Về vùng 'chảo lửa' Gia Lai 'săn' kiến vàng làm muối

Được làm từ xác và trứng kiến - muối kiến vàng từ lâu đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của Gia Lai. Để làm nên món muối lạ lùng này người dân phải vào sâu trong rừng chọn, bắt những con kiến to, vàng ươm cùng chiếc bụng căng mọng…

Muối – một gia vị không xa lạ gì với người dân Việt Nam, tuy nhiên muối được làm từ con kiến và trứng kiến thì không phải nơi đâu cũng có. Những năm gần đây, muối kiến đang được người dân ưa chuộng, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.

Ở Tây Nguyên, muối kiến vàng thường dùng để chấm với thịt bò một nắng, heo một nắng hoặc ăn với cơm nóng… Món nào chấm với muối kiến khi ăn cũng sẽ có vị mặn, cay cay, thêm vị chua chua đặc trưng của loài kiến vàng.

 Muối kiến vàng - đặc sản của vùng "chảo lửa" Krông Pa

Muối kiến vàng - đặc sản của vùng "chảo lửa" Krông Pa

Muối kiến vàng ngon nhất được làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa và Krông Pa (Gia Lai). Ở những cánh rừng này sẽ có loại kiến vàng to con, vàng ươm, bụng căng mọng. Đặc biệt, lấy tổ kiến đang vào thời kỳ đẻ trứng thì muối kiến càng ngon bởi vì trứng giúp muối có vị béo và bổ dưỡng hơn.

Từ lâu, “chảo lửa” Krông Pa, được biết đến với rất nhiều món ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, trong đó phải kể đến là đặc sản muối kiến vàng.

 Muối kiến vàng được làm từ xác và trứng kiến

Muối kiến vàng được làm từ xác và trứng kiến

Những ngày này, vùng “chảo lửa” khá rộn ràng, nhộn nhịp bởi mọi người đang tất bật chế biến đặc sản bò một nắng phục vụ nhu cầu thực khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ăn kèm bò một nắng còn là thứ gia vị hiếm có, khó tìm chỉ có ở vùng “chảo lửa” Krông Pa – Muối kiến vàng.

Cô Định Thị Hậu (SN 1963, trú tại thị trấn Phú Túc, huyện Krong Pa), người phụ nữ làm nên đặc sản trứ danh bò một nắng-muối kiến vàng chia sẻ: “Thời điểm lý tưởng để đi săn kiến vàng là từ tháng 1-3 hàng năm. Trước khi đi, phải bịt kín người để tránh kiến đốt rồi dùng sào có cột sẵn lưỡi dao để chặt tổ kiến. Thông thường, mọi người sẽ nhận biết ổ kiến vàng thông qua màu trắng bạc phủ bên ngoài tổ.

 Muối kiến được làm vào thời điểm mùa Xuân là ngon nhất bởi lúc này có nhiều trứng kiến giúp muối có vị béo và bổ dưỡng hơn

Muối kiến được làm vào thời điểm mùa Xuân là ngon nhất bởi lúc này có nhiều trứng kiến giúp muối có vị béo và bổ dưỡng hơn

Quá trình cắt tổ kiến vàng xuống phải nhanh tay bỏ vào một cái nồi đang nóng để kiến chết hết. Kiến vàng sau khi bắt xong sẽ được mang về rũ bỏ hết lá và rác để làm sạch trứng và kiến, đem rang sơ trên bếp rồi đến khi dậy mùi thơm, rồi đem giã với ớt, muối, bột ngọt…”.

Không chỉ làm ra loại đặc sản nổi tiếng – Muối kiến vàng, cô Đinh Thị Hậu còn xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm này đến khắp các vùng miền cùng với đặc sản trứ danh bò một nắng. Sau khi gắn sao thành công cho bò một nắng, bò sợi, heo một nắng… cô Hậu tiếp tục từng bước hoàn thành các tiêu chí để nâng cấp, gắn sao cho sản phẩm muối kiến vàng. Hiện trên thị trường 1 hộp muối kiến vàng cô Hậu bán giao động từ 20.000-30.000 đồng/lọ.

 Trung bình 1 lọ muối kiến giao động từ 20.000-30.000 đồng

Trung bình 1 lọ muối kiến giao động từ 20.000-30.000 đồng

Muối kiến vàng là sự kết hợp giữa sản vật thiên nhiên và bàn tay con người. Quá trình làm nhìn có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi tay nghề phải khéo và vô cùng tỉ mỉ từ khâu làm sạch kiến cho đến khi trộn nguyên liệu. Ớt và muối hột phải được đong đếm thật kỹ trước khi trộn vào để tạo nên hương vị cân bằng, độc đáo.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nụ người con của vùng “chảo lửa” cũng mở cơ sở chuyên chế biến bò một nắng và muối kiến vàng ngay tại quê nhà.

 Những tổ kiến vàng vừa được người dân lấy về, rửa sạch chuẩn bị làm muối

Những tổ kiến vàng vừa được người dân lấy về, rửa sạch chuẩn bị làm muối

Chia sẻ với PV, chị Nụ cho biết: "Tết là thời điểm kiến vàng bắt đầu có trứng, nhờ đó muối kiến cũng béo, thơm ngon hơn. Muối kiến vàng có vị chua, kèm chút cay của ớt, mùi thơm của sả, riềng nên chấm kèm thịt nướng, luộc hay chấm trái cây cũng rất bắt vị. Cũng vì vậy, muối kiến vàng mùa Tết rất đắt hàng. Ngoài việc tặng kèm muối kiến cho khách hàng mua bò một nắng, dịp này mình cũng gia tăng số lượng để bán riêng."

Theo chị Nụ, để làm được hũ muối kiến vàng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn. Kiến tươi khi mua về cần nhặt sạch, sau đó cho từng nắm nhỏ vào nước sạch đãi kỹ, vừa để rửa trôi bụi đất vừa dễ nhặt sạch những con kiến đen lẫn vào kiến vàng.

 Công đoạn rang muối kiến

Công đoạn rang muối kiến

Công đoạn này cần nhẹ tay để bụng kiến không bị vỡ làm mất vị chua độc đáo vốn có của kiến vàng. Sau khi làm sạch kiến cần phơi ráo nước sau đó bắc lên chảo nóng đảo nhẹ nhàng tránh làm bể bụng kiến, cuối cùng cho riềng, sả, ớt và nêm thêm chút muối, bột ngọt.

Mặc dù chỉ là gia vị chấm dùng để ăn kèm, nhưng hương vị của muối kiến vàng ở Tây Nguyên đã khiến nhiều du khách phải mê mẩn ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-vung-chao-lua-gia-lai-san-kien-vang-lam-muoi-post284141.html