10 điều thú vị trong việc trở thành phi hành gia của NASA

Nhu cầu khám phá vũ trụ của con người đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh trang thiết bị tối tân, chất lượng nhân lực cũng là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bất kỳ nhiệm vụ không gian nào. NASA đang đẩy mạnh tìm kiếm các ứng viên tiềm năng cho một thế hệ phi hành gia mới trẻ trung, nhiệt huyết để sẵn sàng góp mặt trong những sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng, sao Hỏa và có thể là những hành tinh xa hơn nữa.

Một phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - Ảnh: NASA

Một phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - Ảnh: NASA

Trở thành một phi hành gia là một cam kết to lớn. Các ứng viên phi hành gia - những người có xu hướng được chọn ở độ tuổi 30 và 40 - thường rời bỏ sự nghiệp của mình để có cơ hội trở thành phi hành gia, bắt đầu lại từ cuối bậc thang.

Vũ trụ là một thế giới bí ẩn thú vị nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy. Vì vậy, được đi vào vũ trụ, các phi hành gia đều phải trải qua một quy trình chọn lọc và huấn luyện rất phức tạp. Dưới đây là những gì cần thiết để trở thành một phi hành gia NASA và những gì sẽ xảy ra sau cuộc tuyển chọn.

Yêu cầu về phi hành gia

NASA có những yêu cầu nghiêm ngặt về kiến thức cũng như thể lực đối với các phi hành gia. Về trình độ, ứng viên phải có ít nhất 1 bằng thạc sĩ thuộc lĩnh vực STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học) từ một tổ chức giáo dục được công nhận. Bên cạnh bằng thạc sĩ, bạn phải đáp ứng một trong những yêu cầu về kinh nghiệm bao gồm: trải qua các khóa học có chứng chỉ về y khoa, đã qua đào tạo phi công, có chứng chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu địa lý hoặc quản lý hàng không.

Hiện nay, cách duy nhất để phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) là dùng tàu Soyuz của Nga. Tất cả các phi hành gia ISS, bất kể nguồn gốc, quốc gia, hiện phải học tiếng Nga. Họ không chỉ cần giao tiếp căn bản mà còn phải hiểu rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật bằng tiếng Nga.

Lớp phi hành gia trông như thế nào

Có hai phân loại chính dành cho ứng viên phi hành gia: ứng viên quân sự và ứng viên dân sự. Ở Mỹ, các thủ tục cho ứng viên quân sự thay đổi tùy thuộc vào chi nhánh của lực lượng vũ trang, bạn sẽ phải nộp đơn tại chi nhánh tương ứng của đơn vị. Các ứng viên dân sự có thể nộp đơn trực tiếp cho NASA.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các ứng viên vẫn chưa được coi là phi hành gia chính thức mà phải tiếp tục tham gia vào một khóa đào tạo, sát hạch từ cơ bản đến chuyên sâu trong vòng 2 năm. Sau khóa học này, những người được chỉ định bay sẽ trở thành phi hành gia chính thức, những người còn lại sẽ là phi hành gia dự bị. Đối với phi hành gia được chọn để bay, chương trình đào tạo nhiệm vụ sẽ kéo dài thêm vài năm nữa.

NASA hiện có hơn 48 phi hành gia đang hoạt động và đã đào tạo khoảng 350 phi hành gia kể từ khi cơ quan này bắt đầu đào tạo nhà du hành không gian vào những năm 1960. Theo đó, 22 “lớp” phi hành gia đã “tốt nghiệp”.

Ví dụ, lớp phi hành gia thứ 4 (năm 1969) được gọi là “Các nhà khoa học”, bao gồm Harrison J. Schmitt, nhà địa chất học duy nhất đi bộ trên mặt trăng (trong thời gian Apollo 17). Các lớp đáng chú ý khác bao gồm lớp thứ 8 vào năm 1978 (bao gồm cả nữ, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á); lớp thứ 16 vào năm 1996 (lớp lớn nhất, với 44 thành viên được chọn cho các chuyến bay tàu con thoi thường xuyên để xây dựng ISS) và lớp thứ 21 vào năm 2013 (lớp đầu tiên có sự phân chia giới tính 50/50).

