05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại tỉnh Bình Phước
05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại tỉnh Bình Phước, Hậu Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở VHTTDL Đồng Nai xây dựng kế hoạch nâng cấp phần mềm cập nhật thông tin về gia đình là tin tức VHTTDL tại 3 tỉnh vừa qua.
05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại tỉnh Bình Phước
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội; Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/2/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Kế hoạch số 230-KH/TU ngày 26/5/2015 của Tỉnh ủy Bình Phước về triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước đã quán triệt tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong ngành đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội cụ thể hóa bằng việc ban hành các văn bản như: Công văn số 61/SVHTTDL-TTr ngày 15/01/2015 về việc chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015; Công văn số 62/SVHTTDL-VH ngày 15/01/2016 về việc chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015; Công văn sốp 81/SVHTTDL-VH ngày 21/01/2015 về việc tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội; Công văn số 645/SVHTTDL-VH ngày 27/4/2015 về việc tham mưu kế hoạch thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh; Công văn số 691/SVHTTDL-VH ngày 07/5/2015 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/02/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian.
Nhờ đó, cơ bản đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Các lễ hội được tổ chức theo đúng tinh thân "An toàn, văn minh, lịch sự"; lễ hội cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển đúng hướng; hoạt động tại các di tích, đền chùa, các điểm tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Việc tổ chức các lễ kỷ niệm cơ bản được thực hiện nghiêm theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền miệng (thông qua các Hội nghị, chuyên đề, sinh hoạt Chi bộ,…), Tuyên truyền cổ động trực quan (bảng, biển tuyên truyền, xe loa, …) và Tuyên truyền lưu động thông qua các đội tuyên truyền lưu động, xe thư viện lưu động, đội chiếu phim lưu động,…
Ngành VHTTDL đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội cùng với Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác quản lý, tổ chức lễ hội để nhân dân địa phương đón Tết Nguyên đán thực sự vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, đặc biệt là chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hậu Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngày 16/4, UBND tỉnh Hậu Giang có Công văn 759 chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Với mục tiêu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh thực hiện nghiêm Thông báo số 158/TB-VPCP, Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 510/CT-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; đồng thời, thực hiện nghiêm một số nội dung sau đây kể từ 00 giờ ngày 17 tháng 4 năm 2020 đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh, cụ thể trên lĩnh vực VHTTDL như sau:
Tiếp tục dừng các hoạt động các Lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tập trung trên 20 người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự, các cuộc họp, hội nghị, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các điểm công cộng và trong nhà (bao gồm: các tụ điểm ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, karaoke, bida, trò chơi điện tử, tiệm game, internet, rạp chiếu phim, sân vận động, sân quần vợt, sân bóng chuyền, sân cầu lông, bóng bàn, hồ bơi, phòng tập gym, yoga, khiêu vũ; cơ sở mát-xa, xông hơi, cơ sở bấm huyệt, vật lý trị liệu; cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ); dịch vụ tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, bảo tàng, thư viện; các Hội chợ, chợ đêm.
Khách sạn, cơ sở lưu trú được tiếp tục hoạt động nhưng phải khai báo y tế, lưu thông tin khách hàng. Đối với các đám hiếu, hỉ, sự kiện: không tổ chức ăn uống cho khách, nếu có tổ chức ăn uống trong phạm vi gia đình thì đảm bảo không quá 20 người và phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Các hoạt động thể dục, vận động rèn luyện sức khỏe cá nhân ở ngoài trời phải luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người khi giao tiếp và tại các địa điểm công cộng.
Sở VHTTDL Đồng Nai xây dựng kế hoạch nâng cấp phần mềm cập nhật thông tin về gia đình
Nhằm nắm bắt kịp thời các thông tin, chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực trên địa bàn Đồng Nai, Sở VHTTDL Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch nâng cấp và triển khai phần mềm cập nhật báo cáo thông tin về công tác gia đình năm 2020.
Theo đó, trong 2 tháng (4 và 5), Sở sẽ nâng cấp phần mềm cập nhật thông tin về gia đình thay thế công nghệ Silverlight lỗi thời, không còn được các trình duyệt website phổ biến như CocCoc, Chrome hỗ trợ, gây khó khăn cho việc cập nhật, báo cáo thông tin; thiết kế, thay đổi 5 biểu mẫu báo cáo mới, tổng hợp các thông tin cần thiết về gia đình và phòng, chống bạo lực trên địa bàn tỉnh; thay đổi chế độ, thời gian báo cáo theo quy định của Bộ VH-TTDL.
Trong tháng 6 và 7-2020, Sở sẽ tiến hành tổ chức tập huấn (6 lớp, mỗi lớp 30 học viên) triển khai cách thức nhập dữ liệu trên website, thao tác thực hành trên máy tính. Thời gian thực hiện cập nhật đối với UBND các xã, phường, thị trấn trước ngày 30-6 và 5-12 hằng năm; đối với phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố, trước ngày 10-7 và 12-12 hằng năm.