”.

Còn 2 phương thức “giao nhiệm vụ” và “đặt hàng”, nhưng phương thức “giao nhiệm vụ” chỉ thực hiện được khi Ủy ban Nhân dân các tỉnh giao nhiệm vụ cho các trường thuộc tỉnh/thành phố. Việc này thường chỉ được thực hiện khi trường đại học thuộc tỉnh có quan hệ tốt và tỉnh thành có ngân sách khá.

Theo các quy định hiện hành, các tỉnh/thành không thể “giao nhiệm vụ” cho các trường đại học thuộc các Bộ, Ngành Trung ương cũng như các trường ngoài công lập trên địa bàn. Phương thức “đặt hàng” cũng cần tuân thủ rất nhiều quy định. Cho nên, mặc dù hiện nay cũng mới chỉ có rất ít địa phương “đặt hàng” với số lượng rất hạn chế giáo viên các môn với các trường đại học đào tạo giáo viên, nhưng cách thức thực hiện cũng chưa hoàn toàn phù hợp.

Thí dụ, chỉ có thể đặt hàng với trường đại học công lập và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Bên cạnh đó, muốn đặt hàng thì phải có “định mức kinh tế kỹ thuật” (chi phí trung bình đào tạo bao nhiêu tiền cho một giáo viên) do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong khi hiện tại chưa có quy định nào về “định mức kinh tế kỹ thuật” cho đào tạo giáo viên ngoài quy định về học phí trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Chính vì vậy, các tỉnh/thành và các trường không biết dựa theo căn cứ nào để tính giá trị của hợp đồng.

Trong trường hợp nếu đó là đơn vị cung cấp duy nhất (đơn vị duy nhất đào tạo ngành nào đó trong cả nước) thì tỉnh, thành phố cũng có thể đặt hàng, nhưng nếu có từ hai trường thì lại phải theo cơ chế đấu thầu nếu chương trình không liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Ví dụ, tỉnh muốn đặt hàng giáo viên tích hợp, nếu chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên tích hợp thì địa phương được đặt hàng, nhưng khi có 2 trường trở lên đào tạo giáo viên tích hợp thì phải thực hiện đấu thầu.

Như vậy, một khi không định nghĩa được sản phẩm dịch vụ giáo dục là gì, không xác định được đúng nhu cầu giáo viên là nhu cầu gì, nếu không ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật cho đào tạo giáo viên, quy trình thực hiện, và quan trọng nhất nếu không xác định rõ cơ chế đảm bảo ngân sách cho đào tạo giáo viên thì việc triển khai đặt hàng giáo viên chắc chắn vẫn sẽ còn bế tắc…

(Còn nữa)

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thuc-hien-nghi-dinh-116-vi-sao-chung-ta-be-tac-voi-co-che-dat-hang-dao-tao-gv-post238518.gd