Phương tiện sẽ sử dụng

Các phi hành gia ngày nay sử dụng tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đến Trạm Vũ trụ quốc tế, điểm đến chính để thử nghiệm chuyến bay vũ trụ thời gian dài. Tuy nhiên, trong những năm tới, NASA hy vọng sẽ lại vượt ra ngoài quỹ đạo Trái đất tầm thấp cho các sứ mệnh lên Mặt trăng và sao Hỏa. Nếu điều này thành công, lớp phi hành gia mới sẽ sử dụng tàu vũ trụ Orion để khám phá không gian sâu. Các phi hành gia mới cũng có thể mong đợi được bay từ đất Mỹ, khi các thế hệ phương tiện mới đã sẵn sàng.

Trong tương lai gần, cơ quan vũ trụ của Mỹ sẽ hợp tác với các công ty tư nhân để đẩy mạnh những chuyến bay vũ trụ thương mại và xa hơn là du lịch vũ trụ. Hiện cả SpaceX và Boeing đều đang chế tạo tàu vũ trụ thương mại cho NASA.

Các phi hành gia sẽ đi đâu

Các phi hành gia có thể bắt đầu sự nghiệp khi du hành đến ISS. NASA dự kiến vào năm 2024 sẽ đưa con người quay trở lại Mặt trăng sau hơn 50 năm. Các phi hành gia sẽ đi trên tàu vũ trụ Orion lên Mặt trăng bằng hệ thống tên lửa đẩy (Space Launch System) - tên lửa mà NASA tuyên bố là mạnh nhất mọi thời đại. Hệ thống này sẽ giúp Orion đạt ít nhất 39,400 km/h, tốc độ tối thiểu để thoát khỏi quỹ đạo tầm thấp của Trái đất và đi đến Mặt trăng. Cơ quan này cho biết sẽ tiến hành xây dựng một khu căn cứ trên Mặt trăng vào năm 2028 để làm bước đệm cho chuyến thăm dò sao Hỏa vào năm 2030.

Các phi hành gia làm gì

Mọi người thường rất quen thuộc với hình ảnh các phi hành gia làm việc ngoài không gian. Tuy nhiên, có một sự thật mà ít ai để ý: hầu hết thời gian trong sự nghiệp của họ tiêu tốn cho hoạt động đào tạo và các nhiệm vụ dưới mặt đất.

Phải mất nhiều năm đào tạo và các nhiệm vụ mặt đất để một ai đó đủ kinh nghiệm cho nhiệm vụ không gian. Nhiều người trong số họ không thể bay dù chỉ một lần và vĩnh viễn chia tay giấc mơ. Tỷ lệ ứng viên vượt qua khóa đào tạo để trở thành một phi hành gia thực thụ là rất ít ỏi.

Đầu tiên, các ứng viên phi hành gia sẽ có khoảng 2 năm đào tạo cơ bản, nơi họ sẽ học các khóa huấn luyện sinh tồn, ngôn ngữ, kỹ năng kỹ thuật và những thứ khác mà họ cần để trở thành một phi hành gia. Sau khi tốt nghiệp, các phi hành gia mới có thể được giao cho một sứ mệnh không gian, hoặc được giao các vai trò kỹ thuật trong Văn phòng Phi hành gia tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston (Texas, Mỹ).

Đào tạo cơ bản trông như thế nào

Các ứng viên phi hành gia trải qua một quá trình căng thẳng trước khi được chứng nhận là phi hành gia đã sẵn sàng cho chuyến bay. Trong số nhiều nhiệm vụ của họ sẽ là học cách đi bộ ngoài không gian, cách chế tạo người máy, cách lái máy bay và cách vận hành trên Trạm Vũ trụ quốc tế.

