1 ngõ đi, 20 năm tranh chấp, 3 cấp tòa xét xử
Vụ tranh chấp quyền sử dụng ngõ đi đã kéo dài hơn 20 năm, bắt đầu bằng việc khiếu nại tới cơ quan hành chính, sau đó khởi kiện ra trước tòa án. Được thụ lý năm 2016, vụ án đã qua ba cấp xét xử nhưng chưa xong, sắp tới TAND TP Hà Nội sẽ tiếp tục xét xử phúc thẩm lần hai.
Nguyên đơn trong vụ kiện này là ông Nông Văn Sơn, bị đơn là ông Cấn Quang Định, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Hữu Tuấn. Cả ba là hàng xóm với nhau; ngược dòng thời gian, họ đều mua đất của ông Nguyễn Văn Uy có địa chỉ tại ngõ 115 phố Định Công, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Mặc dù đã bán hết đất nhưng xét theo nguồn gốc các thửa đất, ông Uy cũng được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo hồ sơ vụ án, người đầu tiên mua đất của ông Uy là ông Tuấn, năm 1990. Cùng mua đất với ông Tuấn có người anh trai của ông Tuấn (người này đã mất nên trong bài viết gọi chung là “phía ông Tuấn”). Sau khi mua đất, phía ông Tuấn thỏa thuận bỏ tiền thuê đổ đất tôn cao ngõ đi riêng của ông Uy nên được ông Uy cho đi chung ngõ với ông Uy.
Người tiếp theo mua đất của ông Uy là ông Sơn, năm 1992. Sau đó ông Sơn mua thêm một phần đất của ông Uy, rồi đổi phần đất mua thêm lấy một phần đất khác trong cùng thửa đất của ông Uy. Sau các lần mua và đổi đất, ông Sơn có một thửa đất hình chữ T liền khoảnh, thửa đất này có bờ tường ngăn cách riêng biệt với thửa đất của ông Tuấn và phần đất còn lại của ông Uy. Ông Sơn đi ngõ riêng, không đi chung ngõ với ngõ đi của ông Uy và ông Tuấn.
Người cuối cùng mua nốt phần đất còn lại của ông Uy là ông Định, năm 1997. Đến năm 2002 ông Định xây nhà, xây cổng, và dọn về đây ở. Và đó cũng là thời điểm phát sinh tranh chấp giữa ông Sơn và ông Định. Ông Sơn cho rằng trong 190m2 đất ông Định mua của ông Uy, có 45m2 đất là ngõ đi chung của ông Uy và ông Sơn.
Khi khởi kiện ra tòa, ông Sơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Uy và ông Định (phần liên quan đến 45m2 nêu trên), đồng thời yêu cầu Tòa án công nhận 45m2 đất là ngõ đi ông Sơn được sử dụng chung với ông Định. Một trong những tài liệu ông Sơn nộp cho Tòa là Giấy xác nhận, theo đó anh trai ông Tuấn xác nhận đã nhận một khoản tiền của ông Sơn liên quan đến chi phí đổ đất tôn cao nền ngõ.
Ngày 28/11/2018, TAND quận Hoàng Mai mở phiên tòa sơ thẩm, ra bản án bác yêu cầu khởi kiện công nhận 45m2 đất là ngõ đi chung của ông Sơn. Ông Sơn kháng cáo. Ngày 22/9/2020, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sơn về ngõ đi chung. Tuy nhiên sau đó vụ án đã được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 28/02/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử lại.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/DS-GĐT, TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định: Giấy xác nhận ông Sơn đã góp tiền đổ đất để làm lối đi chung với anh trai ông Tuấn chỉ là giấy phô tô, không phải giấy gốc, nên không có giá trị pháp lý. Đáng chú ý, Tòa án giám đốc thẩm nhận định kể cả trường hợp anh trai ông Tuấn có thỏa thuận với ông Sơn về việc cho ông Sơn sử dụng lối đi chung “thì thỏa thuận đó không có hiệu lực, bởi năm 1992 ông Uy là chủ sử dụng thửa đất (cho đến năm 1997 mới chuyển nhượng cho ông Định), và ông Uy không có thỏa thuận hay đồng ý cho ông Sơn sử dụng lối đi này”.
Sắp tới đây TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (lần hai). Nhiều người phân vân chưa biết vụ án tưởng chừng rất đơn giản này đã có thể kết thúc sau phiên phúc thẩm (lần hai) chưa, hay những người hàng xóm kiện nhau từ lúc tóc còn xanh, nay họ đã lên ông lên bà vẫn tiếp tục đi hầu kiện?!