10% game thủ nghiện game bệnh lý, không phân biệt được game ảo với cuộc sống thực
Vụ việc nam thanh niên 17 tuổi bắt trói, bỏ đói một em bé 5 tuổi gây tử vong vì nghĩ rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ trong game online tại Nghệ An đang khiến dư luận rúng động. Thực tế, điều gì khiến một game thủ trở thành kẻ nghiện game bệnh lý?
Mặc dù việc chơi game có thể mang lại những lợi ích về giải trí và trí tuệ nhất định, nhưng càng ngày, cả xã hội lại càng lo ngại về việc giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho game. Bởi khi đó, các gamer có thể sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề và thậm chí, họ có thể trở nên nghiện game.
Mới đây, các nhà khoa học đã công bố kết quả của một nghiên cứu 6 năm - nghiên cứu dài nhất từng được thực hiện về nghiện game. Theo đó, 90% gamer không chơi theo kiểu có thể đem lại những hậu quả tiêu cực lâu dài. Tuy nhiên, với 10% còn lại thì THỰC SỰ có thể nghiện game, và kết quả là họ sẽ bị ảnh hưởng cả về mặt thần kinh, hành vi và xã hội.
Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí học thuật Developmental Psychology. Theo đó, các nhà nghiên cứu cắt nghĩa “nghiện game bệnh lý” là chơi quá nhiều, trong những khoảng thời gian quá dài, khó rời khỏi game hoặc khó tách suy nghĩ của mình ra khỏi game (không phân biệt được game ảo với cuộc sống thực), gây ảnh hưởng đến các hoạt động lành mạnh hằng ngày.
Khi so sánh với những người chơi game không-bệnh-lý, thì nhóm chơi game bệnh lý dễ trầm cảm, hung hăng, hay lo lắng hoặc nhút nhát hơn. Nhóm này cũng thường dùng điện thoại di động rất nhiều hoặc theo những cách khác thường.
Qua hệ thống dữ liệu thống kê nhiều năm với những gamer có hoàn cảnh sống tương tự nhau, các nhà nghiên cứu chỉ ra chính việc chơi game đóng vai trò rất quan trọng trong việc gây ra những hậu quả tiêu cực.
Sarah Coyne, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và là một giảng viên về đời sống gia đình ở Đại học Brigham Young (bang Utah, Mỹ), cho biết, có hai “yếu tố dự báo” về tình trạng nghiện game, đó là: Là nam giới và có rất ít các hành vi có ích cho xã hội, ít thích giúp đỡ người khác. Những gamer có hai yếu tố này dễ nghiện game hơn những người khác.
Những hoạt động tình nguyện, các việc làm giúp đỡ người khác dường như là những “bộ áo giáp”, khiến gamer ít bị nghiện game bệnh lý hơn. Nghiên cứu cũng cho biết, có 10% thanh thiếu niên có các triệu chứng nghiện game bệnh lý theo hướng tăng dần.
“Tôi thực sự nghĩ rằng trò chơi điện tử cũng có những mặt tốt” - giảng viên Coyne nói - “nhưng điều quan trọng là làm sao để chơi một cách lành mạnh, không bị “hút” vào game, bởi tình trạng “nghiện game bệnh lý” rất có thể sẽ ngày càng trầm trọng nếu không được điều trị, cũng như nhiều kiểu bệnh lý khác”.
Thục Hân
(Theo Science Daily)