Các ứng viên phi hành gia sẽ lái T-38 (một loại máy bay huấn luyện phản lực siêu thanh hai động cơ) để đạt được kỹ năng lái; thực hành đi bộ dưới đáy bể bơi sâu 18m của Trung tâm Vũ trụ Johnson. Các ứng viên phi hành gia sẽ được tiếp xúc với áp suất khí quyển cao và thấp, tham gia các bài tập giả lập môi trường không trọng lực. Bên cạnh đó là các khóa đào tạo giao tiếp truyền thông, tiếng Nga và một vài môn học khác. Ngay cả khi đã tốt nghiệp, nhiều học viên đã không thể thực hiện ngay chuyến bay đầu tiên trong nhiều năm. Họ phải tiếp tục tập thêm với các nhiệm vụ giả lập.

Tạo dựng quan hệ đối tác

Các ứng cử viên phi hành gia được lựa chọn không chỉ chủ yếu làm việc với NASA, tham gia vào một mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế. Cùng với các đối tác thương mại ở Mỹ đang phát triển phần cứng của tàu vũ trụ và các trung tâm khác nhau của NASA, có 16 quốc gia tham gia vào Trạm Vũ trụ quốc tế - mỗi quốc gia có lĩnh vực chuyên môn riêng.

Ví dụ, Roscosmos (Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga) vận hành một số module trong nhà ga và đưa các phi hành gia lên vũ trụ bằng tên lửa Soyuz của họ. Cơ quan Vũ trụ Canada tham gia rất nhiều vào các hoạt động bằng robot, chẳng hạn như bắt giữ các tàu chở hàng bằng Canadaarm2. Các đối tác quốc tế lớn khác bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Mỗi cơ quan này đều có các phi hành gia riêng làm việc trên trạm vũ trụ và trong Văn phòng Phi hành gia.

Vượt qua quá trình lựa chọn

Khoảng 8 đến 14 người được chọn từ hơn 18.000 ứng viên đăng ký vào lớp phi hành gia năm của NASA. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng tuyển ở mức 0,04% đến 0,08%, khó hơn vào đại học Harvard cả trăm lần. Ban đầu, phòng nhân sự sẽ xem xét từng hồ sơ để xem có đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản hay không. Các hồ sơ đủ tiêu chuẩn sau đó sẽ được xem xét bởi một hội đồng phi hành gia. Hội đồng đánh giá bao gồm khoảng 50 người, hầu hết là các phi hành gia hiện tại. Họ lựa chọn vài trăm ứng viên có trình độ cao nhất rồi lọc dần theo xuống chỉ còn 120 người. Hội đồng tuyển chọn phi hành gia sau đó sẽ gọi những ứng viên này đến để phỏng vấn và kiểm tra y tế. 50 ứng viên hàng đầu trải qua vòng phỏng vấn thứ hai và khám sức khỏe thêm. Các ứng viên phi hành gia cuối cùng sẽ được chọn từ nhóm 50 người này.

Cách các ứng viên phi hành gia được thông báo trúng tuyển

Những ứng cử viên may mắn vượt qua sẽ nhận được một cuộc điện thoại từ người đứng đầu Ban Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA, cũng như Chánh văn phòng phụ trách về phi hành gia. NASA yêu cầu các ứng viên chỉ chia sẻ tin tức với gia đình của họ cho đến khi NASA đưa ra thông báo chính thức.

NASA thường tổ chức một cuộc họp báo để thông báo về các ứng cử viên mới và mời các nhà báo đặt câu hỏi về lớp phi hành gia mới. Sau đó, các ứng viên nhanh chóng bận rộn với khóa đào tạo, cho họ ít thời gian để trò chuyện với thế giới bên ngoài ít nhất trong vài tháng.

Báo cáo nhiệm vụ

Sau khi được tuyển chọn, những phi hành gia sẽ bắt đầu làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Johnson và tuyên thệ. Sẽ mất vài tuần để các phi hành gia được chọn chuyển đến Houston nhằm bàn giao công việc hiện tại và sắp xếp nơi ở cùng gia đình.

Các ứng viên thường rời bỏ sự nghiệp đang thăng hoa để thực hiện chuyến du hành vào vũ trụ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, họ có thể sử dụng thời gian làm phi hành gia để “thăng tiến” trong các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan khác.

Trang Nhung (theo Space.com)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/10-dieu-thu-vi-ve-viec-tro-thanh-phi-hanh-gia-cua-nasa-143079.html