1.716 nhân viên y tế TQ nhiễm virus corona và đối chọi 'căn bệnh' khác
Chính phủ Trung Quốc tuần qua lần đầu tiên xác nhận 6 nhân viên y tế tử vong vì virus corona ở nước này, nêu bật lên rủi ro của các y bác sĩ ở tuyến đầu do thiếu thiết bị bảo vệ.
Con số 6 nhân viên y tế tử vong được Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) công bố hôm 14/2.
Ông Tăng cho biết 1.716 nhân viên y tế Trung Quốc đã nhiễm virus corona (Covid-19), chiếm khoảng 3,8% tổng số ca nhiễm chủng virus corona mới tại đại lục. Số liệu này chỉ tính đến ngày 11/2.
Phần lớn các trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc, tuyến đầu của nỗ lực khống chế dịch bệnh, với 1.502 ca. Trong số đó, có đến 1.102 người là nhân viên y tế làm việc ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh vào tháng 12/2019 và đang chịu lệnh phong tỏa.
“Nếu đến chúng tôi còn sợ thì điều gì sẽ xảy ra với mọi người”
Giới chức trách Trung Quốc đang nỗ lực triển khai thiết bị bảo vệ tới các bệnh viện ở Vũ Hán, nơi các y bác sĩ ngày đêm vật lộn với sự quá tải của lượng bệnh nhân không ngừng tăng lên.
Theo AFP, nhiều bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán phải chăm sóc bệnh nhân mà không có đủ khẩu trang hay trang phục bảo hộ phù hợp, nhiều khi phải tái sử dụng các thiết bị bảo hộ lẽ ra phải được thay đổi thường xuyên.
Một bác sĩ tại một phòng khám cộng đồng ở Vũ Hán nói với AFP rằng ông và ít nhất 16 đồng nghiệp khác đang có các triệu chứng tương tự như nhiễm virus corona, bao gồm nhiễm trùng phổi và ho.
Những nguy cơ mà các y bác sĩ tuyến đầu phải đối mặt nổi lên sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng vì nhiễm virus corona khiến công chúng giận dữ. Vị bác sĩ 34 tuổi tại Vũ Hán qua đời ngày 7/2, là một trong những người đầu tiên cảnh báo với cộng đồng về sự xuất hiện của dịch bệnh nhưng sau đó chịu kỷ luật vì "tung tin đồn thất thiệt" và được yêu cầu giữ im lặng.
Theo New York Times, các nhân viên y tế Trung Quốc ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch virus corona thường trở thành nạn nhân, một phần bởi những rào cản về hậu cần và lúng túng ban đầu của chính quyền địa phương.
Khi virus corona xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, lãnh đạo thành phố đã đánh giá thấp nguy cơ của nó, thế nên nhiều bác sĩ thiếu cảnh giác. Khi dịch bùng phát tới mức không còn có thể làm ngơ với nó, giới chức đã cho phong tỏa Vũ Hán, sau đó là tỉnh Hồ Bắc và nhiều khu vực khác ở Trung Quốc.
Lệnh phong tỏa có thể làm chậm sự lây lan của dịch, nhưng cũng cản trở việc vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị y tế cần thiết tới Hồ Bắc. Từ đó, cũng khiến nhiều y bác sĩ đối mặt với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ.
Yu Yajie - một quản lý tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cho biết tại nơi cô làm việc, các y tá, bác sĩ và chuyên gia y tế khác đang chiến đấu với virus corona mới, một "căn bệnh" khác họ cũng phải chống chọi là thiếu thốn vật tư y tế nghiêm trọng. Họ phải dùng băng dính dán khẩu trang rách, tái sử dụng kính bảo hộ và lấy túi nylon bọc giày.
Yu hiện phải nằm bẹp ở nhà, bị sốt và sợ rằng cô đã nhiễm virus. Yu cùng các nhân viên khác tại bệnh viện nói rằng thiếu đồ bảo hộ khiến những nhân viên y tế như họ ở Vũ Hán, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương với dịch bệnh.
"Có nhiều nguy cơ, chỉ đơn giản là do không có đủ nguồn lực", Yu nói qua điện thoại và cho biết thêm rằng cô không thể trao đổi dài hơn vì quá yếu.
Trong khi đó, Cai Yi - trưởng khoa gây mê giảm đau ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, trải lòng: “Tất nhiên tôi lo bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu đến chúng tôi còn sợ thì điều gì sẽ xảy ra với mọi người”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi nhân viên y tế ở Hồ Bắc như những anh hùng và huy động cả nước tham gia vào "cuộc chiến toàn dân" chống virus corona.
Sự nỗ lực và hi sinh của các nhân viên y tế ở Vũ Hán thực sự phi thường. Một số thậm chí đang xoay xở tự bỏ tiền túi để mua đồ bảo hộ, cầu khẩn bạn bè trợ giúp hoặc dựa vào đồ quyên tặng từ nơi khác ở Trung Quốc hoặc nước ngoài. Nhiều người khác còn nhịn ăn uống trong thời gian dài để tránh phải đi vệ sinh, đồng nghĩa với khỏi phải cởi bỏ đồ bảo hộ vốn đang là thứ vô cùng quý giá và khan hiếm. Những nhân viên y tế trẻ tuổi hơn tự nguyện chăm sóc những ca nguy cấp hơn, với ý niệm rằng nếu họ đổ bệnh thì cũng có khả năng bình phục tốt hơn.
Giới chuyên gia cho rằng xoay quanh vấn đề các nhân viên y tế nhiễm virus corona còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, trong đó có việc họ nhiễm bệnh từ đâu và liệu tỉ lệ lây nhiễm có chậm lại không. Những nghi vấn này chưa có đáp án có thể khiến nhiều quốc gia khác gặp khó khăn hơn trong việc đánh giá và giảm thiểu rủi ro cho các nhân viên y tế.
“Rõ ràng có được những dữ liệu như vậy càng sớm càng tốt sẽ có ích đối với nhiều khu vực khác ở Trung Quốc đang bắt đầu đối phó với dịch viêm phổi, cũng như các nước trên thế giới", Malik Peiris, chuyên gia nghiên cứu về virus tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết họ đang tìm kiếm thông tin về thời gian và hoàn cảnh nhiễm bệnh của nhân viên y tế. "Đây là thông tin vô cùng quan trọng bởi các y bác sĩ này là chất keo kết dính hệ thống y tế và cuộc chiến chống dịch", ông Tedros nói.
Những nút thắt gây thiếu hụt vật tư y tế
Việc thiếu hụt thiết bị và đồ bảo hộ dường như không thể tránh khỏi khi virus lây lan với tốc độ khó lường. Trong khi đó, việc thắt chặt kiểm soát để ngăn virus lây lan trên khắp Trung Quốc cũng phần nào làm chậm quá trình sản xuất và vận chuyển trang thiết bị y tế cần thiết, theo các bác sĩ, quản lý nhà máy và nhân viên cứu trợ.
Các biện pháp kiểm tra, hạn chế đi lại trên đường bộ khiến nhiều lô hàng trì trệ. Nhà máy gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường sản xuất vì thiếu công nhân và nguyên vật liệu xuất phát từ lệnh phong tỏa. Bên cạnh đó lại xảy ra tình trạng chính quyền địa phương tích trữ hàng. Hội Chữ thập đỏ nắm quyền phân phối đồ quyên tặng đã tạo ra nút thắt khiến nhân viên bệnh viện phẫn nộ.
Cuộc sống của nhiều nhân viên y tế ở Vũ Hán đang trở thành một cuộc chạy đua nghẹt thở: chữa trị cho bệnh nhân suốt ngày, thời gian còn lại dùng để săn tìm đồ bảo hộ. Sự thiếu hụt buộc những nhân viên y tế ở các bệnh viện trong thành phố lên mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ khẩu trang N95, loại khẩu trang bảo vệ khỏi virus tốt nhất và nhiều đồ bảo hộ khác.
Bác sĩ Peng Zhiyong, 53 tuổi, trưởng khoa hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán, trả lời phỏng vấn hồi đầu tuần rằng đội của ông sắp hết quần áo bảo hộ và khẩu trang. "Chúng tôi chỉ nghỉ một lần duy nhất trong ngày để ăn uống. Bởi nếu rời khỏi phòng, bạn sẽ không có đồ bảo hộ mới để thay khi trở lại", ông nói.
Bác sĩ Peng và các chuyên gia nghiên cứu khác cho biết 40 nhân viên chăm sóc y tế tại bệnh viện của ông bị nhiễm virus corona hồi tháng 1, trong đó có 1/3 ca nhiễm được công bố trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ tuần trước.
Một bác sĩ 61 tuổi đã qua đời 9 ngày sau khi nhiễm virus từ một bệnh nhân, theo báo cáo trên báo China Philanthropy Times. Một bác sĩ khác bắt đầu có triệu chứng bệnh từ đầu tháng trước, trước khi nhân viên y tế biết về dịch viêm phổi và bắt đầu cảnh giác với nó, theo trang Health Times. Ông qua đời đầu tuần trước.
Trong dịch SARS năm 2002-2003, 15% trong số các ca nhiễm được xác nhận là nhân viên y tế và khoảng 1% tử vong, theo những chia sẻ của chuyên gia Xu Dezhong với Tân Hoa Xã.
Những lời kêu gọi giúp đỡ từ các bệnh viện khắp Hồ Bắc đã châm ngòi cho các chiến dịch quyên tặng mạnh mẽ từ các doanh nhân, người lao động và tổ chức từ thiện khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đột biến về vật tư y tế rất khó có thể được đáp ứng, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa.
Giới chức thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc lúc đầu nói rằng các công ty sản xuất quần áo bảo hộ và khẩu trang y tế không thể quay lại sản xuất trước ngày 14/2. Vấp phải sự chỉ trích, giới chức hôm 10/2 thông báo 73 công ty có thể mở cửa trở lại.
Trong khi đó, những con đường ở Hồ Bắc đang giăng đầy vật cản do phong tỏa. Chính quyền đã “bật đèn xanh” cho các xe chở khẩu trang, kính bảo hộ và các trang thiết bị khác. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn không ít bất cập nảy sinh tại thực địa. Theo tờ Beijing News, một tài xế nhẩm tính xe của anh bị chặn lại 14 lần để đo thân nhiệt khi đi ra khỏi thành phố Vũ Hán để lấy vật tư y tế.
Guo Fei, doanh nhân 27 tuổi, người từng giúp mua và vận chuyển vật tư y tế tới bệnh viện ở thành phố Hiếu Cảm ở Hồ Bắc, cho hay đội của anh bị cảnh sát giữ lại khoảng 8 tiếng ở tỉnh Giang Tây, khi họ đến đó lấy đơn đặt hàng găng tay y tế.