1 phụ nữ chuyển 5 tỉ đồng cho nhóm lừa đảo qua điện thoại
Nhóm lừa đảo giả mạo công an nói rằng tài khoản của người phụ nữ có liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền yêu cầu chuyển 5 tỉ đồng để kiểm tra.
Ngày 26-2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các đối tượng giả danh công an, đưa ra các thông tin gian dối để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo điều tra, vụ án được phát hiện vào năm 2020 tại TP.HCM. Các đối tượng chưa rõ lai lịch đã thực hiện bằng thủ đoạn giả mạo là cán bộ Công an gọi điện, đưa ra thông tin gian dối là tài khoản ngân hàng của bà TNC. có liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền.
Nhóm này gây áp lực, yêu cầu người phụ nữ chuyển số tiền 5 tỉ đồng vào tài khoản số 104000677573 mở tại ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam, mang tên Đặng Thị Ái Nhi (22 tuổi; ngụ tổ dân phố 14, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea Hleo, tỉnh Đăk Lăk; tạm trú: 141 Huỳnh Văn Nghệ, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) rồi từ đó chiếm đoạt.
Vào cuộc điều tra, công an xác định Đặng Thị Ái Nhi không có mặt tại địa phương, đi đâu không rõ. Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát đi thông báo đến bà Nhi hoặc ai biết người này đang ở đâu liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM; địa chỉ: số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM để phối hợp điều tra làm rõ vụ án (Cán bộ điều tra Lê Văn Sáng, số điện thoại liên hệ: 0989681964).
Theo một cán bộ điều tra Công an TP.HCM hành vi lừa đảo qua điện thoại tuy không mới nhưng thời gian gần đây cũng xảy ra gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng danh là đại diện cho cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) thông báo: Nợ tiền cước điện thoại, tiền điện, tiền nước, liên quan đến một vụ án, rửa tiền, ma túy,… Để yêu cầu cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân và mật khẩu… để kiểm tra từ đó chiếm đoạt.
Đây là một trong bốn loại hình lừa đảo xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có người “sập bẫy”.