1 bài thơ mà chia rẽ cộng đồng mạng thành 2 … chiến tuyến
Cộng đồng mạng vẫn chưa để cho thơ … được yên !
Bài thơ bị chửi có chữ “chửi” ngay trong tiêu đề !
Đã 3 ngày sau khi báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ với 2 giải B được trao cho 2 tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), cùng 4 giải C, 6 giải khuyến khích. Cộng đồng mạng có vẻ vẫn chưa để cho thơ… được yên.
Ngay sau khi giải được công bố, các nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Lê Thiếu Nhơn đã đưa ra ý kiến trên trang Facebook cá nhân rằng Ban tổ chức đã "giết chết nền thơ" của nước nhà khi trao giải cho hai bài thơ "dở nhất nước".
Mũi nhọn chủ yếu chĩa vào bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân. Một làn sóng “chửi” tràn lan mạng xã hội, đến nỗi một người tưởng như chả có mấy liên quan đến thơ như bác sĩ Nguyễn Đình Anh, vụ trưởng Vụ truyền thông & Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế cũng phải tò mò : Nghe bảo cộng đồng mạng đang xôn xao phong trào THƠ MỚI. Nó như thế nào hả các anh, các chị
Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông & thi đua khen thưởng - Bộ Y tế, hẳn là vì khá sát với ấm lạnh văn chương nước nhà, thì đưa ra ý kiến : Có vẻ như người ta không chửi bài thơ chửi mà chửi người chấm thơ là chính...
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên thì hài hước tạm chia các loại chửi như sau: Chửi vì thơ như thế mà được giải cao. Chửi vì cũng dự thi mà không được giải. Chửi vì là nhà thơ. Chửi vì có người nổi tiếng đã chửi. Chửi vì ghét cái người chấm giải. Chửi vì ghét cái người được mời trao giải. Chửi vì ghét thơ. Chửi vì ghét bọn làm thơ. Chửi vì có chồng (đã ly dị) là nhà thơ.
Những ý kiến mạnh mẽ bảo rằng đó chính là … thơ
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN cho rằng : Thơ Tòng Văn Hân không nhiều vần điệu êm ả, không hiện đại, không chải chuốt, làm dáng, nghe còn "ngang tai" nữa (nhưng hơn hẳn mấy bác, mấy cô làm thơ theo lối văn vần . Đọc kỹ, thì cái tứ thơ lại rất được. Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm, so sánh ẩn dụ thú vị... của người miền núi. Lời chửi của "mẹ tôi" trong bài thơ thật lạ, không giống ai. Đúng ra là mẹ không chửi, mà mẹ mong Ta cầu mong cho ngươi/Nuôi được gà đầy đàn/Lứa này tiếp lứa khác..; ... Thì hãy có nhiều lợn/Đàn tiếp đàn núc ních.... Mẹ giận, mẹ chửi mà đáng yêu như vậy thì 4 câu thơ cuối bài cũng dễ hiểu, không lạc lõng ...Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu của họ.
Tiến sĩ Mai Hoàng (Viện Văn học) nhận xét : Anh Tòng Văn Hân làm thơ cho chính anh, cho cộng đồng của anh và tôi tin nhiều người trong số họ đồng cảm ngay với sáng tác của anh. Người Kinh nào thích thì đọc, không thích thì thôi. Dè bỉu thơ anh Hân khác nào dè bỉu món thịt trâu gác bếp chỉ vì không ăn được món đó. Cá nhân tôi rất thích bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Nó thiện lành mà không cần rao giảng đạo đức, câu kết dí dỏm duyên dáng và đáng yêu.
