10 năm bóng đá Việt Nam 'cất cánh' nhờ đám trẻ của bầu Đức
Thời điểm này thích hợp nhất để nhìn lại lứa Công Phượng - những ngôi sao được gọi với tên thiện cảm là 'đám trẻ của bầu Đức', bởi tròn 10 năm họ trình làng người hâm mộ.
Ở học viện HAGL, những tấm ảnh về lứa Công Phượng, hay khoảnh khắc bầu Đức hạnh phúc ăn mừng được lưu giữ như một phần lịch sử không thể thiếu của CLB HAGL. Mọi thứ được trưng bày trang nghiêm trong căn phòng truyền thống ở Hàm Rồng. Bầu Đức có thời gian rảnh thường ghé sang học viện xem các cầu thủ tập luyện. Những tấm ảnh đó còn giống như các cột mốc về cuộc đời bầu Đức - một người có hơn 20 năm làm những điều đặc biệt cho bóng đá nước nhà.
Có một lần bầu Đức tâm sự rằng, HAGL thời điểm đó không có sản phẩm để quảng cáo nhưng ông yêu bóng đá, và đầu tư mạnh mẽ. Hơn 20 năm qua, HAGL đã chi đến con số 2000 tỷ, chưa kể các khoản tiền tài trợ… Làm một phép tính thì bầu Đức tốn trung bình mỗi năm hơn 100 tỷ vì bóng đá. Lứa Công Phượng ra đời cũng xuất phát từ tình yêu bóng đá của bầu Đức. Vì yêu nên ông chủ HAGL bỏ qua cách làm đơn giản là mua ngôi sao và gặt thành tích. Chi phí rõ ràng không tốn kém hơn làm học viện bóng đá, và không phải hao tâm tâm tổn trí, giống như bầu Đức nói thì bao nhiêu năm mở học viện là bấy nhiêu năm ông đội mũ cối. Tức có nhiều ý kiến trái chiều, rồi không ít “gạch đá” từ dư luận dành cho bầu Đức.
“Đám trẻ của bầu Đức” thay đổi bóng đá Việt Nam như thế nào? Để có đáp án, bây giờ cần nhìn lại thực trạng của bóng đá Việt Nam cách đây 10 năm. Hãy điểm lại vài sự kiện nổi bật sau đây:
- Ngày 25/8/2014, Tòa án nhân dân Tỉnh Ninh Bình đã tuyên án đối với các bị cáo nguyên là cầu thủ CLB V.Ninh Bình trong vụ bán độ tại trận đấu với đội Kelantan tại Malaysia ngày 18/3/2014. Cầu thủ Trần Mạnh Dũng (người cầm đầu vụ bán độ tại CLB V.Ninh Bình) 30 tháng tù, 8 cầu thủ khác đều được tòa cho hưởng án treo.
- Tháng 4/2015, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã cấm vĩnh viễn 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai nói tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, gồm Phạm Hữu Phát, Nguyễn Đức Thiện, Phan Lưu Thế Sơn, Nguyễn Thành Long Giang, Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung. Đây là nhóm cầu thủ tham gia đánh bạc, dàn xếp tỷ số ở trận Quảng Ninh thắng Đồng Nai 5-2, thuộc vòng 21 V.League 2014 diễn ra vào ngày 20/7/2014.
Những sự kiện kể trên khiến cho bóng đá Việt Nam gần như chạm đáy niềm tin. Có thời điểm khán giả Đồng Nai từng nói thẳng thừng lý do không đi xem bóng đá: Tốn tiền xem làm gì mấy đứa bán độ, thà ở nhà ở xem phim. Nhưng sân Đồng Nai đã xác lập cột mốc lịch sử về khán giả ở “trận chung kết ngược” V.League 2015, với 25 nghìn khán giả đến sân và rất nhiều người không thể mua vé vào sân. Người hâm mộ kéo đến sân vì muốn được xem lứa Công Phượng của HAGL thi đấu. Đó là minh chứng để thấy “đám trẻ của bầu Đức” thắp lại niềm tin và tình yêu cho khán giả Việt Nam.
