1,5 m2 đất, mất tình chị em
Tình ruột thịt không thể hàn gắn vì hai chị em quá cố chấp, dù họ đều bước sang tuổi thất thập cổ lai hy
Một người cần người khác dìu, một người phải chống gậy, cả hai cùng bước vào phòng xử án. Đây không phải lần đầu tiên họ đưa nhau đến chốn công đường, chỉ vì vài mét vuông đất.
Kiện vì vài mét đất
Bà V.B.T (71 tuổi, nguyên đơn) khởi kiện em trai, ông V.V.B (65 tuổi). Cha mẹ để lại mảnh đất gần 1.000 m2 và hai chị em họ chia đều tài sản này. Sau đó, bà T. xây nhà ở trên mảnh đất thừa kế. Miếng đất của ông B. bỏ trống, mãi gần đây, ông mới xây nhà.
Tại tòa, bà T. trình bày cách đây 3 tháng, bà phát hiện tường, vách nhà xuất hiện nhiều vết nứt do gia đình ông B. xây nhà sát bên. Lúc xây nhà, phía ông B. luôn bất cẩn, bỏ vật liệu rơi vãi sang mái tôn, máng xối nhà bà T. Nghiêm trọng hơn, theo bà T., ông B. cố tình xây lấn sang phần đất nhà bà gần 3 m2. Phần đất đó nằm trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất do bà T. đứng tên. Bà T. khởi kiện, yêu cầu ông B. bồi thường gần 150 triệu đồng, bao gồm: chi phí sửa tường, thay mái tôn, thay máng xối. Đồng thời, đề nghị tòa án buộc ông B. tháo dỡ phần công trình xây lấn chiếm, trả lại gia đình bà 3 m2 đất.
Chẳng nhún nhường, ông B. khẳng định: "Trước khi khởi công, tôi tuân thủ đầy đủ thủ tục xin cấp phép xây dựng. Gia đình tôi mời gia đình chị gái ra xác định ranh giới 2 công trình. Do không ai phản đối nên chúng tôi bắt đầu xây nhà theo đúng bản vẽ cơ quan chức năng cấp phép".
Ở phiên tòa thứ nhất xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra, HĐXX tạm hoãn xét xử một tuần, theo chủ tọa là để hai bên nghĩ lại, tìm hướng hòa giải. Đồng thời, tòa án sẽ xác minh một số chứng cứ quan trọng.
Chị muốn dạy dỗ em (?)
Mọi thiện chí đối thoại, hòa giải mà tòa án hay chính quyền địa phương mong muốn đều không có hướng ra. Hai đương sự chấp nhận tốn thời gian, công sức, chi phí vào các phiên tòa.
Lần xét xử thứ hai, ông B. thừa nhận trong lúc thi công có lấn chiếm sang khu đất nhà chị gái. Tuy nhiên, công trình được xây dựng kiên cố, nếu tháo dỡ sẽ tốn rất nhiều công sức, chi phí. Hơn nữa, ông không đồng ý với kết quả đo đạc phần đất lấn chiếm là 3 m2. Theo ông B., thợ xây dựng chỉ lấn phần tường gạch có diện tích chưa đầy 1 m2, đề nghị tòa án tiến hành đo đạc lại. Đối với yêu cầu đền bù thiệt hại, ông B. không đồng ý bởi chưa có cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hư hại. "Tôi sẵn sàng bồi thường nếu kết quả giám định chỉ rõ nhà chị T. hư hại do việc xây dựng phía tôi gây ra" - ông B. khẳng định.
Nghe vậy, bà T. đứng bật dậy, lớn tiếng: "Thưa quý tòa, em tôi nghe lời vợ, cố tình lấn chiếm đất, cãi lời chị. Thật ra, tôi đâu có muốn đòi vài mét vuông đất làm gì. Tôi chỉ thay cha mẹ dạy dỗ lại đứa em nhu nhược này".
Thấy tình hình quá căng thẳng, chủ tọa khuyên nhủ: "Kiện tụng chưa bao giờ là cách giải quyết tốt nhất mâu thuẫn giữa những người thân trong gia đình. Nay cả hai đã tuổi cao sức yếu, thiết nghĩ nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng an vui tuổi già. Các vị không nên đánh mất tình chị em ruột thịt chỉ vì phút nóng giận".
Thế nhưng, lời khuyên này dường như không tác động đến họ. Cả hai vẫn khăng khăng giữ yêu cầu của mình. HĐXX tiếp tục dời ngày xử để đo đạc lại đất, giám định phần hư hại ở nhà nguyên đơn.
Từ mặt
Lần xét xử thứ ba, chủ thầu xây dựng công trình của bị đơn có mặt. Ông giải thích công nhân tiến hành xây nhà chính xác theo bản vẽ được chính quyền địa phương phê duyệt. Ông cho hay 2 gia đình có chôn cột bê-tông làm ranh giới 2 mảnh đất nên khi xây nhà, ông căn cứ cột bê-tông rồi đổ móng, đặt gạch xây tường, không có chuyện lấn chiếm đất của bà T.
Do hai bên không tìm được tiếng nói chung, tòa án trưng cầu một lúc 2 cơ quan giám định. Kết quả cho thấy căn nhà gia đình bà T. cư ngụ hư hại do công trình xây dựng nhà ông B. với mức độ thiệt hại khoảng 16 triệu đồng. Theo kết quả đo đạc, bị đơn lấn chiếm 1,5 m2 đất.
Giữ lập trường, bị đơn vẫn phản đối phương án tháo dỡ một phần công trình để trả lại đất. Ông chấp thuận bồi thường thiệt hại như kết quả giám định và trả bà T. khoản tiền tương đương phần đất lấn chiếm đúng giá tòa án đưa ra là 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nguyên đơn nhất định không chấp thuận. Bà T. khăng khăng: "Cần đất, không cần tiền!".
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tòa sơ thẩm buộc bị đơn trả giá trị quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, tổng cộng 3 triệu đồng; có quyền sử dụng 1,5 m2 sau khi thanh toán tiền. Ngoài ra, bị đơn có trách nhiệm bồi thường như kết luận giám định.
HĐXX tuyên án vừa xong, bà T. một mực đòi kháng cáo. Chưa kịp ra khỏi phòng xử án, bà đã tuyên bố từ mặt gia đình em trai. Không nao núng, người em cố tình đi qua mặt chị mà không nói nửa lời…
Không thể tháo dỡ
HĐXX phân tích mọi trường hợp lấn chiếm đất trái pháp luật đều phải trả lại đất. Tuy nhiên, vụ án trên có đặc thù là khi tòa án thụ lý đơn kiện, phía bị đơn đã xây dựng xong công trình kiên cố. Nếu tòa án buộc tháo dỡ thì phần công trình còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, 2 căn nhà liền kề vách nên cơ quan thi hành án không thể tháo dỡ hay đập bỏ để trả lại 1,5 m2 đất.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/15-m2-dat-mat-tinh-chi-em-20210423210223473.htm