10 giờ sáng Chủ nhật (kỳ 2)

Câu chuyện truyền thanh 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần gắn với những kỷ niệm đẹp về những con người tốt bụng, trong sáng, tràn đầy nhiệt huyết một thời...

10 giờ sáng Chủ nhật

...Cứ thế, tôi đóng giường tủ cho hết người nọ đến người kia, và họ cũng rất nhiệt tình giới thiệu tôi với những người bạn của họ để tôi xin việc làm. Hầu như tất cả họ đều quý tôi, nhiệt tình giúp tôi, nhưng lực bất tòng tâm, thực tế là họ giới thiệu tới người có thể giúp quan hệ đi xin việc làm chứ họ không có quyền quyết. Lạc giữa mênh mông của sự vô vọng suốt hơn hai năm trời ở Hà Nội không ai thân thích, không con ông nọ cháu bà kia, với tôi những lời hứa mang niềm hy vọng dù hết lần này đến lần khác vẫn chỉ là hứa, như thế cũng quý lắm rồi. An ủi, bù đắp là tôi có thêm những người quen mới.

Đến một ngày, một người đàn anh tên là H nhà ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, sau khi nhờ tôi đóng giường tủ xong, nói rất quả quyết: "Hôm nay anh đưa chú đi gặp một người quan trọng. Anh đã hẹn mấy lần rồi, tối nay anh ấy đã nhận lời. Ra mắt thì chú cần mang đến 2 lít bia hơi, khoảng 1 cân thịt chó đấy". Tôi hoảng quá: "Anh ơi, em không có tiền". Anh ấy nhíu mày một chút rồi chặc lưỡi: "Không có tiền thì anh cho vay. Đi!".

Hai anh em ra quán bia Câu lạc bộ thể thao quân đội gần Cột cờ Hà Nội mà anh ấy là hội viên, thường tụ tập bạn bè uống ở đó. Anh H xếp hàng mua hai lít bia hơi đổ vào 2 cái bình toong mang theo, nháy mắt tình tứ với cô đong bia để khỏi phải kèm lạc. Hai anh em lại đạp xe ra chợ Âm Phủ (nay là phố sách) ở phố Lý Thường Kiệt mua 1 cân thịt chó bôi "véc ni" vàng khè, gói vào tờ báo nhòe mực in. Tôi vay tiền mua quà xin việc như vậy đó.

Người anh "quan trọng" – anh D

Cả hai đạp xe đến nhà người mà anh H giới thiệu là "quan trọng" ở tầng 3 khu cao tầng Thành Công. Anh "quan trọng" (tên là D) người thấp đậm, mặc quần soóc màu ghi sáng, cởi trần ngồi giữa sàn nhà màu gạch cùng mấy người bạn báo chí, đang nhậu tưng bừng. Ông anh "quan trọng" hỏi : "Mang gì đến đấy chú?"; "Thịt chó, bia hơi à? Vẽ chuyện. Đang đi làm thợ mộc lấy tiền ở đâu ra. Ngồi xuống làm vài miếng đi".

Tôi rón rén ngồi xuống nơi mấy đại nhà báo vừa dịch ra nhường chỗ trước những ánh mắt ngạc nhiên khi nghe giới thiệu về nghề thợ mộc của mình. Ban đầu chắc họ tưởng tôi đến nhận việc đóng tủ giường cho anh "quan trọng", không ngờ là sinh viên đi xin làm báo. Sau vài câu hỏi ngắn về bố mẹ, anh chị em, ông anh "quan trọng" tưng tửng như không: "Con trai nhà quê, học hành tử tế, chịu khó, nghị lực, biết chăm cho các em. Tốt. Tuần sau đi làm nhé. Bây giờ thì ăn cơm đi".

Tôi choáng vì bất ngờ. Không xem hồ sơ, không phỏng vấn, không hỏi xoáy, không thử thách gì, cứ thế tuần sau đi làm sao?

