10 mẹo hữu ích giúp bạn lên kế hoạch và quản lý cuộc sống khi bị COPD
Lập kế hoạch và quản lý cuộc sống khi bị COPD là một trong những cách tốt nhất giúp cải thiện tình hình và làm chậm diễn tiến của bệnh.
Nội dung:
1. Từ bỏ việc hút thuốc lá
2. Ăn uống đúng cách và tập thể dục thường xuyên
3. Dành thời gian nghỉ ngơi
4. Dùng thuốc đúng theo chỉ định
5. Sử dụng liệu pháp oxy một cách hợp lý
6. Tập các kỹ thuật thở
7. Tránh mắc các bệnh nhiễm trùng
8. Học các kỹ thuật ho có kiểm soát
9. Có kế hoạch hành động trước những cơn COPD cấp tính
10. Tìm hiểu thêm về COPD
Nếu bạn là một bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách lập những kế hoạch để kiểm soát tốt căn bệnh của mình.
Dưới đây là 10 mẹo hữu ích giúp bệnh nhân quản lý cuộc sống khi bị COPD hiệu quả.
1. Từ bỏ việc hút thuốc lá
Tuyệt đối tránh xa nicotine là một trong những điều quan trọng nhất cần phải làm để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Đặc biệt là đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì việc bỏ hút thuốc là điều vô cùng cấp thiết. Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp có thể hỗ trợ cai thuốc lá tại nhà mà bạn có thể áp dụng. Nếu việc cai thuốc quá khó khăn, có thể đến trung tâm y tế chuyên khoa để nhờ bác sĩ tư vấn kỹ hơn.
2. Ăn uống đúng cách và tập thể dục thường xuyên
Các cơn khó thở do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra có thể làm cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục điều độ là một trong những điều quan trọng giúp cải thiện và giữ sức khỏe thể chất của bệnh nhân.
Cần lưu ý nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia nếu bạn muốn bắt đầu một chế độ ăn kiêng hoặc tập luyện khi đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Thông thường, bệnh nhân COPD sẽ được khuyên chia chế độ ăn thành các bữa ăn nhỏ và đảm bảo cân bằng các dinh dưỡng. SCó thể sử dụng chén, đĩa bé hơn trong mỗi bữa ăn. Bệnh nhân cũng lưu ý cần phải bổ sung đầy đủ nước, trái cây và rau xanh để tăng cường vitamin cho cơ thể.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sức khỏe và sự dẻo dai của cơ thể. Có thể bắt đầu tập luyện dần dần với cường độ nhẹ. Sau đó nâng từ từ để cơ thể kịp thích nghi. Nếu được chỉ định các biện pháp vật lý trị liệu, cần tuân thủ đầy đủ và đừng nghỉ buổi nào trừ phi bạn cảm thấy quá mệt.
3. Dành thời gian nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi cũng rất cần thiết đối với tất cả người bệnh COPD. Tuy nhiên có một số bệnh nhân có thể bị mất ngủ, do đó nếu cảm thấy gặp vấn đề về giấc ngủ liên quan đến COPD, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể có phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên cố gắng tránh ngủ nhiều lần trong ngày để hạn chế mất ngủ vào ban đêm. Thường xuyên tập thể dục 30 phút mỗi ngày và tránh các việc kích thích ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Có thể ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein như pho mát và bánh quy giòn, một ly sữa hoặc một ít các loại hạt, tránh các bữa ăn lớn và nhiều carbohydrate trước thời gian ngủ. Nên giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh.
4. Dùng thuốc đúng theo chỉ định
Hầu như tất cả các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều được chỉ định dùng thuốc để điều trị các vấn đề về hô hấp. Mỗi một liệu trình điều trị được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân. Do đó nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Cần ghi nhớ uống thuốc đúng giờ như một thói quen hằng ngày. Có thể đặt mốc thời gian uống thuốc gắn liền với lịch sinh hoạt như đánh răng hay xem thời sự để ghi nhớ thời gian uống thuốc. Nếu phải uống thuốc vào những thời điểm khác nhau trong ngày, hãy ghi ra một danh sách kiểm tra thuốc để giúp theo dõi khi nào cần uống viên thuốc nào. Chia thuốc thành các phần khác nhau trong 1 hộp để giúp không bỏ lỡ liều.
