1 năm sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại: Cuộc chiến đòi công lý
Gần 1 năm trước, một nhóm gồm 15 đặc vụ của chính phủ Saudi Arabia được điều đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiệm vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán của vương quốc này. Cho đến nay, vụ việc này vẫn gây nhiều tranh cãi, vẫn chưa được xét xử công bằng trong khi thi thể của ông Khashoggi vẫn chưa được tìm thấy.
Gần 1 năm trước, một nhóm gồm 15 đặc vụ của chính phủ Saudi Arabia được điều đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiệm vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán của vương quốc này. Cho đến nay, vụ việc này vẫn gây nhiều tranh cãi, vẫn chưa được xét xử công bằng trong khi thi thể của ông Khashoggi vẫn chưa được tìm thấy.
Vai trò của Thái tử Mohammed bin Salman
Vụ sát hại kinh hoàng này xảy ra vào ngày 2-10, gây chấn động toàn cầu, hủy hoại hình ảnh của Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman và những kế hoạch cải cách đầy tham vọng của ông nhằm đa dạng hóa nền kinh tế mở cửa xã hội Saudi Arabia. Giới chức Riyadh ban đầu khẳng định không liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi, nhưng cuối cùng phải thừa nhận khi các bằng chứng được công bố. Thái tử Mohammed bin Salman đã không đến Mỹ hay Châu Âu kể từ đó.
Và theo một phóng sự của Đài PBS dự kiến sẽ phát sóng vào tuần tới, Thái tử Mohammed bin Salman ngày 26-9 cho biết, ông chịu trách nhiệm đối với vụ ám sát nhà báo Khashoggi do các đặc vụ của nước này thực hiện “vì việc đó diễn ra dưới sự giám sát của tôi”. Đây là lần đầu tiên vị thái tử, người nắm quyền thực tế ở vương quốc này, đã công khai thể hiện trách nhiệm giải trình cá nhân đối với vụ ám sát diễn ra trong tòa lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul do các đặc vụ của Riyadh thân cận với ông này thực hiện. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và một số chính phủ phương Tây đã tuyên bố, họ tin rằng ông Salman đã ra lệnh, nhưng các quan chức Saudi Arabia lại khẳng định, thái tử không có vai trò gì trong vụ việc này.
Trao đổi với người dẫn chương trình Martin Smith của Đài PBS, vị thái tử nêu rõ: “Vụ việc này đã diễn ra dưới sự giám sát của tôi. Tôi chịu mọi trách nhiệm vì việc này đã diễn ra dưới sự giám sát của tôi”. Phóng sự với tiêu đề “Vị Thái tử của Saudi Arabia” sẽ phát sóng vào ngày 1-10 trước thời điểm kỷ niệm tròn một năm cái chết của ông Khashoggi.
Phiên tòa bí mật, giả tạo
Ông Khashoggi đã vào lãnh sự quán để ký một số tài liệu cho phép ông cưới vị hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ, Hatice Cengiz trong khi bà đợi ông ở bên ngoài. Và ông đã không bao giờ trở lại. 1 năm qua, bà vẫn nỗ lực đi tìm công lý cho vị hôn phu của mình trong vô vọng. Trong một tuyên bố phản bác những lời thừa nhận của Thái tử Mohammed bin Salman, bà Cengiz nói rằng, động thái này chỉ mang tính “diễn tập chính trị thuần túy”.
Bà Cengiz và một số quan chức LHQ vốn đang vào cuộc điều tra vụ giết người này cũng nỗ lực kêu gọi công bằng và công lý cho ông Khashoggi. Nói chuyện với hãng tin Aljazeera, bà Cengiz đã chỉ trích, các nước liên quan đã “không có hành động cụ thể” nào kể từ sau vụ việc để xác định và truy tố những kẻ gây ra tội ác. “Điều đáng buồn là cho đến nay thủ phạm vẫn chưa bị trừng phạt”, bà Cengiz nói với một nhóm phóng viên thông qua một phiên dịch viên tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. “Hãy tưởng tượng, toàn bộ thế giới vẫn im lặng trước sự giết chóc của Jamal. Sự im lặng này khiến tôi thật sự thất vọng”, bà nhấn mạnh.
Vào thời điểm bị sát hại, ông Khashoggi là cư dân hợp pháp của Mỹ. Báo cáo viên của LHQ Agnes Callamard, người điều tra vụ giết người, kêu gọi bà Cengiz và những người khác hãy “kiên nhẫn và kiên cường”, nói rằng công lý sẽ chỉ có được sau “một đoạn đường dài” đầy khó khăn. “Công lý thực sự cần có thời gian và tôi biết điều đó thật đau đớn, nhưng đó là thực tế của thế giới chúng ta đang sống”, bà Callamard nói. Bà cũng chỉ trích và bác bỏ phiên tòa được tổ chức ở Saudi Arabia xét xử 11 nghi phạm liên quan đến vụ việc, cho rằng, đó là một sự giả tạo. Trên thực tế, một phiên tòa xét xử một số đặc vụ liên quan vụ sát hại này đã diễn ra, nhưng lại được tổ chức bí mật. Và cho đến nay, không ai bị kết án.
Vì vậy, bà cho rằng, thế giới cần theo đuổi “con đường chính trị, kinh tế và biểu tượng” để cô lập Riyadh về mặt ngoại giao. Bà kêu gọi nhóm các nước giàu G20 chuyển địa điểm hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2020, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Trong khi đó, Viện hàn lâm Pháp kêu gọi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật các hồ sơ về vụ giết người, và để Cục Điều ra Liên bang (FBI) mở một cuộc điều tra hình sự.