10 dấu ấn giáo dục Việt Nam năm 2024
Năm 2024, một năm biến động với rất nhiều những sự kiện được xem là bước chuyển mình của Giáo dục Việt Nam. Báo Đại biểu Nhân dân đã điểm lại những sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục trong năm vừa qua.
Tạo nguồn nhân lực để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngày 18.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, nhận mạnh rằng, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.
Những vấn đề về nhân lực và đổi mới giáo dục đào tạo không mới, đã được Đảng ta xác định trong văn kiện nhiều kỳ Đại hội từ Đại hội XI của Đảng đến nay, cho thấy khó khăn, cũng đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đột phá chiến lược này, Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được đó là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.
Trong vấn đề này, Tổng Bí thư đưa ra nội dung cụ thể là: Cơ sở đề ra mục tiêu; ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người XHCN; Về biện pháp, cách thức thực hiện mục tiêu: Bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước (chúng ta xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh).
Thứ hai, về một số công việc cần làm ngay: Có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trườn, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào Dân, huy động sức Dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo.
Có giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, vừa làm việc trong ngành giáo dục, đồng thời cống hiến ở ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng môi trường học tập thật sự lành mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường với gia đình, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của gia đình và trách nhiệm của xã hội.
Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.
Trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21.10 đến ngày 30.11. Bản dự thảo có cấu trúc và nội dung cơ bản gồm 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 chương, 50 điều.
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo là được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo: chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo.
Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và triển khai theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Cũng theo đề xuất tại Dự thảo, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình GDPT 2018
Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đến các khối lớp, trừ lớp 5, lớp 9, lớp 12 là các lớp cuối cấp học sẽ thực hiện từ năm học 2024 - 2025. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đánh giá là “tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận”; bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng mục tiêu đổi mới.
Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục; trên tất cả các địa phương, nhà trường theo đúng lộ trình quy định. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” phát huy được ưu điểm là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đối với việc tổ chức dạy học các môn học mới, Bộ GD-ĐT đánh giá, các trường đã chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được các tổ chuyên môn xây dựng chủ động điều chỉnh về nội dung, thời lượng phù hợp với đối tượng học sinh.
Tăng mức lương cơ sở cho giáo viên từ 1.7
Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương cho giáo viên từ ngày 1.7.2024, theo đó, lương cứng được tính theo mức lương cơ sở mới, dự kiến là 2,34 triệu đồng theo đề xuất của Chính phủ, thay vì 1,8 triệu.
Như vậy, tiền lương trung bình của giáo viên dự kiến sẽ tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Lương giáo viên dự kiến khoảng 4,9-15,87 triệu đồng một tháng từ 1.7, tùy bậc học, cao hơn mức cũ 1,13-3,67 triệu, chưa gồm phụ cấp.
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề... Tuy nhiên từ 1.7, các điều kiện chưa đủ thực hiện nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên như hiện tại.
Với giáo viên, tùy vị trí, nơi công tác, mỗi người có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình GDPT 2006
Năm 2024 là năm cuối cùng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2006 với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi. Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ thi được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023 - 2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.
Nội dung đề thi được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều câu hỏi gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh THPT là khoảng 99,69% và học sinh giáo dục thường xuyên là khoảng 96,99%.
Tháng 2.2024, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của lứa học sinh theo học Chương trình GDPT 2018. Bộ cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn toàn quốc cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên cốt cán xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tháng 10.2024, Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2025 của 17 môn, kèm đáp án. Đến ngày 24.12, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8.2.2025.
Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định: Đây là chủ trương vô cùng lớn để thực hiện mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Để thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa vấn đề này vào quy định trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, phải có chính sách và chiến lược - không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án và phải có nguồn lực. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, có những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng để triển khai việc dạy và học ngoại ngữ,...
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ chỉ số mức chuyển đối số cho cơ sở giáo dục đào tạo
Đầu tháng 12.2024, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 3806/QĐ-BGDĐT ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Bộ chỉ số được áp dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Bộ chỉ số được xây dựng trên nguyên tác bám sát yêu cầu của Chương trình chuyển đối số quốc gia, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, các quy định liên quan về chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT.
Thông qua Bộ chỉ số đánh giá được công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương. Đảm bảo tính khoa học, phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương; đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng và khả thi trong áp dụng.
Theo Bộ GD-ĐT, kết quả chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý là một phần trong đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục. Bộ chỉ số có tính mở, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế.
Cấu trúc của Bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí thành phần: Nhóm tiêu chí chuyển đổi số trong “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành” và nhóm tiêu chí chuyển đổi số trong “Kết quả chuyển đổi số ở cơ sở giáo dục”, kết quả chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý là một phần trong đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục. Bộ chỉ số có tính mở, cập nhật, phù hợp với tình hình thực tế…
Nhiều địa phương miễn, giảm học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Từ cuối tháng 5.2024, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền đóng học phí theo đúng quy định tại Nghị định 81. Tiền miễn học phí được cấp từ ngân sách địa phương.
Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025.
Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ngoài học phí được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định.
Tính đến thời điểm này, có 8 tỉnh thành miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025 là Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Riêng tỉnh Bình Dương và Long An áp dụng chính sách giảm học phí 50%.
Trong số các địa phương kể trên, có những địa phương đã miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 ở năm học trước là Hải Phòng, Đà Nẵng.
Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt thành tích ấn tượng trong các kỳ thi quốc tế
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận thành tích ấn tượng tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với sự tham gia của 7 đoàn học sinh, tổng cộng 38 lượt học sinh dự thi và tất cả đều đoạt giải.
Tổng cộng, các học sinh Việt Nam mang về 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, số lượng Huy chương Vàng tăng thêm 4 và Huy chương Bạc tăng thêm 3, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc.
Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương APIO lần thứ 18 do Trung Quốc tổ chức tháng 5, quy tụ 35 đoàn từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 286 thí sinh dự thi. Đội tuyển Việt Nam gồm 7 học sinh, tất cả đều đoạt giải với 1 Huy chương Vàng và 6 Huy chương Bạc, xếp thứ 6 toàn đoàn.
Trong khi đó, tại kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á (APhO) lần thứ 24 tổ chức tại Malaysia đợt tháng 6, đội Việt Nam có 8 học sinh dự thi, tất cả đều đoạt huy chương: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, đoàn Việt Nam giành được Huy chương Vàng tại kỳ thi này.
Tại Olympic Toán học Quốc tế (IMO) lần thứ 65 tổ chức tại Vương quốc Anh đội Việt Nam gồm 6 học sinh, đạt thành tích 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực Toán học.
Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO) lần thứ 54 tổ chức tại Iran, đội Việt Nam gồm 5 học sinh, tất cả đều đạt huy chương: 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc. Đoàn xếp thứ 5 trong bảng tổng sắp, nhờ điểm thi thực hành được cải thiện đáng kể.
Trong tháng 7.2024, hai đội tuyển Olympic Hóa học và Olympic Sinh học của Việt Nam cũng dành được thành tích đáng nể tại đấu trường quốc tế.
Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế IChO Đội Việt Nam gồm 4 học sinh, tất cả đều đoạt huy chương: 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Đoàn tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu kỳ thi này.
Trong khi đó, Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) đội Việt Nam gồm 4 học sinh, đạt 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Đây là thành tích tốt nhất kể từ năm 2019, với nhiều học sinh đạt điểm cao ở phần thi thực hành.
Kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế (IOI) lần thứ 36 tổ chức tại Ai Cập từ tháng 9.2024, với 353 thí sinh từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đội Việt Nam gồm 4 học sinh, tất cả đều đoạt huy chương: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Đoàn xếp trong nhóm 4 nước dẫn đầu, sau Mỹ, Nhật Bản và Ba Lan.
Thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024 là minh chứng rõ nét cho chất lượng giáo dục và sự nỗ lực không ngừng của các em học sinh, thầy cô và nhà trường. Những kết quả này không chỉ mang lại niềm tự hào cho đất nước mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.
Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ 15.12
Ngày 30.10, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Một số điểm mới trong Thông tư 13 là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định.
Từ ngày 15.12, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
Giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có hai năm liền trước được xếp loại "Hoàn thành tốt nghiệm vụ" trở lên. Giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải ba năm đạt điều kiện này.
Để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm liền trước "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất hai năm "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Ngoài ra, họ cần có các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian giữ hạng II. Việc này nhằm đảm bảo một danh hiệu, thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần thăng hạng (từ hạng III lên II và từ II lên I).
Bộ GD-ĐT cho biết, các tiêu chuẩn trên sẽ giúp đảm bảo yêu cầu tỷ lệ giáo viên hạng I tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.