06 quan điểm của Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050

Không đặt nặng vấn đề quy hoạch cứng về tổng công suất thiết kế và sản lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng như các bản Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng trước đây, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược) được đánh giá là có quan điểm phù hợp, dẫn dắt sự phát triển vật liệu xây dựng theo quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường.

Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ được phát triển phù hợp với quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường.

Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ được phát triển phù hợp với quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường.

Như đã đề cập, ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đánh giá của các chuyên gia về vật liệu xây dựng, Chiến lược là công cụ quan trọng để định hướng phát triển vật liệu xây dựng nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bộ Xây dựng thì cho rằng, Chiến lược được ban hành sẽ là căn cứ để xây dựng các kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, cải tạo các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng trong thời gian tới.

Được biết, Chiến lược do Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, soạn thảo, dựa trên 6 quan điểm nhất quán.

Thứ nhất, phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.

Thứ tư, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Thứ năm, phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Thứ sáu, phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Bộ Xây dựng cũng làm rõ hơn một số quan điểm trong đầu tư, sử dụng công nghệ...Theo đó, về đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông, gần thị trường tiêu thụ; các dự án đầu tư mở rộng; các cơ sở chuyên chế biến nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng. Không đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng ở các vùng ảnh hưởng đến khu bảo tồn, di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng.

Không đầu tư, hoặc chuyển nhượng dự án sản xuất vật liệu xây dựng có yếu tố nước ngoài ở khu vực có ảnh tới an ninh quốc phòng.

Về công nghệ, sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao vào sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ 4.0, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Khuyến khích các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị, phụ tùng thay thế trong dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng.

Về sử dụng tài nguyên, khai thác, quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật; bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng.

Về môi trường, các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất.

Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.

Về sản phẩm, phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu, bền môi trường biển; đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế và có tính cạnh tranh cao.

Được xây dựng với những quan điểm nói trên, Chiến lược thực sự là một Chiến lược tổng thể để dẫn dắt sự phát triển của vật liệu xây dựng Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường.

Nhà nước sẽ quản lý phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu thông qua các công cụ cơ chế, chính sách, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng và các tiêu chí bảo vệ môi trường.

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/06-quan-diem-cua-chien-luoc-phat-trien-vat-lieu-xay-dung-viet-nam-thoi-ky-2021-2030-dinh-huong-den-nam-2050-293558.html