1.000 ngày lao tù của người cựu binh hải quân trong trận chiến Gạc Ma

Chiến tranh không chỉ là những khoảnh khắc anh hùng của những trận chiến vẻ vang, nó còn là thời khắc bám trụ, và quyết tử trên con tàu của Hải quân Việt Nam, để bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

“Máu nơi đảo xa”

Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của người cựu binh Hải quân Việt Nam. Đó người lính Trần Thiện Phụng (ngụ phường 2, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Trong căn nhà nhỏ phía cuối con hẻm, ông Phụng vẫn còn nhớ như in về trận đánh quyết tử cùng đồng đội giữa biển khơi, dù cho bây giờ ông đã già, sức khỏe đã không còn được như xưa.

Trong dòng ký ức tươi rói ấy, ông Phụng đưa chúng tôi về lại với biển miền Trung những năm 1980. Từ nhỏ, ông Phụng sớm ý thức được lòng yêu nước như cha ông đi trước. Thời điểm ấy, giữa ta và Trung Quốc đang xảy ra chiến tranh quyết liệt ở biển Trường Sa. Đến tháng 3/1987, ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 83 (Bộ Tư lệnh Hải quân) đóng quân ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng). Sau hơn một năm huấn luyện, đến tháng 1/1988, ông cùng đơn vị được lệnh điều chuyển vào cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và đến đêm 11/3/1988 bí mật lên tàu thẳng tiến Trường Sa.

Ông Phụng cho biết thêm, vào thời điểm đơn vị ông được điều động còn có 2 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam là HQ-605 và HQ-505 cùng với tàu HQ-604 của đơn vị ông Phụng. Tất cả thẳng tiến ra Trường Sa bảo vệ bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đó là đợt hành quân chỉ vừa sau cái Tết nên cả đơn vị ông nhớ rất rõ, ai ai cũng trong tâm trạng háo hức, xao xuyến khi vừa chia tay không khí đầm ấm của gia đình để nhanh chóng lên đường ra mặt trận.

Cựu chiến binh Trần Thiên Phụng

Cựu chiến binh Trần Thiên Phụng

Ông tâm sự: “Biết là ác liệt, gian nan nhưng anh em đồng đội quyết tâm lắm”. Theo ông Phụng, lúc bấy giờ tương quan ta và Trung Quốc là không đồng đều khi ta chỉ có súng AK, tàu vận tải trong khi phía Trung Quốc là tàu chiến súng với pháo. Cuộc chiến nổ ra, 3 tàu của chúng ta đồng loạt xông lên. Một phòng tuyến được lập ra để cản hướng tấn công của tàu chiến Trung Quốc. Ông Phụng cùng một số anh em được giao nhiệm vụ ở lại để bảo vệ tàu HQ-604 (tàu phòng tuyến).

Trầm ngâm một hồi lâu, như để nhớ lại thời khắc sinh tử đó, ông Phụng chia sẻ: “Tôi nằm bắn ở mũi tàu và bị trúng đạn ở cánh tay, máu ra lênh láng trong khi loạt pháo đầu tiên giặc hướng về phía ca bin. Sau 2 loạt pháo nữa thì HQ-604 chìm dần. Dù vậy, tôi nghe thấy lác đác tiếng súng bắn trả của đồng đội về phía tàu Trung Quốc nên biết anh em vẫn còn bám trụ”. Những loạt súng nổ ngày một yếu đi, nhưng tinh thần chiến đấu thì không vì thế mà giảm sút. Từ cabin tàu những người lính trẻ nắm chặt tay nhau gìn giữ đảo xa.

Ông Phụng xúc động: “Khi ấy có anh Trương Văn Hiền cùng là đồng đội, anh đứng trên cao nên quan sát rõ. Cũng chính vì không được trang bị hỏa lực mạnh nên chúng ta thất thế ngay sau loạt đạn đầu tiên từ pháo Trung Quốc. Tàu bắt đầu chìm dần, một số anh em bị thương nhảy vội xuống nước. Nghe anh Hiền kể lại có mấy anh em lênh đênh trên biển mấy ngày, còn tàu HQ-604 chìm, 64 chiến sĩ của ta người thì hy sinh, người mất tích”. Giọt nước mắt rưng rưng trên khóe mắt của người lính già ngày một chảy dài khi ông nhớ về đồng đội.

Bức ảnh ông Phụng cùng 8 người lính lúc được trao trả về Việt Nam (ông Phụng ở giữa đứng cạnh vợ)

Bức ảnh ông Phụng cùng 8 người lính lúc được trao trả về Việt Nam (ông Phụng ở giữa đứng cạnh vợ)

Trên vùng biển đảo chủ quyền Việt Nam ấy, ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng đến giây phút cuối cùng. Trước họng súng của lính Trung Quốc kêu giơ tay đầu hàng người lính trẻ quả cảm chỉ lắc đầu rồi ngất đi vì mệt. Cùng ngày hôm ấy ông Phụng bị quân Trung Quốc bắt cùng nhiều đồng đội khác.