Bầu Đức đã mở ra một tư duy mới cho bóng đá Việt Nam - một nền bóng đá vốn dĩ bị xem là “xây nhà tư nóc”: Một lứa cầu thủ đá đẹp và có sự giáo dục tốt rõ ràng có thể khiến cho những ai từng ngán ngẩm bóng đá Việt Nam phải mua vé đến sân, kể cả các buổi tập cũng chật cứng người xem.
Điều khó nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không phải tạo ra thành tích, mà làm sao để có được tình yêu của người hâm mộ. Nếu muốn thành tích thì một ông bầu có thể chi tiền mua thật nhiều ngôi sao, rồi thỏa mãn vinh quang. Bình Dương là ví dụ. Trong thời điểm lứa Công Phượng trình làng, Bình Dương mua sắm rất nhiều cầu thủ giỏi, sử dụng cả suất nhập tịch lẫn Việt kiều. Bình Dương có hai năm liền vô địch V.League. Nhưng đội chủ sân Gò Đậu vẫn chịu cảnh “đói” khán giả. Trong buổi tập trước trận gặp HAGL ở V.League 2015, chỉ có vài khán giả xem Công Vinh và các đồng đội tập luyện. Nhưng hàng nghìn người bất chấp trời mưa để xem Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… tập ở sân Gò Đậu.
Hơn hết, “đám trẻ của bầu Đức” gắn liền với vinh quang bóng đá Việt Nam trong 5 năm dưới thời HLV Park Hang Seo - nhà cầm quân được ông chủ HAGL cất công đi mời và trả tiền lương trong bản hợp đồng đầu tiên với VFF. Nhiều người hâm mộ đã ngưỡng mộ Xuân Trường với những mẩu chuyện ở giải U23 châu Á 2018. Xuân Trường không chỉ tạo ra ảnh hưởng về chuyên môn với tấm băng thủ quân U23 Việt Nam, mà anh còn trả lời truyền thông bằng tiếng Anh trôi chảy, chăm sóc các đồng đội ở thời tiết rét lạnh. Quang Hải đã kể lại đầy cảm động về hành động cào tuyết của Xuân Trường, rồi cầm quả bóng đặt ngay ngắn để tiền vệ này “vẽ cầu vồng tuyết” ở trận chung kết.
Một số ý kiến chê những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh xuất ngoại không có dấu ấn gì. Nhưng ít ai nhìn về tinh thần và khát vọng đưa bóng đá Việt Nam vươn ra châu lục của bầu Đức. Trong bất cứ hành trình nào thì những người tiên phong sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng ai cũng sợ thất bại và không dám bước qua giới hạn thì khó có thành công. Có những “đứa trẻ của bầu Đức” xuất ngoại thì những người làm bóng đá Việt Nam mới hiểu được trình độ cầu thủ ở đâu, cần khắc phục và trang bị thêm những gì ngoài chuyên môn. Ví dụ cầu thủ Việt Nam muốn sang châu Âu chơi bóng thì cần học ngoại ngữ để giao tiếp với HLV và đồng đội, phải biết tự chăm sóc bản thân…
Có quá nhiều điểm nhấn để nói về lứa Công Phượng của HAGL, bởi trình làng trong bối cảnh bóng đá nước nhà không thành tích, không có điểm nhấn, nhiều tiêu cực và mất niềm tin. Nhưng trong giai đoạn tối tăm ấy, “đám trẻ của bầu Đức” đã làm thay đổi tất cả và góp phần lớn thắp lên vinh quang cho bóng đá nước nhà. Và 10 năm vui buồn cùng lứa Công Phượng, không ít người tiếc nuối về mong ước dang dở như HAGL chưa thể thành công, nhưng chắc chắn “đám trẻ của bầu Đức” là một phần thanh xuân của rất nhiều người với tình yêu bóng đá.