The Wump World của Bill Peet là một tác phẩm minh họa tuyệt đẹp về những sinh vật ngọt ngào được gọi là “wump”, ngủ dưới những tán cây kim ngân, uống nước từ những dòng suối trong vắt, tắm trong những hồ nước trong như pha lê và ăn cỏ xanh tươi. Rồi một ngày, những con tàu vũ trụ từ bầu trời lao xuống mang theo một đám người nhỏ màu xanh lam, được đặt tên “Chất gây ô nhiễm”. Họ tỏa đi khắp nơi và dần làm tắc nghẽn các dòng sông bằng rác thải, làm nghẹt bầu trời vì khói và khiến hệ sinh thái dần tan vỡ. Ảnh: Amazon.
50 Simple Things You Can Do Save the Earth của John Javna, Sophie Javna và Jesse Javna được xuất bản từ năm 1990 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay khi đã chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi xã hội bằng hành động. Trong khi thế giới cần những hành động lớn, từ những người có quyền lực, thì những hành động nhỏ cũng dần góp phần thổi bùng phong trào trong thế hệ trẻ ngày nay. Ảnh: Hachette.
A Bitter Fog của Carol Van Strum kể câu chuyện về những người dân thường từ vùng nông thôn Oregon đến Arizona để đối đầu với các công ty hóa chất và chính phủ liên bang nhằm ngăn chặn việc phun hai loại thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T. Đây là các hoạt chất có trong chất da cam. Cuốn sách của Van Strum không chỉ giúp độc giả hiểu rõ các công ty hóa chất và cơ quan chính phủ có liên quan, mà còn thức tỉnh niềm tin về sức mạnh của một số cá nhân quyết tâm với việc thay đổi thế giới. Ảnh: Amazon.
Horizon là cuốn sách cuối cùng của Barry Lopez được xuất bản trước khi ông qua đời. Đây là một câu chuyện cuộc đời được kết nối với nhiều vùng đất, từ Galapagos đến Nam Cực. Độc giả như được bước cùng Lopez trong hành trình khám phá hành tinh, ghi nhận chuyển động của Mặt trời, hiểu về cách thế giới phương Tây hiện đại đang tàn phá các hệ sinh thái quý hiếm và rừng nguyên sơ hay tác động con người đang mang tới cho thiên nhiên và giá trị của sự sống xuyên thời gian. Ảnh: Mint.
Trong Pilgrim at Tinker Creek, Annie Dillard đưa người đọc đến với thiên nhiên qua những góc nhìn mới lạ, nhìn bầu trời xuyên qua tán cây có những chú chim đang đậu, nút thắt của một tấm da rắn lột và khả năng sinh sản đầy kỳ diệu của tự nhiên. Thiên nhiên của Dillard là một thế giới của sự sống thánh thiện, trọn vẹn và được kết nối chặt chẽ với nhau. “Vẻ đẹp và sự duyên dáng vẫn tồn tại dù chúng ta có cảm nhận được chúng hay không”. Ảnh: Amazon.
Never Cry Wolf của Farley Mowat vẫn được nhắc đến dù xuất bản từ năm 1963. Cuốn sách là quá trình thay đổi từ một nhà sinh vật học sang một nhà hoạt động sau những phát hiện đáng lo ngại về sự suy giảm của loài sói và đời sống khó khăn của chúng. Được xuất bản dưới dạng tài liệu có thật, cuốn sách đã khiến nhiều độc giả cảm động sâu sắc. Chính tác giả đã lan tỏa cảm xúc của mình trong câu chuyện để thúc đẩy người đọc hành động. Ảnh: Amazon.
Cuốn Braiding Sweetgrass của Robin Wall Kimmerer mang đến góc nhìn của một người mẹ và cũng là một nhà khoa học đối với thiên nhiên. Với thể loại văn xuôi giàu sức gợi và trữ tình, tác giả đã sử dụng cách tiếp cận khoa học để nhìn nhận câu hỏi: Hậu quả gì sẽ xảy ra với con người khi không quan tâm tới đất đai, mặc kệ lẫn nhau và không nghĩ tới việc kết nối trái tim đến trái tim? Từ đó, tác giả nêu bật những phần thưởng giá trị khi tất cả được gắn kết với nhau. Ảnh: Amazon.
The Ministry for the Future của Kim Stanley Robinson mở đầu bằng khung cảnh một đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ, đưa người đọc đến với vấn đề thiếu nước và nắng nóng khắc nghiệt. Những chi tiết rõ ràng về sự thảm khốc khiến hàng triệu người thiệt mạng có thể khiến người đọc hoảng sợ nhưng là một biện pháp mạnh mẽ giúp mở rộng tầm mắt cho công chúng về cách Trái Đất đang thay đổi. Từ đó, đưa ra những cảnh báo vốn được cho rằng chỉ tồn tại trong khoa học viễn tưởng. Ảnh: Amazon.
Little, Big của John Crowley gợi cho độc giả ý niệm rằng có thể có một thế giới đằng sau thế giới hiện tại. Và mặc dù cuốn tiểu thuyết không nói về môi trường, nhưng cách cuốn sách nói về các vị tiên, gia đình và những ngôi nhà lớn đang tồn tại ở một thế giới khác cũng giúp độc giả có cái nhìn khác về mưa, cỏ, bầu trời và cả thiên nhiên rộng lớn khi đọc cuốn sách. Ảnh: Amazon.
Cuốn sách năm 2007 của Douglas W. Tallamy Bringing Nature Home là một tia sét cảnh tỉnh về những tai họa kép của biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng hàng loạt; từ đó, có những hành động cụ thể, hợp lý để nhiều cá nhân có thể thực hiện. Từ những hạt giống nhỏ, sự sống có thể nảy nở và mang đến nhiều điều lớn lao hơn nếu con người hành động. Ảnh: Amazon.
Minh Hoa