Nhà báo Phạm Thanh Hà, tổng biên tập tạp chí Phụ nữ mới đưa ra ý kiến : Tôi chỉ thích nhân cái dịp này đả đảo thơ ca dịu dàng giả dối, bịa ra đủ tâm trạng mang tính kịch và ngôn ngữ lòe loẹt, cơ bản giống nhau. Mà cái thứ thơ ấy không chán đến mức không thể chán hơn, nhẽ đâu ban giám khảo lại chọn một bài như thế mà trao giải.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul) thì mong muốn : Ngôn ngữ thơ, tức là câu chữ, nó phải cứa vào da vào thịt, vào tim gan người đọc. Ngôn ngữ thơ của bài này, đúng là thơ chửi mất gà mất lợn, có thể đó là ý đồ tác giả. Nhưng tôi vẫn thích tu từ phải thật sắc, câu chữ phải ấn tượng. Trong làng thơ Việt chấm bài này là xứng đáng rồi.
Ban tổ chức cuộc thi thơ nói gì về Mẹ tôi chửi kẻ trộm ?
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nói chung về nội dung, cuộc thi có xu hướng trở về cái dân tộc trong quỹ đạo vận động âm hưởng truyền thống là chính. Không có những đổi mới cực đoan, quá khích. Trách nhiệm xã hội của nhà thơ cũng được thể hiện rõ. Ấy là sự băn khoăn, lo lắng khi tiếp cận những vấn đề của đời thường bằng trách nhiệm và tinh thần xây dựng, không góc độ này thì góc độ khác. Tình cảm, chân thành, tiến bộ, phản ánh cái đa dạng, đa thanh của đời sống hiện đại; bắt được nhịp của đời sống; đó là sự lo âu đối với vấn đề đạo đức; như bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân, có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải đánh kẻ trộm, hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện… Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc...
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : Vì sao 1 bài thơ mà đủ sức chia rẽ cộng đồng mạng thành 2 chiến tuyến ?
Thực tế cho thấy thơ và các nhà thơ luôn luôn tìm đường, không bằng lòng kiểu vần điệu cũ. Nhưng trong nghệ thuật, tìm ra cái mới chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mở rộng sang lĩnh vực khác, các chương trình Giai điệu tự hào, Quán thanh xuân của Đài truyền hình Việt Nam … chủ yếu vẫn lay động lòng người bởi những bài hát từ nhiều chục năm về trước.
Tâm trạng xã hội ngày nay đang rất khác so với nhiều chục năm trước. Trước đây, xã hội nhiều cái chung, dễ tìm được sự đồng thuận, nay phân tán từng cá nhân. Việc ai cũng có thể đưa ra ý kiến riêng là dấu hiệu của một xã hội dân chủ. Nhưng kết luận một sự việc sẽ thuộc về quyền của những người có trách nhiệm. Chúng ta nên hiểu đơn giản : Đây là cuộc thi thơ của một tờ báo. Giải thưởng là quan điểm của Ban giám khảo.
Theo nhà phê bình Ngô Thảo, trừ những tác phẩm thật xuất sắc, còn khi toàn loại trên trung bình, thì những cơ sở để chọn thường khác nhau, do thế dễ gây tranh cãi, khó có lời kết thỏa đáng.
Về điều này, Ban tổ chức cuộc thi thơ đã chia sẻ khá rõ : Cho đến cuối cuộc thi, những đỉnh cao, những đột phá chứa đựng tầm vóc của trí tuệ cũng như sự bứt phá của thăng hoa, thể hiện qua những tác phẩm thực sự nổi trội thì vẫn nằm trong sự kỳ vọng của mỗi người. Nhìn chung về mặt nghệ thuật, cuộc thi lần này chưa xuất hiện những đột biến tìm tòi; chưa khẳng định được một giọng lĩnh xướng nào tiêu biểu cho một hướng phát triển mới của thơ. Nhưng cũng chính vì vậy có thể nói cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ đã phần nào phản ánh đúng được tình hình sáng tác thơ hiện nay…(trích từ trang điện tử của Báo Văn nghệ - đơn vị tổ chức cuộc thi thơ).
Mẹ tôi chửi kẻ trộm
(Tòng Văn Hân)
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.