10 năm nội chiến Syria: Những tác động tàn khốc đối với trẻ em

Theo AP ngày 11-3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, cuộc nội chiến kéo dài 10 năm tại Syria đã khiến gần 12.000 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương và buộc hàng triệu trường hợp khác phải nghỉ học. Thực trạng này có thể để lại nhiều hậu quả trong những năm tới tại quốc gia vùng Trung Đông.

Nội chiến dai dẳng tại Syria đã ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em. Ảnh: Anadolu Agency

Các số liệu thống kê được công bố trong một báo cáo của UNICEF trước lễ kỷ niệm 10 năm cuộc xung đột tại Syria vốn bắt đầu từ giữa tháng 3-2011. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người, làm hơn 1 triệu người bị thương và khiến một nửa dân số quốc gia này phải di tản, bao gồm hơn 5 triệu người tị nạn.

Trong năm qua, tình hình tại Syria đã trở nên phức tạp do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng, cũng như sự lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia với các cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột tàn khốc.

Số trẻ em được báo cáo có các triệu chứng về tâm lý đã gấp đôi vào năm 2020, do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bạo lực và chấn thương tâm lý, những yếu tố tác động mạnh đến sức khỏe tâm thần cả về ngắn hạn và dài hạn.

Theo Giám đốc UNICEF khu vực Trung Đông và Bắc Phi Ted Chaiban, cứ 1 trong 4 trẻ em có dấu hiệu căng thẳng tâm lý, gấp đôi so với thống kê trước đó. UNICEF sẽ làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những trường hợp này, từ đường dây nóng, hỗ trợ tâm lý cho đến giáo dục.

Dựa theo số liệu đã được xác minh, UNICEF cho biết, gần 12.000 trẻ em Syria đã thiệt mạng hoặc bị thương trong thập kỷ qua và hơn 5.700 trường hợp được tuyển mộ tham chiến. Tuy nhiên, ông Ted Chaiban thừa nhận, con số thực tế có lẽ cao hơn đáng kể.

Cũng theo UNICEF, gần 2,45 triệu trẻ em ở Syria và thêm 750.000 trẻ em Syria ở các quốc gia láng giềng, 60% trong số đó là trẻ em trai, không được đến trường. Tình hình của nhiều trẻ em và gia đình vẫn còn khó khăn, với gần 90% trẻ em cần được hỗ trợ nhân đạo, tăng 20% chỉ trong năm qua.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore khẳng định, những số liệu này là một cột mốc nghiệt ngã. Do đó, cộng đồng quốc tế nên thực hiện mọi nỗ lực để mang lại hòa bình cho Syria và khuyến khích tăng cường hỗ trợ trẻ em tại quốc gia này.

Trong năm 2020, UNICEF đã tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em và các gia đình ở Syria, cũng như tại các quốc gia lân cận, bao gồm gần 900.000 ca tiêm phòng bệnh sởi và hỗ trợ tâm lý cho hơn 400.000 trẻ em. Năm 2021, cơ quan này đang kêu gọi 1,4 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ trẻ em tại Syria và các quốc gia láng giềng.

“Không có người chiến thắng trong cuộc chiến này và mất mát lớn nhất là trẻ em Syria. Đã đến lúc các bên tham chiến nên hạ súng và đến bàn đàm phán”, UNICEF nêu.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/993258/10-nam-noi-chien-syria-nhung-tac-dong-tan-khoc-doi-voi-tre-em