Nếu trong quá trình uống thuốc mà bệnh nhân gặp các tác dụng phụ gây khó chịu, hãy thông báo ngay với bác sĩ để có phương án thích hợp. bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc khác. Đặc biệt lưu ý nên kiểm tra chắc chắn mang theo tất cả các loại thuốc khi đi du lịch.
5. Sử dụng liệu pháp oxy một cách hợp lý
Một số bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ cần liệu pháp oxy để giúp cơ thể hoạt động bình thường. Mục đích của liệu pháp oxy dài hạn cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là giúp cung cấp ôxy có nồng độ cao hơn trong khí trời để điều trị tình trạng thiếu oxy máu mạn tính. Nó cho phép người bệnh hoạt động nhiều hơn và không gây hại cho phổi hoặc cơ thể nếu được sử dụng đúng cách, đúng nguyên tắc và liều lượng.
6. Tập các kỹ thuật thở
Học các kỹ thuật thở mới sẽ giúp bệnh nhân hô hấp dễ dàng hơn do không khí di chuyển nhiều hơn cả khi thở ra và hít vào. Từ đó sẽ giảm các triệu chứng khó thở ở người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Hai kỹ thuật thở đc áp dụng nhiều nhất là thở bằng cơ hoành và thở chúm môi. Khi thở bằng cơ hoành thì người bệnh hít vào từ từ và sâu bằng mũi, vừa hít vào vừa đẩy bụng ra. Kỹ thuật này sử dụng cơ hoành và các cơ hô hấp dưới. Đối với kỹ thuật thở chúm môi, người tập sử dụng kỹ thuật thở tương tự như thở bằng cơ hoành, nhưng khi thở ra cần mím môi nhẹ giống như đang huýt sáo. Sau đó thở ra từ từ qua đôi môi mím chặt.
7. Tránh mắc các bệnh nhiễm trùng
Bệnh nhân mắc bệnh COPD có nguy cơ nhiễm trùng phổi rất cao. Do đó cần hạn chế tối đa việc mắc các căn bệnh nhiễm trùng. Người bệnh nên chủng ngừa cúm và các virus khác hằng năm. Đối với chủng ngừa viêm phổi cần được nhắc lại từ sau 5 đến 7 năm. Ngoài ra cũng cần rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng và tránh nhiễm trùng.
8. Học các kỹ thuật ho có kiểm soát
Khi các phế quản chứa đầy các chấy nhầy sẽ gây phản xạ muốn ho. Đối với bệnh nhân COPD, ho thường làm người mệt mỏi, các cơn khó thở tăng lên, từ đó gây lo lắng. Để hạn chế những triệu chứng trên, bệnh nhân nên sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát. Đây là động tác ho hữu ích giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở mà không làm cho người bệnh mệt, khó thở…
Kỹ thuật ho có kiểm soát được thực hiện như sau:
- Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.
- Hít vào chậm và thật sâu. Nín thở trong vài giây.
- Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.
- Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.
9. Có kế hoạch hành động trước những cơn COPD cấp tính
Nên hỏi trước các bác sĩ hoặc chuyên gia về tình huống khi nào thì các triệu chứng phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Từ đó cần có phương pháp hiệu quả để đối phó khẩn cấp. Luôn chú ý đến cơ thể và đừng bỏ qua các triệu chứng vì chúng sẽ không tự biến mất. Tìm hiểu kỹ khi nào nên gọi bác sĩ và khi nào nên đến các trung tâm cấp cứu để có thể điều trị kịp thời.
10. Tìm hiểu thêm về COPD
Tuy COPD là một căn bệnh mãn tính nguy hiểm nhưng bệnh nhân có thể hoàn toàn sống khỏe mạnh và hạnh phúc với nó. Hãy tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh mà mình đang mắc phải. Chỉ khi có đầy đủ những kiến thức về bệnh, hiểu được bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào mới có thể ngăn ngừa và khắc phục các vấn đề. Từ đó giúp bệnh nhân chủ động cuộc sống của mình và quản lý cuộc sống khi bị COPD hiệu quả.
Nguồn dịch: https://www.nationaljewish.org/conditions/health-information/living-with-copd/managing-copd
6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà