10 dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ nhận biết, chị em đừng bỏ qua
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính nghiêm trọng đứng thứ 3 trong nhóm ung thư gây tử vong cao nhất ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
Phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi 30-45 tuổi, người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.
10 dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Chảy máu âm đạo bất thường
Đây là biểu hiện ung thư cổ tử cung đặc trưng nhất ở giai đoạn đầu, gây ra do niêm mạc cổ tử cung biến đổi hoặc khối ung thư phát triển kích thước, xâm lấn sang các mô lân cận, tạo ra các mạch mới, dễ vỡ, gây chảy máu.
Tình trạng chảy máu âm đạo bất thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh, sau khi đi vệ sinh… Mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, máu thường đỏ tươi, lượng ít - nhiều, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần tần suất.
Dịch âm đạo bất thường
Dịch âm đạo (huyết trắng) tiết ra lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hoặc nhầy, trắng đục hoặc xanh như mủ, hoặc lẫn màu hồng của máu, lâu ngày có mùi khó chịu.
Đau hoặc chảy máu sau khi giao hợp
Vùng chậu hay bị đau rát, hoặc thường xuyên bị đau sau khi giao hợp.
Đau vùng chậu, đau lưng dưới
Nếu bạn bị đau nhiều vùng thắt lưng, xương chậu, đặc biệt là vùng chậu, vùng lưng dưới cũng là triệu chứng cảnh báo của việc thay đổi ở cổ tử cung. Sự hình thành và phát triển của khối u trong cổ tử cung gây nhiều cản trở đến quá trình cung cấp oxy của tế bào. Vì vậy, khi có cơn đau âm ỉ, đôi khi là dữ dội vùng tiểu xương chậu cần lưu ý thăm khám sớm.
Khó chịu khi đi tiểu
Tiểu nhiều lần, mỗi lần đi tiểu đều cảm thấy khó chịu. Tiểu tiện, đại tiện ra máu (ung thư cổ tử cung có thể đã xâm lấn vào bàng quang và trực tràng).
Tiểu không kiểm soát
Khối u ở tử cung hoặc sự chèn ép của u có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của lưu thông đường ruột và đường tiểu, từ đó làm thay đổi thói quen đại tiện - tiểu tiện của người bệnh. Người bệnh có thể bị rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen kẽ táo bón hoặc gặp tình trạng đi tiểu không kiểm soát.
Rối loạn kinh nguyệt
Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm.
Giảm cân không rõ nguyên nhân
Sụt cân là một trong những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà người bệnh có thể gặp từ sớm,. Nguyên nhân có thể liên quan đến bất thường ở đường tiêu hóa, hoặc rối loạn toàn thân do bệnh ung thư gây ra. Nếu bị giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn bạn nên chủ động đến bệnh viện thăm khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Liên tục mệt mỏi
Hầu hết các loại ung thư đều gây ra tình trạng giảm cân, chán ăn, sụt cân. Khối u cổ tử cung nén dạ dày, làm người bệnh không muốn ăn uống. Ung thư cũng làm giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh và thay thế bằng các tế bào máu trắng để cố gắng chiến đấu với căn bệnh này. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu máu, suy giảm miễn dịch, gây ra tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Sưng đau ở chân
Khi khối u phát triển lớn dần và lan rộng sẽ gây chèn ép dây thần kinh và làm tắc nghẽn máu không đến được tứ chi, gây sưng và đau chân, tình trạng đau có xu hướng liên tục và tăng nặng theo thời gian.
Người nguy cơ bị ung thư cổ tử cung
- Quan hệ tình dục quá sớm: Độ tuổi quan hệ tình dục càng trẻ thì rủi ro bị bệnh càng lớn.
- Có nhiều bạn tình: Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình cùng lúc/trong cùng một thời điểm sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV (một loại virus gây u nhú ở người).
- Mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, ví dụ như giang mai, chlamydia, HIV/AIDS,... cũng khiến nữ giới dễ bị nhiễm HPV.
- Mang thai từ khi tuổi còn quá trẻ hoặc mang thai nhiều lần: Do cơ thể nữ giới trước tuổi 17, nhất là cơ quan sinh dục vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên nếu mang thai ở giai đoạn này sẽ làm tổn thương cơ quan sinh sản. Ngoài ra những người phụ nữ mang thai từ 4 lần trở lên cũng có tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung cao hơn người bình thường.
- Hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh, trong đó có các tế bào ung thư. Một khi hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ tạo cơ hội để những tác nhân này phát triển, trong đó có virus HPV.
- Nghiện thuốc lá: Chất nicotine chứa trong khói thuốc sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, mất cân bằng hệ gene sinh ung thư.
- Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất cứ ai, đừng quên lắng nghe những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà cơ thể đang “cầu cứu” để nắm giữ cơ hội vàng tăng tỷ lệ điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn sớm, đảm bảo khả năng làm mẹ, giảm nguy cơ tử vong, chi phí điều trị và chất lượng cuộc sống.