1.000 ngày lao tù và nỗi khắc khoải quê nhà

Sau khi bị bắt ông ông Phụng giam cùng bị giam tại tỉnh Quảng Đông với 8 người lính khác là: Lê Văn Thoa (Bình Định), Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông, Mai Văn Hải (cùng quê Quảng Bình), Dương Văn Dũng (Đà Nẵng) Phạm Văn Nhân (Nam Định), Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) và Nguyễn Tiến Hùng (Thanh Hóa). Cũng chính từ những năm tháng lao tù khốc liệt ấy, khí phách của những người lính Hải quân Việt Nam càng lên cao.

Quân Trung Quốc tra tấn các ông liên miên, nhưng chưa bao giờ chúng thấy sự yếu đuối hay một phút đầu hàng, khai báo từ phía ta. Ông Phụng cho biết: “Lúc mới bị bắt là quảng thời gian phía Trung Quốc liên tục tra khảo bắt khai vị trí các căn cứ quân sự, vũ khí, lương thực của ta. Dù bị đánh đập mấy chúng tôi cũng chỉ nói không biết, hay nói lính mới nên không hiểu. Lính Trung Quốc ngao ngán nói: “Giơ tay kêu đầu hàng thì cũng lắc đầu nói lính Việt Nam không được dạy đầu hàng, giờ bắt khai thì nói lính mới””.

Những lá thư ông Phụng gửi và gia đình gửi qua lại.

Những lá thư ông Phụng gửi và gia đình gửi qua lại.

Cứ thế những đòn roi, sự tàn bạo chốn tù lao cũng trôi qua dần theo năm tháng. Thế rồi, khoảng 3 năm sau, khi có Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm thường xuyên, các ông mới có cơ hội thông tin với bên ngoài, những lá thư vượt biên giới tìm về với gia đình. Nói đến đây, ông Phụng cho chúng tôi xem những lá thư mà bấy nhiêu lâu ông và người vợ trẻ trao gửi qua lại với nhau. Giờ đây, sau hơn 23 năm tất cả đã hoen màu thời gian, nhưng trong tâm khảm người lính già này, chúng chứa đựng cả một thuở cơ hàn.

Những lá thư chi chit chữ cái, được đóng đầy những con dấu kiểm duyệt, được ông gói cẩn thận trong những tờ giấy bạc, càng khiến chúng tôi hiểu rõ thêm về những suy tư của thân phận người lính từng bị giam lỏng một thời. Đó không chỉ là nỗi nhớ quê hương bộn bề, da diết, nó còn là nỗi nhớ đồng đội, nhớ biển đảo quê hương. Hay trong sâu thẳm là nỗi thương nhớ vợ con đau đáu. Ở quê nhà, sau trận hải chiến không lâu, gia đình ông Phụng nhận được giấy báo tử và đồ cá nhân của đời lính. Cha mẹ già, người vợ trẻ và đứa con thơ của ông Phụng đã bắt đầu tin rằng ông đã hy sinh.

Bà Lê Thị Thiên (vợ ông Phụng) nhớ lại: “Ông ấy đi lính rồi chiến đấu. Sau đó chẳng còn nghe tin gì nữa. Ở nhà chúng tôi đau khổ nhưng cũng quyết tâm lắm. Nhớ lời ông ấy dặn tôi ở nhà động viên ba mẹ già, nuôi đứa con nhỏ. Thế rồi một buổi tôi như chết đi sống lại khi nhận được thư ông ấy. Tôi òa khóc vì bao tủi hờn đã được giải tỏa, anh còn sống là tốt rồi. Nhớ bữa đó, cả nhà tôi ôm nhau khóc mà quên ăn quên uống”.

Thế rồi, sau hơn 1.000 ngày giam lỏng ở phương xa, nhờ các tổ chức từ thiện và chính phủ Việt Nam, ông Phụng cùng đồng đội được trở về lại quê hương. Chính thức ngày 2/9/1991, Trần Thiện Phụng cùng 8 đồng đội mới được bước chân về đất Việt, qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Niềm vui vỡ òa trong tâm trí những người lính. Gạt dòng nước mắt, ông Phụng chia sẻ về thời khắc ấy: “Không bao giờ quên, nó sống mãi trong mỗi chúng tôi. Yêu lắm, thương lắm. Việt Nam nó thân thương, nó da diết lắm”.

Cũng như ông Phụng, ông Hiền, ông Thống và các người lính khác, khi trở về họ mới biết tên mình nằm trong danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích trong trận chiến Gạc Ma. Có nhiều gia đình đã lập bàn thờ, khói nhang thờ phụng. Nhưng, trong mòn mỏi những người vợ trẻ, mẹ già vẫn không thôi đợi chờ. Nay, mỗi dịp tết đến xuân về, trong số 9 người lính từng bị giam lỏng tại Trung Quốc ấy, chỉ còn 8 người (ông Nguyễn Tiến Hùng đã mất) vẫn còn liên lạc và gặp gỡ nhau. Những bước chân của mùa hạnh phúc đang tới gần, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng trong những người lính như ông, cũng vẫn còn mãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thi, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 2 (TP. Đông Hà) cho biết: “Ông Trần Thiên Phụng cư trú tại phường 2 là một cựu chiến binh hải quân đã tham gia vào việc bảo vệ biển đảo quê hương. Địa phương cũng hay mời ông ấy lên kể chuyện xưa, cũng là để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, yêu biển, yêu đảo quê hương”.

Thế An

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/1-000-ngay-lao-tu-cua-nguoi-cuu-binh-hai-quan-trong-tran-chien-gac-ma-11013.html