10 Chương trình công tác của Đảng bộ TP Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025

Ngày 17-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành 10 Chương trình công tác của Đảng bộ TP Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng bộ thành phố, giúp các tổ chức cơ sở đảng các cấp sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Một lớp đào tạo cán bộ nguồn của Hà Nội tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Một lớp đào tạo cán bộ nguồn của Hà Nội tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Ngày 17-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành 10 Chương trình công tác của Đảng bộ TP Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng bộ thành phố, giúp các tổ chức cơ sở đảng các cấp sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Trang Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung chủ yếu của các chương trình công tác.

Chương trình số 01-CTr/TU: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Điểm nhấn của Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" là ngay trong mục tiêu của chương trình, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Chương trình số 01-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa 17 xác định năm mục tiêu, 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và bảy yêu cầu.

Mục tiêu đầu tiên của chương trình là tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng các cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức...

Coi con người là nhân tố quyết định thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thành ủy xác định mục tiêu thứ hai là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín...

Mục tiêu thứ ba là xây dựng hệ thống chính trị các cấp từ thành phố đến cơ sở thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, bổ sung, đề xuất để hoàn thiện hệ thống chính trị, cơ chế và hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị... Thực hiện tốt dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “gần dân, sát dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng; đổi mới cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy... Năm là, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, nền công vụ chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Gắn với năm mục tiêu, Thành ủy Hà Nội xác định 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Đáng chú ý là chỉ tiêu, hằng năm, Đảng bộ thành phố có tỷ lệ tổ chức Đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 75%; kết nạp từ 9.000 đến 10.000 đảng viên. Đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%...

Một trong những giải pháp quan trọng được Thành ủy đưa ra là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, tập trung khắc phục một số hạn chế, yếu kém trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Cùng với nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các quận và thị xã, Thành ủy Hà Nội định rõ, sau ba năm sẽ đề xuất mô hình phù hợp.

Phần nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 bao gồm sáu nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, để cải cách thể chế, cùng với những giải pháp mang tính vĩ mô như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ rà soát quy trình giải quyết công việc hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, chú trọng các công việc có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; lập danh mục các công việc hành chính, xác định rõ quy trình giải quyết. Thành phố sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong một số lĩnh vực như: Tài nguyên-môi trường, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị...

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/10-chuong-trinh-cong-tac-cua-dang-bo-tp-ha-noi-khoa-17-nhiem-ky-2020-2025-640211/