10 năm nữa TPHCM mới có bãi đậu xe ngầm?
10 năm trước, TPHCM khởi động các dự án bãi xe ngầm khu vực trung tâm. Nhiều dự án vẫn nằm trên giấy. Nhiều người băn khoăn, 10 năm nữa TPHCM sẽ có bãi xe ngầm?
Chỗ đậu xe ô tô không dễ tìm
Mỗi lần hẹn hò với đối tác hay bạn bè tại trung tâm quận 1, chị Khánh Vy (45 tuổi, Tân Bình, TPHCM) đều phải đến sớm hơn giờ hẹn 30 - 45 phút để tìm nơi đậu ô tô.
Anh Hoàng Thanh (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng chia sẻ, mỗi lần lên thành phố họp với đối tác, anh luôn gửi xe ở tận rìa ngoài quận Bình Thạnh rồi bắt xe ôm đi vào trung tâm vì những chỗ giữ xe quanh khu vực ngã tư Nguyễn Du - Pasteur thường thông báo hết chỗ.
TPHCM hiện đang quản lý hơn 9 triệu phương tiện, trong đó riêng ô tô có khoảng 900.000 chiếc. Trong tháng 4/2022, gần 6.000 xe ô tô đã được đăng ký mới.
Số liệu từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho thấy, đến hết quý 1/2022, TPHCM đang quản lý hơn 9 triệu phương tiện, trong đó riêng ô tô có khoảng 900.000 chiếc. Trong tháng 4/2022, gần 6.000 xe ô tô đã được đăng ký mới.
Các tuyến đường ở trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Trương Định… đa số đều là đường một chiều hoặc có biển cấm dừng/đỗ xe, nhưng nhiều tài xế bật đèn khẩn cấp để dừng xe vì không tìm được bãi đỗ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, 59 công trình cao tầng có từ 1 - 5 tầng hầm đỗ xequanh trụ sở UBND TPHCM trong vòng bán kính 500m như Kumho Asiana Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Saigon Center… Gần 50 công trình cao tầng có hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn trên các đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng…
Ngoài đáp ứng chỗ đậu xe cho các tòa nhà, khoảng 20% diện tích các hầm gửi xe (với hơn 1.300 ô tô và gần 2.800 xe máy) dành cho xe bên ngoài.
Với lượng xe đang tăng nhanh, người đi xe ô tô ngày càng vất vả tìm chỗ đậu xe, đặc biệt là ngay khu vực trung tâm. Lề đường cũng đang dần không đáp ứng được nhu cầu.
4 dự án bãi xe ngầm, giờ tới đâu?
Bên cạnh các bãi đậu xe có thu phí tận dụng lề đường, TPHCM đã quy hoạch 4 bãi xe ngầm tại Quận 1, kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng.
Từ năm 2008, dự án bãi xe ngầm Sân khấu Trống Đồng, tiền thân là dự án hầm đậu xe và thương mại dịch vụ Lam Sơn, được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận cho Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện.
Công trình xây trên diện tích hơn 5.300m2 với tổng vốn gần 900 tỷ đồng. Dự kiến bãi xe ngầm sẽ gồm 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, sức chứa hơn 700 ô tô và 400 xe máy. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ kéo dài. Cuối năm 2018, công trình nằm trong số 180 dự án chậm triển khai, bị Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất thu hồi.
Sau hàng chục năm được chấp thuận đầu tư, dự án bãi đậu xe ngầm Sân khấu Trống Đồng đến nay vẫn “nằm trên giấy”.
Đến tháng 7/2019, TPHCM đồng ý cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tiếp tục thực hiện dự án với điều kiện doanh nghiệp phải cam kết đúng tiến độ khởi công vào năm 2020, hoàn thành cuối năm 2022, nhưng dự án vẫn treo.
