Kiểm tra sinh trắc học: Ngân hàng ghi nhận các vướng mắc của người dùng để tháo gỡ, xử lý

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, chiều ngày 6/7, các nội dung liên quan đến kiểm tra sinh trắc học để thực hiện chuyển khoản với giao dịch trên 10 triệu đồng từ ngày 1/7 (theo Quyết định số 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng) nhận được sự phản ánh và quan tâm của báo chí.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345/QĐ-NHNN có mục đích đầu tiên là làm sạch tài khoản vì hiện nay có căn cước công dân gắn chip, còn trước kia chúng ta có chứng minh thư và nhiều giấy tờ nên kẻ gian lợi dụng giấy tờ giả, hoặc cho thuê, cho mượn để mở tài khoản. Triển khai Đề án 06 NHNN phối hợp với Bộ Công an để làm sạch thông tin tài khoản. Như vậy sau khi làm sạch tài khoản sẽ không còn hiện tượng dùng giấy tờ giả để mở tài khoản, cũng không có tình trạng giấy tờ bị lợi dụng để mở tài khoản nữa.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định mọi vướng mắc liên quan đến áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng sẽ được ghi nhận, xử lý

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định mọi vướng mắc liên quan đến áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng sẽ được ghi nhận, xử lý

“Sau khi có dữ liệu làm sạch với Bộ Công an, chỉ khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu thì mới yêu cầu kiểm tra sinh trắc học. Cách thức kiểm tra sinh trắc học cũng rất đơn giản. Đó là so sánh khuôn mặt của người thực hiện giao dịch với khuôn mặt để kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu, nếu khớp đúng thì cho thực hiện. Đối với giao dịch dưới 10 triệu đồng, những giao dịch thanh toán cho hàng hóa thiết yếu thì không cần thiết”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo thống kê của NHNN, bình quân trong tháng 6 lượng giao dịch trên 10 triệu đồng/ngày chiếm khoảng 8% số lượng giao dịch, và bình quân một ngày có từ 1,8-2 triệu giao dịch này.

Hiện nay có trên 80% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tức là tương đương 65 triệu người trưởng thành. Số lượng tài khoản khoảng 180 triệu, tức là bình quân mỗi người Việt Nam trưởng thành có khoảng 3 tài khoản tại ngân hàng. Về kết quả, tính đến chiều hôm qua (ngày 5/7), các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch từ căn cước công dân được 19 triệu tài khoản.

Như báo chí đăng tải, trong ngày 1/7 đã có trục trặc nhất định, do đông người vào hệ thống. Tuy nhiên đến các ngày 2, 3, 4, 5/7, hệ thống đã hoạt động bình thường. “Chúng tôi thống kê chính xác được 19 triệu tài khoản, trong đó có 10% số khách hàng được ngân hàng hỗ trợ trực tiếp tại quầy”, Phó Thống đốc thông tin.

Về lý do phải hỗ trợ tại quầy, Phó Thống đốc cho biết, thứ nhất là do có người không có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư và căn cước cũ nên không thể dùng phương tiện điện tử để làm được. Thứ hai, có những khách hàng không có điện thoại NFC thì đến quầy để ngân hàng giúp thực hiện.

Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy, giao dịch hết cuối ngày hôm qua (ngày 5/7, là ngày cuối tháng âm lịch và cùng là ngày cuối tuần làm việc) đạt đỉnh trong hệ thống điện tử liên ngân hàng, lên tới 26,3 triệu giao dịch, mức lớn nhất trong 10 ngày gần đây. Trong đó, 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng.

Để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện, NHNN đã có 2 văn bản hướng dẫn bổ sung trong các tình huống như không có căn cước công dân gắn chip. Gần đây nhất, VietcomBank đến chiều 1/7, khách hàng không cần có điện thoại có NFC nữa mà kết nối liên thông VNeID với App của VietcomBank luôn.

Đối với vấn đề bảo mật thông tin, Luật Các tổ chức tín dụng có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong bảo mật thông tin. Luật An ninh mạng, đặc biệt là Nghị định 13 có quy định về bảo vệ thông tin. NHNN có thông tư về bảo đảm an ninh, an toàn và được bảo mật liên tục. Các ngân hàng trong quá trình làm phải tuân thủ tất cả các điều này.

Về bảo mật giao dịch, giao dịch trên 10 triệu đồng có thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, các bước còn lại như cũ. Như vậy chúng ta thêm một bước nữa để bảo đảm chính chủ (trường hợp không chính chủ sẽ không dùng được nữa).

"Tôi xin nhấn mạnh lại đây là thêm một lớp bảo mật cho giao dịch, còn các bước còn lại không bớt bước nào", Phó Thống đốc nói.

Về khuyến cáo, theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, với giải pháp này có người hỏi là có an toàn tuyệt đối chưa thì tất cả các giải pháp đều không có gì là an toàn tuyệt đối cả. Chúng ta ra cái này thì tội phạm tạo ra các thủ đoạn khác và như thế ngân hàng phải liên tục khuyến cáo và chúng ta cần liên tục phổ biến các khuyến cáo này. Ví dụ như báo chí đã đưa tin, có ứng dụng VneID thì lập tức là có người làm giả ứng dụng VneID; có ứng dụng bảo hiểm thì lập tức có người làm giả ứng dụng bảo hiểm… nhằm chiếm quyền để thực hiện các hành vi xấu. Những câu chuyện như vậy cho thấy ngân hàng phải liên tục khuyến cáo trước các thủ đoạn mới. Khảo sát hôm qua cho thấy, 94% người được hỏi biết các câu chuyện, vấn đề này thông qua các phương tiện truyền thông.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng có 2 nhiệm vụ, đó là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng; Bảo vệ an ninh, an toàn hoạt động liên tục của hệ thống công nghệ thông tin, trong bối cảnh hiện nay hoạt động ngân hàng đã trên 95% giao dịch được thực hiện kênh số.

NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận tất cả khó khăn, vướng mắc của người dùng để tháo gỡ, xử lý. Đặc biệt liên tục nâng cấp ứng dụng Mobile Banking để có thể đối phó với các thủ đoạn mới, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dùng.

“Tôi xin cam kết, có vướng mắc gửi đến các hệ thống ngân hàng chúng tôi sẽ xử lý. Chúng ta sẽ làm theo lộ trình, làm dần dần và làm đến đâu chắc đến đó với mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kiem-tra-sinh-trac-hoc-ngan-hang-ghi-nhan-cac-vuong-mac-cua-nguoi-dung-de-thao-go-xu-ly-153314.html