10 bài học kinh nghiệm chống dịch COVID-19, chăm sóc F0 ở TP.HCM

Tại buổi sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế TPHCM đã nhìn nhận các hạn chế về việc dự báo, tổ chức cách ly, điều trị F0, tiêm vaccine và rút ra 10 bài học kinh nghiệm.

Chiều 30-10, ngành y tế TP.HCM đã sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Báo cáo về những kết quả đạt được, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã nêu ra những mặt thuận lợi trong công tác chống dịch của TP khi được sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Y tế. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao và hiệu quả từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các tỉnh.

Chính quyền TP ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, sự nỗ lực tham gia của các tổ chức thiện nguyện. Mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi, đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.

Tuy nhiên, TP cũng gặp các hạn chế như công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR và năng lực xét nghiệm RT-PCR chưa tương xứng với tốc độ lây lan của chủng Delta. Việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn chưa từng có trong một khoảng thời gian rất ngắn nên chưa đảm bảo việc nhập liệu và giãn cách. Cách ly tập trung tất cả F0 dãn đến quá tải gây áp lực cho F0. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Việc ứng dụng Công nghệ thông tin chưa hiệu quả.

Các hạn chế kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan như đại dịch mới, chưa có tiền lệ chưa từng xảy ra nên chưa có cách ứng xử kịp thời. Dân số TP.HCM đông, lây nhanh trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, có những mặt chủ quan như chưa có dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế công cộng, y tế cơ sở chưa được đầu tư đúng mức. Chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh còn manh mún, chưa khoa học, chưa đồng bộ.

Từ đó, ngành y tế TP đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm để chủ động ứng phó với dịch bệnh tốt hơn.

Thứ nhất, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo tập trung, huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở ban ngành và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức một cách đồng bộ, thực hiện hiệu quả chiến lược mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quyết định.

Thứ hai, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch, xây dựng các tình huống và kịch bản diễn tập tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh. Kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao hơn để chủ động có giải pháp can thiệp. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm và phải triển khai thần tốc để tìm F0 trong xử lý ổ dịch.

Nhiều kinh nghiệm được ngành y tế TPHCM rút ra khi sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều kinh nghiệm được ngành y tế TPHCM rút ra khi sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thứ ba, việc cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhiều khu cách ly tập trung với quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn phường, xã thì tốt hơn là cách ly tập trung với quy mô lớn cấp quận, huyện hay thành phố. Cho dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung, cách ly phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh...

Thứ tư, phát huy chiến lược điều trị theo 2 trụ cột: chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc F0 tại nhà. Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng, triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa các nguy cơ khi chuyển viện .

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm: tăng cường phối hợp kết hợp, quân dân y, y tế công lập và tư nhân, Đông Tây phát huy vai trò hiệu quả của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Mỗi quận, huyện phải có kế hoạch phòng, chống dịch chủ động, huy động nguồn nhân lực tại chỗ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chi viện. TP sẵn sàng hỗ trợ và chi viện nguồn nhân lực chống dịch khi các quận, huyện gặp khó khăn .

Thứ sáu, phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và ngành Y tế trong việc hỗ trợ cho các địa phương ngay từ đầu về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, chăm sóc và điều trị tại nhà, tại các bệnh viện dã chiến cho F0.

Thứ bảy, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm công tác thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời, để tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng địa bàn phường, xã, thị trấn. Xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng .

Thứ chín, vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, thật sự đảm bảo độ bao phủ vaccine đến từng người dân (trong độ tuổi theo quy định) không chỉ dựa vào số liệu thống kê. Ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì...) và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ mười, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/10-bai-hoc-kinh-nghiem-chong-dich-covid19-cham-soc-f0-o-tphcm-1025017.html