1 bộ trưởng Thụy Điển đề xuất 'du lịch phá thai' vì dân Ba Lan
Bộ trưởng Bình đẳng giới Thụy Điển Asa Lindhagen đưa ra đề xuất này để phản đối việc Ba Lan áp đặt nhiều hạn chế đối với quyền phá thai của người phụ nữ.
Một quan chức cấp cao ở Thụy Điển đã đề xuất loại hình "du lịch phá thai" dành cho phụ nữ Ba Lan sau khi chính quyền Warsaw thắt chặt các quy định về phá thai, hãng tin Sputnik hôm 2-11 cho hay.
Chỉ trích việc Ba Lan áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với quyền phá thai của nữ giới, Bộ trưởng Bình đẳng giới Thụy Điển Asa Lindhagen viết trên Instagram rằng "hãy để phụ nữ Ba Lan thực hiện việc phá thai ở Thụy Điển!"
"Bây giờ, quyền phá thai vốn đã bị hạn chế khắc khe ở Ba Lan đang bị tước đoạt thêm nữa" - bà Lindhagen chỉ trích.
Bà Lindhagen cho biết "bây giờ, đảng Xanh (mà bà là một thành viên cấp cao - PV) muốn Thụy Điển cung cấp cho phụ nữ Ba Lan dịch vụ phá thai miễn phí, được trợ cấp và an toàn" bởi vì "không một phụ nữ nào nên mạo hiểm tính mạng của họ vì việc phá thai trái pháp luật".
Bộ trưởng Lindhagen nhắc lại rằng vào những năm 1960, Thụy Điển từng là một nước cấm phá thai, cùng lúc đó thì Ba Lan lại coi việc từ bỏ thai nhi là quyền của người phụ nữ. Lúc đó, người Ba Lan đã đấu tranh vì quyền phá thai cho phụ nữ Thụy Điển.
Do đó, bà Lindhagen kêu gọi chính quyền Stockholm rằng: "Đã đến lúc Thụy Điển đứng lên vì nữ giới ở Ba Lan giống như cách người Ba Lan từng đứng lên vì chúng ta."
Bà Lindhagen là một thành viên đảng Xanh - một đảng theo khuynh hướng trung tả ở Thụy Điển. Đảng này theo đường lối "chính trị xanh", coi môi trường là một yếu tố quan trọng có thể chi phối chính trị.
Trong cuộc bầu cử năm 2018, đảng Xanh về thứ tám khi giành được 4,41% số phiếu bầu, tương ứng 16 trong số 349 ghế tại Quốc hội Thụy Điển. Đây là đảng có ít ghế nhất trong cơ quan lập pháp trung ương.
Tuy nhiên, đảng Xanh và đảng Dân chủ xã hội (SAP - về nhất với 28,26% phiếu bầu) đã liên minh với đảng Cánh tả Vansterpartiet (về thứ năm với 8% phiếu bầu), tạo thế đa số và tham gia nắm quyền ở Stockholm. SAP nắm 17 ghế bộ trưởng, trong khi có năm bộ trưởng ở Thụy Điển là thành viên đảng Xanh.
Hai quan điểm đối nghịch về quyền phá thai
Trong nhiều năm qua, Warsaw cho phép phụ nữ phá thai nếu phát hiện dị tật thai nhi, nguy cơ đối với tính mạng người mẹ hoặc do mang thai do cưỡng bức hoặc loạn luân. Tuy nhiên, ngày 22-10, Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết rằng việc phá thai khi phát hiện dị tật thai nhi là vi hiến.
Trong cùng ngày 22-10, Mỹ, Ba Lan và 31 nước khác đã ký Tuyên bố Đồng thuận Geneva về "tăng cường sức khỏe phụ nữ và củng cố gia đình" - một văn kiện quốc tế chứa nội dung chống lại việc phá thai.
Trong khi đó, Thụy Điển và nhiều nước khác phản đối phán quyết hôm 22-10 của Ba Lan. Ở các quốc gia này, phá thai được coi là quyền hợp pháp của phụ nữ nên các nước kịch liệt lên án việc Warsaw tiếp tục hạn chế quyền phá thai của người dân Ba Lan.
Động thái của Tòa án Hiến pháp Ba Lan được coi là kết quả nỗ lực của đảng Pháp luật và công lý (PiS) - đảng chính trị bảo thủ và dân túy đang nắm quyền ở nước này.
Từ khi bắt đầu nắm quyền ở Warsaw vào năm 2015, giới tinh hoa PiS theo đuổi chính sách bảo vệ những điều gọi là "giá trị truyền thống", bao gồm việc vận động hạn chế và cấm phụ nữ phá thai. Tuy nhiên, các nỗ lực chống lại quyền phá thai không giành được sự ủng hộ của người dân, theo báo The New York Times.
Bất chấp nguy cơ từ đại dịch COVID-19, hàng chục ngàn người dân Ba Lan cũng xuống đường biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án Hiến pháp nước này.
Các cuộc biểu tình này đã kéo dài hơn 10 ngày. Một số người biểu tình còn mặc trang phục giống như "người hầu gái" - biểu tượng văn học và điện ảnh Mỹ khắc họa sự bất bình đẳng đối với phụ nữ.
The New York Times cho hay theo các thống kê không đầy đủ, trong năm 2019, có 1.100 trường hợp phá thai hợp pháp ở Ba Lan. Trong đó, 1.074 trường hợp là do dị tật thai nhi. Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ khác đã chọn các dịch vụ phá thai bất hợp pháp ở Ba Lan hoặc ra nước ngoài để phá thai.