Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu nhiều công nghệ chế biến đất hiếm

Bộ Thương mại Trung Quốc vào tháng 12/2022 đã lấy ý kiến công chúng về khả năng đưa công nghệ chế biến đất hiếm vào 'Danh mục các công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu.'

Một chiếc máy chiết xuất vật liệu đất hiếm tại mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Một chiếc máy chiết xuất vật liệu đất hiếm tại mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/12, Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về chế biến đất hiếm, đã cấm xuất khẩu một loạt công nghệ chế biến vật liệu quan trọng này, nhằm bảo vệ vị thế kiểm soát đối với một số kim loại chiến lược.

Theo một tài liệu được công bố ngày 21/12, Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu “công nghệ khai thác, chế biến và nấu chảy đất hiếm."

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng trong sản xuất nam châm trong động cơ xe điện (EV), tua-bin gió và thiết bị điện tử.

Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 90% sản lượng đất hiếm tinh chế của toàn cầu.

Trong khi các nước phương Tây nỗ lực thúc đẩy các hoạt động chế biến đất hiếm, lệnh cấm của Trung Quốc được cho là sẽ có tác động lớn nhất đến "đất hiếm nặng" được sử dụng trong động cơ EV, thiết bị y tế mà Trung Quốc gần như nắm độc quyền.

Bộ Thương mại Trung Quốc vào tháng 12/2022 đã lấy ý kiến công chúng về khả năng đưa công nghệ chế biến đất hiếm vào "Danh mục các công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu."

Trung Quốc đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm và các vật liệu hợp kim cũng như công nghệ liên quan đến nam châm đất hiếm.

Một trong những mục tiêu của việc lập ra danh mục trên là để bảo vệ anh ninh quốc gia và lợi ích của người dân.

Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể các quy định hướng dẫn xuất khẩu đối với một số kim loại trong năm nay, khi căng thẳng với Mỹ liên quan đến việc kiểm soát một số khoáng sản quan trọng gia tăng.

Nước này đã ban hành giấy phép xuất khẩu đối với một số vật liệu sản xuất chip là gallium và germanium vào tháng 8/2023, sau khi thực hiện một yêu cầu tương tự đối với một số dạng graphite từ ngày 1/12.

Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đang dần coi việc cung cấp các kim loại này là vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-chinh-thuc-cam-xuat-khau-nhieu-cong-nghe-che-bien-dat-hiem-post917146.vnp