1,4 triệu thuê bao vẫn bị khóa

Trong 1,67 triệu thuê bao bị khóa chiều gọi đi do không khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hơn 1,4 triệu thuê bao chưa được mở liên lạc.

 Số lượng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin tại các nhà mạng tăng đột biến sau hạn khóa thuê bao 31/3. Ảnh: MS.

Số lượng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin tại các nhà mạng tăng đột biến sau hạn khóa thuê bao 31/3. Ảnh: MS.

“Từ 1/4 đến nay có khoảng 226.000 thuê bao, chiếm khoảng 13,5% số thuê bao bị khóa một chiều, đã chuẩn hóa”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nói với Zing.

“Đến ngày 15/4 nếu vẫn chưa chuẩn hóa, các thuê bao này sẽ bị khóa 2 chiều. Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục hỗ trợ mở khóa đến ngày 15/5, sau đó thuê bao sẽ bị thu hồi”, ông Phong Nhã cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ngày 6/4.

Trả lời báo chí về phương án chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao di động mới đăng ký sau ngày 31/3, Phó Cục trưởng Viễn thông cho biết quy trình phát triển thuê bao mới phải đảm bảo tính đáp ứng ngay được nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên đến nay chưa thể đối soát trực tiếp với CSDLQG.

“Để có thể đối soát trực tiếp vẫn cần phát triển từng bước, thử nghiệm sau đó triển khai ở quy mô nhỏ”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Tiếp theo đợt khóa thuê bao không trùng khớp CSDLQG ngày 31/3, Sở TTTT tại các tỉnh thành sẽ thanh tra toàn bộ các chi nhánh nhà mạng, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên cả nước để đảm bảo hoạt động phát triển thuê bao mới diễn ra đúng quy định, không làm phát sinh SIM rác, theo đại diện đại diện Bộ TTTT cho biết tại họp báo.

 Khách hàng xác thực lại thông tin thuê bao tại một chi nhánh nhà mạng Viettel sau khi bị khóa liên lạc một chiều ngày 1/4. Ảnh: MS.

Khách hàng xác thực lại thông tin thuê bao tại một chi nhánh nhà mạng Viettel sau khi bị khóa liên lạc một chiều ngày 1/4. Ảnh: MS.

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, khi đăng ký thuê bao, cá nhân cần xuất trình giấy tờ tùy thân. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải đảm bảo giấy tờ chính chủ, sau đó ghi nhận thông tin và bản số hóa giấy tờ vào thông tin thuê bao. Trên thực tế hoạt động mua bán SIM rác, sử dụng thuê bao không chính chủ vẫn diễn ra phổ biến, theo công văn Bộ TTTT gửi đến đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các tổ chức, cá nhân sử dụng SIM số lượng lớn cũng là đối tượng của đợt thanh tra này. Số lượng lớn được coi là từ 50 SIM trở lên với tổ chức và 20 SIM trở lên với cá nhân.

Bộ TTTT cho biết người đứng đầu nhà mạng, những đại lý thuê sinh viên và lao động tự do đứng tên đăng ký SIM, người được thuê đăng ký hàng loạt SIM là các đối tượng sẽ bị xử phạt nếu phát hiện sai phạm. Đối với nhà mạng, hình thức xử phạt có thể là đình chỉ phát triển thuê bao mới.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/1-4-trieu-thue-bao-van-bi-khoa-post1419556.html