10-20 tỷ đồng/căn shophouse: Không dành cho nhà đầu tư lướt sóng

Để sở hữu một căn shophouse trung bình ở Hà Nội, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 10-20 tỷ đồng/căn ở những khu vực vị trí tốt...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Shophouse tại các đô thị như Hà Nội, Tp.HCM có chi phí không nhỏ, vì vậy không nên đầu tư nếu nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh và phải sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.

Không dành cho nhà đầu tư lướt sóng

Để sở hữu một căn shophouse trung bình ở Hà Nội, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng khoảng 10-20 tỷ đồng/căn ở những khu vực vị trí tốt như quận Nam Từ Liêm. Ở những khu vực phía Đông thành phố thì shophouse có giảm khoảng 40-50% so với khu Tây. Còn ở những vị trí trung tâm, khu đất vàng, mức giá có thể đẩy lên tới 30-40 tỷ đồng.

Tại Tp.HCM cũng không "kém cạnh", tại các dự án tại một số quận trung tâm có giá từ 15-25 tỷ đồng, tùy diện tích và vị trí.

Còn tại Đà Nẵng, theo như rao bán trên một số kênh mua bán nhà đất, giá mỗi căn shophouse dao động từ khoảng 2,5 - 12 tỷ đồng/căn tùy vị trí. Thậm chí, có dự án shophouse tại quận Liên Chiểu được rao bán với giá hơn 21 tỷ đồng/căn.

Hiện shophouse được xem là sản phẩm có sức hút lớn đối với giới đầu tư và duy trì thanh khoản tốt do số lượng hạn chế. Mặc dù vậy dòng sản phẩm này vẫn còn không ít khuyết điểm có thể khiến nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Nói về tiềm năng của thị trường shophouse, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, cho rằng, nhìn chung đây là một sản phẩn bất động sản đầu tư tiềm năng, phù hợp với tâm lý đầu tư của khách hàng Việt Nam: vừa muốn sở hữu bất động sản như tài sản lâu dài vừa muốn kinh doanh kiếm thu nhập.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, sản phẩm shophouse không phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.

"Mấu chốt ở đây là shophouse phải kinh doanh cho thuê được. Đầu tư vào shophouse chỉ thực sự có lãi khi người ta sử dụng ngôi nhà cho mục đích kinh doanh. Và nếu kinh doanh ra tiền, cho thuê được tốt thì nhà mới tăng giá được, còn nếu không, shophouse cũng chỉ như những sản phẩm nhà ở gắn liền với đất thông thường khác", ông Hiển bình luận.

Đồng quan điểm, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho rằng, trên thực tế nếu chỉ xét về tỷ suất lợi nhuận cho thuê ròng so với vốn bỏ ra, shophouse liền thổ chưa thật sự hấp dẫn thậm chí còn thấp hơn so với các loại hình khác.

"Người đổ tiền vào shophouse liền thổ chủ yếu kỳ vọng vào việc tăng giá trị của bất động sản trong tương lai hoặc sử dụng cho việc tự kinh doanh nhưng đòi hỏi dòng vốn phải dài hạn. Điều này buộc nhà đầu tư phải trường vốn rất nhiều năm mới có thể kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao", JLL đánh giá.

"Không còn là thời điểm mua tranh bán cướp"

Dành lời khuyên cho nhà đầu tư, chuyên gia của Savills cho rằng, shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi nằm ở khu vực đông dân cư và chỉ bắt đầu sinh lời khi cư dân về ở, dự án được bao quanh bởi các khu văn phòng, khu công nghiệp, nhà hàng và các hoạt động dịch vụ đã được triển khai, thu hút được dân sinh và tạo ra được dòng tiền.

"Ngược lại, tại các dự án nằm ở khu vực còn thưa thớt dân cư, chưa có các dịch vụ, tiện ích hay thường xuyên tổ chức sự kiện hoạt động thu hút khách thăm thì không có tiềm năng kinh doanh và không thể tăng giá", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, điểm mà các nhà đầu tư cần lưu ý đối với thị trường shophouse lúc này là nguồn cung không phải là khan hiếm, giờ cũng không còn là thời điểm mua tranh bán cướp như trước đây.

"Vì vậy nhà đầu tư cần cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng. Hiện tại các đô thị như Hà Nội và Tp.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu vực có tốc độ đô thị hóa đặc biệt tốt sẽ là khu vực tiềm năng để đầu tư shophouse", ông Hiển nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, shophouse tại các đô thị như Hà Nội, Tp.HCM có chi phí không nhỏ, vì vậy không nên đầu tư nếu nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh và phải sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cũng không nên đầu tư vào shophouse nếu nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư ngắn hạn từ 1-2 năm.

"Chỉ nên đầu tư vào shophouse nếu có kế hoạch đầu tư trung tới dài hạn từ 3-5 năm trở lên. Với khoảng thời gian này shophouse mới thực sự sinh lời từ tăng giá và hoạt động kinh doanh", ông nói thêm.

Minh Lâm

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/10-20-ty-dong-can-shophouse-khong-danh-cho-nha-dau-tu-luot-song-20191016110617182.htm