Có những thứ đến mà không thể ngờ, không tính hết được, nó như thứ tài sản ở đâu rơi xuống đầu làm mình choáng không hiểu ra làm sao. Và nó đi ngược lại với những quy trình thông thường lâu nay tôi thường gặp. Có lẽ đó là nhân là quả từ nhiều ngày cày cuốc đóng đồ cho các ông anh, bà chị. Nếu như tôi ở nhà họ làm thợ mà tắt mắt hay làm những chuyện dại dột nào đó thì chắc chẳng ai thương mình, tin mình, kể cả những người tốt như ông anh "quan trọng". Chắc tôi có số được quý nhân phù trợ. Dù phía trước không biết sẽ diễn ra như thế nào, nhưng cứ vui đi đã. Trong đời có những khúc cua gấp may mắn. Khúc cua gấp này là tôi gặp được người anh hào sảng, tốt bụng, không hề nhờ đóng tủ giường dù tôi luôn ở tâm thế giúp anh ấy. Vậy nên cho đến bây giờ tôi vẫn luôn kính trọng người anh "quan trọng" – anh D.

Từ tuần sau tôi không nhận lời đóng đồ gỗ cho anh/chị nào vì nghĩ rằng mình sẽ được đi làm báo. Không đóng bàn ghế, tủ gường thì lấy đâu ra chỗ ăn, chỗ ngủ? "Tuần sau đi làm" như anh D nói thì mông lung, bây giờ thân phận lang thang cơ nhỡ còn hơn "trẻ bán báo xa mẹ". Tôi liều mò đến Viện Văn học ở nhờ anh M, một người anh thân thiết học cùng lớp đại học quê ở Hà Tĩnh là tân nhà nghiên cứu văn học. Cũng may mắn cho tôi, trên đường đời gặp được người anh nghèo mà rộng rãi với bạn bè như anh M. Nằm bàn cơ quan cùng anh ấy, ăn chực vào suất gạo kho mốc meo mười mấy kilogam/tháng theo sổ gạo dành cho nhà nghiên cứu văn học đến vài tuần tôi mới chuyển đến nằm bàn cơ quan mới. "Thiệt hại" mà mấy tuần tôi đổ vào, nhưng không hề thấy anh M mảy may buồn phiền (chuyện ăn chực, ngủ chực ông anh nghiên cứu viên Viện Văn học sẽ có dịp kể tỉ mỉ sau)

Chờ cả tuần sau không thấy anh D nhắn gì, ngày thứ Sáu tôi mò đến cơ quan anh nghe ngóng. Anh ấy phẩy tay "Chiều mai thứ Bảy, 5 giờ đến 39 Bà Triệu gặp anh". Nói xong, thoắt cái đã đi mất. Một ngày trôi qua hoang mang. 5 giờ chiều hôm sau tôi đạp chiếc xe cọc cạch từ Viện Văn học đến 39 Bà Triệu đã thấy anh đứng ở cổng cùng mấy nam nữ diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ. Mấy diễn viên nữ cứ tíu tít xung quanh anh rồi tò mò nhìn tôi. Anh D giới thiệu: "Đây là phóng viên mới".

Thời gian thu thanh kịch bản truyền thanh do anh D viết và đạo diễn diễn ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, tôi không nhận được hướng dẫn, truyền nghề nào từ anh. Thu thanh xong, anh D rút túi đưa cho các diễn viên mỗi người số tiền bồi dưỡng hơn một giờ diễn kịch phát thanh vừa đủ ăn một bát phở mà ai cũng vui vẻ. Thời đó ai cũng nghèo, diễn viên càng nghèo nhưng được dấu trong những bộ cánh bóng bẩy, dấu phía trong những gương mặt son phấn, nụ cười tỏa nắng. Vậy mà mức độ yêu nghề, say nghề của diễn viên quả thật rất đáng nể.