Công trình bãi xe ngầm công viên Tao Đàn được đầu tư 1.055 tỷ đồng, gồm 1 tầng trệt và 4 tầng ngầm đáp ứng gần 1.200 ô tô, 900 xe máy. Còn dự án ở sân vận động Hoa Lư có vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, với 5 tầng ngầm phục vụ thương mại và bãi đậu hơn 2.500 ô tô, 2.873 xe máy. Hiện 2 dự án bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
Dự án bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám cũng trắc trở không kém với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty CP Không gian Ngầm (IUS) thực hiện.
Công trình gồm 4 tầng ngầm kết hợp giữa thương mại và đậu xe, sức chứa hơn 2.000 xe máy, gần 1.300 ô tô.
Mặc dù dự án đã động thổ năm 2010 nhưng sau đó đã dừng lại. Năm 2012, nhà đầu tư hoàn chỉnh thiết kế cơ sở, sau đó lại xin điều chỉnh, đến tháng 3/2017 mới hoàn tất, ký thêm phụ lục hợp đồng. Đến tháng 8/2019, dự án bị UBND TPHCM chấm dứt hợp đồng và thu hồi.
Dự án bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám đến tháng 8/2019 bị UBND TPHCM chấm dứt hợp đồng và thu hồi.
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đã từng gửi công văn đến Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ: “Doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều chi phí, công sức vào dự án hầm để xe. Tuy nhiên, vì lý do khách quan không may mắn mà dự án lần đầu ở công trường Lam Sơn bị vướng tuyến metro số 1 nên phải chuyển qua Sân khấu Trống Đồng.
Đến khi hoàn tất xong thỏa thuận thiết kế với Bộ Xây dựng, dự án Trống Đồng lại vướng tuyến metro số 2 phải thiết kế lại”.
Trong 4 dự án bãi đậu xe ngầm trên, chỉ có dự án tại Sân khấu Trống Đồng đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết để triển khai. Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM rà soát hoàn tất việc điều chỉnh này.
Hầu hết dự án được lập cách đây hơn 10 năm, đến nay giá cả vật tư, nhân công tăng vọt khiến tổng mức đầu tư tăng cao. Chi phí đầu tư bãi đậu xe ngầm rất lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà.
Theo TS Võ Kim Cương, chuyên gia quản lý đô thị, mức giá đậu xe hiện nay theo quy định của Nhà nước còn khá rẻ, dẫn đến doanh nghiệp cân nhắc đầu tư. Trong khi đó, ở nước ngoài, người sử dụng xe phải thuê chỗ đậu xe không khác gì thuê chỗ ở và đậu xe ngoài đường sẽ bị xử rất nghiêm.
Bên cạnh đó, việc tồn tại nhiều bãi đậu xe tự phát khiến các bãi đậu xe ngầm khó cạnh tranh về giá và tiện ích. Nhiều thủ tục xây dựng ngầm như việc hướng dẫn xác định đơn giá thuê đất tạm tính, các giải pháp thi công… hiện vẫn chưa được thống nhất.
Các bãi đậu xe có thu phí tận dụng lề đường đang dần không thể đáp ứng lượng xe ngày càng nhiều của thành phố.
Xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí hơn nhiều lần bãi đậu xe thông thường. Do vậy, buộc các chủ đầu tư phải tính toán tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh không gian đậu xe để bù chi phí. Nếu tỷ lệ thương mại quá thấp, hiệu quả kém, nhưng tỷ lệ thương mại cao lại ảnh hưởng đến mục tiêu xây bãi đậu xe công cộng.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức), nhiều khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe ở trung tâm TPHCM. Trong đó, chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với chính quyền và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng chưa được tính toán.
Đó chính là lý do khiến nhà đầu tư từng khởi công dự án xây dựng bãi đậu xe ở công viên Lê Văn Tám, nhưng sau đó phải chấp nhận bỏ dở và đến nay dự án đã chính thức bị hủy bỏ.
Mời độc giả xem thêm video Nóng: Cháy bãi xe tự phát tại Thanh Hóa: