1 án lệ đầy tính nhân văn về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi

Luật Nuôi con nuôi chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên; Án lệ 61/2023 vừa bổ sung quy định vừa vì quyền lợi của người chưa thành niên.

TAND Tối cao vừa công bố bảy án lệ mới, trong đó có Án lệ 61/2023/AL về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.

Nguồn án lệ dựa trên Quyết định 87/2019/QĐST-HNGĐ ngày 24-4-2019 của TAND huyện Trảng Bom, Đồng Nai về việc yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Người yêu cầu là ông T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là em vợ ông T.

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi theo sự tự nguyện của các bên ở thời điểm con nuôi chưa thành niên. Ảnh: TRẦN LINH

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi theo sự tự nguyện của các bên ở thời điểm con nuôi chưa thành niên. Ảnh: TRẦN LINH

Đồng thuận chấm dứt nuôi con nuôi khi con vẫn chưa thành niên

Năm 2015, vợ chồng em trai của vợ ông T khó khăn về kinh tế nên đồng ý cho con là cháu H (khi đó 12 tuổi) làm con nuôi của vợ chồng ông T. Hai bên làm thủ tục nhận nuôi tại UBND xã và đã được cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

Bốn năm sau, H có nguyện vọng được về sống cùng cha mẹ ruột nên vợ chồng ông T yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Cha mẹ ruột của H đồng ý với nguyện vọng của con mình.

H cũng cho biết sau khi được nhận nuôi, em sống và học tập tốt và vẫn giữ liên lạc với gia đình. Nhưng do nay đã lớn và về nhà có đông anh chị em nên H có nguyện vọng được về sống cùng cha mẹ ruột.

TAND huyện Trảng Bom nhận định rằng quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp. Các bên đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

H có nguyện vọng về ở với cha mẹ ruột để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học. Nguyện vọng của H được cha mẹ nuôi và cha mẹ ruột đồng ý. Do đó, đề nghị của cha mẹ nuôi về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện và phù hợp với quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 25 Luật Nuôi con nuôi nên được chấp nhận. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật.

Nội dung Án lệ 61/2023/AL Vợ chồng ông T nhận nuôi cháu H. UBND xã cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Các bên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp. Sau đó, người con nuôi (vẫn chưa thành niên) có nguyện vọng về ở với cha mẹ ruột. Nguyện vọng này được cha mẹ nuôi và cha mẹ ruột đồng ý. Việc cha mẹ nuôi đề nghị tòa chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện và phù hợp với quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 25 Luật Nuôi con nuôi nên cần chấp nhận.

Luật không quy định nên cần án lệ

Bình luận về án lệ này, GS-TS Đỗ Văn Đại (thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ - TAND Tối cao) phân tích: “Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Điều luật này có đề cập tới vấn đề tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên; tuy nhiên chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi ở thời điểm con nuôi chưa thành niên theo sự tự nguyện của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi và phù hợp với nguyện vọng của con nuôi. Thực tế, người con đã về sống với gia đình gốc nhưng về mặt pháp lý lại thuộc về gia đình nuôi.

Trước sự chưa đầy đủ của luật và thực tiễn nêu trên, việc tòa án chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là cần thiết, nhất là khi người con nuôi không hòa hợp với gia đình nuôi hay gia đình nuôi không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt bằng gia đình gốc.

Ở khía cạnh văn bản, trường hợp nêu trên chưa được quy định nhưng nếu không chấp nhận yêu cầu của các bên trong tình huống án lệ thì nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận không được thực hiện; việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi và sự phát triển của trẻ em không được bảo đảm”.

GS-TS Đỗ Văn Đại và đồng nghiệp đã đề xuất thành công án lệ này. Theo đó, “cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha đẻ, mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; con nuôi có nguyện vọng được về sống với cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Trường hợp này, tòa án phải chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”.

Quy định nhân văn, vì quyền lợi người chưa thành niên

Ở Trung Quốc, Bộ luật Dân sự quy định quan hệ nuôi con nuôi có thể được giải quyết chấm dứt bằng thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc theo thủ tục hành chính.

Và về nguyên tắc, người nhận con nuôi không được quyền yêu cầu chấm dứt quan hệ với con nuôi trước khi con nuôi thành niên, “trừ trường hợp người nhận con nuôi và người cho con nuôi đồng thuận việc chấm dứt quan hệ này”.

Án lệ 61/2023/AL vừa bổ sung điểm khuyết của quy định pháp luật, vừa mang yếu tố nhân văn, vì quyền lợi của trẻ em và người chưa thành niên.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-an-le-day-tinh-nhan-van-ve-viec-cham-dut-viec-nuoi-con-nuoi-post724628.html