Thu thanh xong, anh D cầm cuốn băng phẩy tay dẫn tôi đến phòng dựng. Mấy chị kỹ thuật viên nhìn tôi: "Mới à em?". Anh D trao đổi với nữ kỹ thuật viên về các ý tưởng dựng xong, tay liền đánh nhịp, giơ lên, đập xuống mạnh mẽ, nhịp điệu như một vị nhạc trưởng. Vuốt nhạc chút đi, nuốt âm thanh, dừng lại, ngắt đột ngột, lặng im 30 giây, tăng nhạc to lên, thêm nhạc da diết, lặp lại tiếng nức nở của nữ diễn viên lần nữa đi em, chỗ này phải đưa vào đoạn nhạc hùng tráng... Đó là những khẩu lệnh dứt khoát nhưng thừa sự duyên dáng, hấp dẫn. Chị kỹ thuật viên dựng chương trình xinh xắn có đôi mắt đen huyền thi thoảng lại liếc nhìn anh D ngưỡng mộ.

Dựng xong, anh D chỉ định như bác sĩ: "Thứ Sáu tuần sau chú đến lấy kịch bản đã duyệt rồi đi thu thanh và dựng chương trình nhé". Trời, không hướng dẫn, không cho tập tành gì, bắt ngay đi thu thanh, đi dựng chương trình trên sóng phát thanh của đài quốc gia. Có lẽ chỉ có mỗi ông anh "quan trọng" mới có cách điều hành lạ kỳ như vậy. Sau đó tôi phải gặp anh D xin địa chỉ cơ quan, nhà riêng của diễn viên rồi rà rã mấy ngày đạp xe đến gặp mời diễn xuất.

Chiều thứ Bảy tuần sau đến 39 Bà Triệu tôi không thấy anh D đâu. Dẫn các diễn viên lên phòng thu mà tim tôi đập thình thịch trong tai. Người sống cởi mở, thông thoáng chắc chắn sẽ được yêu mến. Anh D là người như vậy. Tôi nói nhỏ với chị kỹ thuật viên "Em là lính mới của anh D...Em chưa biết gì, nhờ chị hướng dẫn em với. Nếu em không làm được, anh ấy kỷ luật em mất". Vì yêu quý anh D, các chị kỹ thuật viên ở phòng thu thanh và phòng dựng vừa làm vừa hướng dẫn tôi rất kỹ. Trong ánh mắt của những người phụ nữ ấy, tôi thấy rõ sự yêu quý đối với anh D. Họ giúp tôi không phải vì yêu quý tôi, thực ra là đang thể hiện tình cảm đối với sếp của tôi. Cách thể hiện tình cảm kiểu bắc cầu của phụ nữ cũng thật lạ và đáng yêu. Được thể hiện sự yêu quý đối với người khác cũng là một thứ "lợi ích", nhất là cách bắc cầu này, vậy nên "lợi ích" có vẻ khách quan và tinh khiết.

Lúc chia tay tôi ngượng nghịu nói với các diễn viên rằng mình là phóng viên mới nên chưa kịp lĩnh tiền bồi dưỡng diễn viên từ cơ quan, anh D sẽ gửi các anh chị sau. Các diễn viên nữ cười vui vẻ, nháy mắt "không sao, lần sau bắt ông D chiêu đãi phở gấp đôi".

Như vậy là người thầy đầu tiên về phát thanh cho tôi là ông anh "quan trọng"- anh D. Anh dạy mà không dạy, kiểu như dạy bơi thì cứ quẳng học trò xuống nước, vùng vẫy, bị sặc nước, chìm nghỉm rồi tất sẽ biết bơi. Người thầy thứ hai không ai khác là các chị kỹ thuật viên xinh đẹp của đài phát thanh quốc gia.

Câu chuyện truyền thanh phát sóng 30 phút vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần

Từ đó tôi nhận kịch bản đã duyệt từ anh D (lúc đó mới là phó phòng) rồi một mình đi thu thanh, dựng chương trình Câu chuyện truyền thanh phát sóng với thời lượng 30 phút vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần, khi chưa có hợp đồng làm việc. Sau này anh D giới thiệu tôi với chị Th (trưởng phòng), anh H (trưởng ban). Anh H cử người vào trường đại học thẩm tra hồ sơ gốc của tôi. Sau đó anh H và anh D giúp đỡ tôi mấy năm sau được vào biên chế.

