1 cách giải quyết hợp tình, hợp lý liên quan đến giao tài sản trúng đấu giá
Sau khi tài sản bị đem ra bán đấu giá thì nghĩa vụ thi hành án không còn; người mua trúng đấu giá đã chủ động đưa ra một phương án đảm bảo quyền lợi cho tất cả, được tòa chấp nhận.
Vừa qua, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra phán quyết phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa nguyên đơn là ông TMK và bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Bình Thủy, người liên quan là gia đình người có tài sản bị đem ra bán đấu giá - ông PVC.
Phán quyết của tòa được đánh giá là hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho tất cả bên đương sự.
Đi kiện vì chậm được giao tài sản trúng đấu giá
Theo hồ sơ, tháng 11-2017, ông K mua trúng đấu giá tài sản THA là nhà và đất tại quận Bình Thủy của vợ chồng ông PVC với giá 398 triệu đồng. Ông K đã thanh toán xong số tiền này. Tuy nhiên, tài sản trúng đấu giá vẫn chưa được bàn giao cho ông theo đúng quy định pháp luật. Do đó, ông đi kiện, yêu cầu Chi cục THADS quận Bình Thủy liên đới cùng người đang sử dụng tài sản phải giao tài sản cho ông.
Về phía bị đơn - Chi cục THADS quận Bình Thủy trình bày: Theo bản án phúc thẩm, ông C có nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ. Do ông C không có khả năng thanh toán nợ nên cơ quan THA phải bán đấu giá tài sản của ông. Khoảng nửa năm sau khi việc bán đấu giá thành, Chi cục THADS quận Bình Thủy cùng các cơ quan liên quan đến vận động gia đình ông C tự nguyện di dời và giao nhà đất cho người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, thời điểm này ông C không nói được do mắc bệnh hiểm nghèo. Ông C trình bày bằng chữ viết thể hiện không đồng ý giao tài sản. Do sức khỏe của ông C không đảm bảo nên Chi cục THADS quận Bình Thủy ra thông báo hoãn cưỡng chế giao tài sản.
Trong quá trình động viên bàn giao tài sản cho nguyên đơn thì gia đình ông C xuất trình biên nhận đã thanh toán số nợ cho chủ nợ. Biên nhận thể hiện việc ông C đã trả xong nợ trước khi có kết quả mua bán tài sản đấu giá; hai bên phải thông báo cho Chi cục THADS quận Bình Thủy biết việc này…
Trước sự việc này, Chi cục THADS quận Bình Thủy cũng nhiều lần vận động phía ông K nhận lại số tiền đã mua trúng đấu giá tài sản nhưng ông K không nhận mà yêu cầu bàn giao tài sản trúng đấu giá.
Với yêu cầu khởi kiện của ông K, bị đơn đồng ý hoàn tiền đã nhận cùng tiền lãi gửi tiết kiệm vì không phải lỗi của chấp hành viên; đề nghị tòa xem xét trách nhiệm bồi thường có phần lỗi của các bên đương sự là không thông báo kết quả đã thỏa thuận THA cho chấp hành viên biết…
Yêu cầu của nguyên đơn ở phúc thẩm là có lợi cho gia đình ông C vì giải quyết như vậy thì người thân của ông C vẫn còn chỗ ở.
Chia đôi tài sản và tiền bán đấu giá
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thủy chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tuyên ông K được nhận lại giá trị nhà đất là hơn 577 triệu và toàn bộ tiền lãi của số tiền đã nộp để mua tài sản trúng đấu giá. Trong đó, phía bị đơn giao lại 398 triệu đồng cho ông K; phía gia đình ông C và chủ nợ phải bồi thường cho ông K hơn 179 triệu đồng (mỗi bên một nửa).
Ông K không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm. Ông kháng cáo, yêu cầu Chi cục THADS quận Bình Thủy giao tài sản trúng đấu giá. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông K thay đổi yêu cầu kháng cáo. Ông K chỉ đề nghị tòa buộc bị đơn giao một nửa nhà đất theo vị trí đo đạc và một nửa số tiền mà ông đã bỏ ra mua tài sản đấu giá; một nửa số tiền còn lại giao cho gia đình ông C. Đồng thời, ông K xin nhận tiền lãi phát sinh của số tiền 398 triệu đồng.
Phía bị đơn đồng ý yêu cầu của nguyên đơn nhưng đề nghị tiền lãi giao lại một nửa cho gia đình ông C.
Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm nhận định: Biên nhận giao tiền trả nợ giữa ông C và chủ nợ không có nội dung thể hiện chủ nợ miễn nghĩa vụ trả nợ cho ông C mà chỉ là vận động ông C trả ít tiền; và hai bên sẽ báo cho THA biết việc thỏa thuận số tiền còn lại mà ông C phải trả.
Từ ngày viết tờ biên nhận đến sau đó gần nửa năm thì ông C vẫn còn nợ. Ông C cũng biết ngày sẽ bán đấu giá nhưng cả ông và chủ nợ không ai thông báo cho cơ quan THA về việc có thỏa thuận dẫn đến việc đấu giá đã diễn ra đúng theo trình tự. Vì vậy, theo quy định, tài sản trúng đấu giá phải giao cho người mua.
Tòa cho rằng yêu cầu của nguyên đơn ở phiên tòa phúc thẩm về việc “chỉ đề nghị tòa buộc bị đơn giao một nửa nhà đất theo vị trí đo đạc và một nửa số tiền mà ông đã bỏ ra mua tài sản đấu giá; một nửa số tiền còn lại giao cho gia đình ông C” là có lợi cho gia đình ông C vì giải quyết như vậy thì người thân của ông C vẫn còn chỗ ở. Từ đó, tòa đã đưa ra phán quyết như đề nghị của nguyên đơn, bị đơn.
Mỗi bên nhận một nửa tiền lãi phát sinh
Về tiền lãi, HĐXX nhận định: Nguyên đơn chỉ nhận lại một nửa số tiền đã nộp mua tài sản trúng đấu giá nên chỉ nhận một nửa lãi là đúng.
Một nửa số tiền trúng đấu giá còn lại đáng lẽ trả cho chủ nợ của ông C nhưng do người này đã đồng ý xóa nợ cho ông C, vì vậy số tiền này cùng với một nửa lãi giao lại cho vợ con ông C là phù hợp.