1 tháng nuốt vướng, ho đờm, người đàn ông phát hiện ung thư giai đoạn cuối
Người đàn ông phát hiện ung thư hạ họng thanh quản giai đoạn cuối chỉ sau 1 tháng nuốt nghẹn, hơi vướng ở cổ, ho đờm nhưng uống thuốc mãi không đỡ.
Suốt 1 tháng qua ông Nguyễn Văn U. (52 tuổi, quê Hưng Yên) có cảm giác nuốt nghẹn, hơi vướng ở cổ, ho đờm nhưng uống thuốc mãi không đỡ. Khi đến khám tại Bệnh viện K Trung ương, kết quả cho thấy bệnh nhân bị u ác tính ở hạ họng thanh quản.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tai mũi họng, Bệnh viện K Trung ương, tại thời điểm thăm khám bệnh nhân phát hiện có khối u kích thước u 4x6 cm, lan qua miệng thực quản, xâm lấn đoạn 2 cm đầu trên thực quản - cổ. Giải phẫu bệnh cho kết quả ung thư tế bào vẩy giai đoạn 4 (giai đoạn cuối).
Bác sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, cho biết để bệnh nhân ung thư thanh quản hạ họng giai đoạn 4 có thể ăn uống bình thường sau khi cắt một phần thực quản, hạ họng dài, triệt để cần có cơ quan thay thế. "Một là trong quá trình điều trị ung thư luôn phải đảm bảo tính triệt căn, lấy trọn tổn thương ung thư nhưng với phần tổn thương mất đi ở hạ họng, thanh quản của bệnh nhân cần thay thế bằng cơ quan khác" - bác sĩ Bình chia sẻ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thay đoạn ruột non từ bụng lên vùng cổ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, khó khăn lớn nhất là phải nuôi sống đoạn ruột non thay thế sao cho đoạn ruột non đó tuần hoàn tưới máu phải tốt. Khi ruột non sống, chức năng đoạn ruột non ấy mới giúp bệnh nhân có thể ăn uống được. Ca phẫu thuật diễn ra cuối tháng 11 trong 10 giờ đồng hồ, với sự tham gia của hàng chục y, bác sĩ thuộc 3 kíp phẫu thuật của 3 chuyên ngành (tai - mũi - họng, tiêu hóa và tạo hình).
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho biết trước đây việc tái tạo được thực hiện bằng các biện pháp khác như vạt cơ ngực lớn hay ống dạ dày. Tuy nhiên, vạt hỗng tràng có nhiều ưu điểm hơn, đó là tỉ lệ liền của vạt cao, hậu phẫu nhẹ nhàng so với ống dạ dày. "Với bệnh nhân U., để đảm bảo thực hiện cả triệt căn và ghép ruột non tự thân, chúng tôi đã quyết định lấy 1 đoạn ruột non, được tưới máu bởi các nhánh động mạch cũng như tuần hoàn máu trở về của nhánh tĩnh mạch xuất phát từ động mạch cảnh để nuôi sống đoạn ruột non này. Đoạn ruột non này được nối vào 2 đầu của hạ họng, thanh quản đã được cắt đi trong quá trình phẫu thuật xử lý ung thư, tái tạo thành đường liền trong ống tiêu hóa, giúp việc ăn uống được bình thường"- bác sĩ Hùng mô tả.
Hiện tại sau hơn 10 ngày, bệnh nhân U. đã tỉnh táo, đi lại bình thường, miệng nối liền tốt và tiếp tục được theo dõi, điều trị. Ca phẫu thuật thành công là bước ngoặt lớn trong chuyên ngành ngoại khoa tại Bệnh viện K. Nếu không thực hiện được kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ không ăn uống được, không đảm bảo đường thở, để lại phần khuyết hổng ở toàn bộ vùng cổ. Cùng đó, cuộc sống của bệnh nhân gần như không thể kéo dài.