Các anh ấy tốt bụng và trong sáng giúp đỡ không có bất cứ điều kiện gì. Tôi được phân công phụ trách chương trình Câu chuyện truyền thanh 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần suốt mấy năm sau đó. Tự học, tự làm trong thế giới âm thanh mà mình mơ ước, dù khó, dù mệt đến đâu tôi cũng không dám buông tay. Biên tập kịch bản, tự viết kịch bản, mời diễn viên, đạo diễn diễn xuất, thu thanh, dựng chương trình..., đó là những công việc của một thế giới khác với thế giới những gỗ, những cưa, những đục mấy năm nay của tôi.

Người con trai cả khoác ba lô đi học xa, bóng hình đang khuất dần phía xa, người mẹ cùng các em bên mái nhà tranh đứng dõi theo...

Người con trai cả khoác ba lô đi học xa, bóng hình đang khuất dần phía xa, người mẹ cùng các em bên mái nhà tranh đứng dõi theo...

Các thế hệ kế tiếp nhau đã làm tăng giá trị thương hiệu của chương trình Câu chuyện truyền thanh 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần, liên tiếp trong nhiều năm gây thương nhớ cho không ít bạn trẻ ở các vùng miền. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành về nghề, tôi gặp một người đàn ông từ miền Trung ra Hà Nội học, đi làm, rồi có chức vị. Bạn xúc động bắt tay tôi như đối với người quen lâu ngày gặp lại. Bạn ấy kể, ngày còn học cấp 3 vào 10 giờ sáng Chủ Nhật nào cũng phải nghe chương trình trên đài phát thanh quốc gia. Bạn ấy vẫn nhớ đến tận hôm nay nội dung vở kịch truyền thanh tôi viết. Và chính những chương trình 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần ngày đó đã tiếp nguồn năng lượng cho bạn ấy yêu cuộc sống hơn, thương yêu cha mẹ, anh chị em hơn, có dũng khí vượt qua khó khăn, thi đỗ đại học... Không biết bạn ấy có nói quá lên không, nhưng câu chuyện bạn kể đã làm tôi bồi hồi. Ít ra mình cũng có những năm tháng từng làm được cái gì đó có ích cho một vài người...

Anh D suốt những năm sau luôn coi tôi như đứa em trai trong nhà. Anh luôn hào hiệp giúp đỡ tôi, trong đó đã vô tư giúp 2 em trai tôi sau khi tốt nghiệp đại học có việc làm. Nhiều điều tốt ở anh ấy tôi khó học được, nhưng điều tôi cố học nhất ở anh là lòng hiếu kính với bố mẹ, thương yêu và chăm lo cho các em bằng hành động thiết thực, hào sảng với đàn em, với bạn bè... Lòng biết ơn anh D nhiều khi không phải cứ nói ra lời. Với tôi, nó sâu thẳm và ngọt ngào.

Nhiều năm rồi không nghe chương trình phát thanh 10 giờ sáng chủ Nhật trên đài phát thanh quốc gia, không biết bây giờ còn không. Nhưng với tôi đó chính là những ngày làm nghề báo say sưa, nhiệt huyết và lãng mạn vô cùng.

Chương trình Câu chuyện truyền thanh 10 giờ sáng Chủ Nhật hàng tuần trên sóng đài phát thanh quốc gia có lẽ đã trở thành quá vãng, nhưng trong tâm tưởng anh em tôi nó là một phần không thể thiếu của hành trình làm nghề báo. Và hơn nữa nó gắn với những kỷ niệm đẹp về những con người tốt bụng, trong sáng, tràn đầy nhiệt huyết một thời.

Tô Phán

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/10-gio-sang-chu-nhat-ky-2-179241009073046209.htm