10 năm tôn giáo đồng hành đảm bảo an toàn giao thông

Bền bỉ suốt 10 năm qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đồng hành cùng các đơn vị, địa phương nỗ lực thực hiện các vấn đề nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho toàn xã hội.

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh và Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bảo đảm TTATGT vào tháng 11/2023. Ảnh: N.Nghĩa

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh và Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bảo đảm TTATGT vào tháng 11/2023. Ảnh: N.Nghĩa

ĐỊA PHƯƠNG TIÊN PHONG TRONG CẢ NƯỚC

Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Mô hình “Các tôn giáo đồng hành thực hiện an toàn giao thông”. Mô hình thực hiện hiệu quả, đã được các cấp, ngành Trung ương đánh giá cao và trở thành mô hình điểm để chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc.

Hơn 10 năm trước, Linh mục Trần Thả - Quản hạt Di Linh đã sáng kiến việc ký kết giao ước đảm bảo TTATGT giữa Giáo hạt Di Linh và các giáo xứ, giáo họ thuộc Giáo hạt Di Linh với Ban An toàn giao thông huyện và các xã, thị trấn. Sáng kiến này đã được bà con Công giáo trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Bắt nguồn từ sáng kiến hiệu quả ấy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có sự nghiên cứu kỹ để lan tỏa rộng rãi trong các tôn giáo trên địa bàn. Và đến ngày 21/8/2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị các tổ chức tôn giáo với sự tham dự của 120 chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên địa bàn toàn tỉnh. Đại diện lãnh đạo Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài đã thống nhất ký kết việc các tôn giáo đồng hành thực hiện an toàn giao thông.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2014 đến 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 3.053 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.796 người và bị thương 2.075 người (bình quân mỗi năm xảy ra 275 vụ, 163 người chết và 188 người bị thương). Tình hình trên đòi hỏi cần tăng cường phát huy hơn nữa sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có sự đồng hành của các tổ chức, chức sắc tôn giáo đối với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về thực hiện đảm bảo TTATGT.

Nội dung đồng hành được thống nhất cụ thể gồm: Cùng toàn xã hội trong tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo đảm TTATGT thông qua sinh hoạt tôn giáo và các hình thức phù hợp khác; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và vận động tín đồ, người thân, cộng đồng khu dân cư cam kết không vi phạm an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông; Xây dựng và nhân rộng các mô hình về đảm bảo TTATGT...

Ngay sau ký kết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền rộng rãi nội dung này đến các cơ quan cấp tỉnh, UBND, MTTQ Việt Nam, Ban An toàn giao thông cấp huyện, 147 xã, phường, thị trấn, 1.569 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và 785 cơ sở thờ tự, văn phòng đại diện các tổ chức tôn giáo và chức sắc tiêu biểu trong toàn tỉnh.

Trong các cuộc gặp mặt định kỳ, tiếp xúc, thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành (gọi chung là chức sắc) nhân dịp lễ, tết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương, cơ sở thường xuyên động viên, khích lệ các chức sắc phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động tín đồ nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Mô hình “Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện an toàn giao thông” vào năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp với 14 tổ chức tôn giáo tỉnh năm 2020 nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các ngành chức năng liên quan và các tổ chức, chức sắc tôn giáo trong tham gia thực hiện đảm bảo TTATGT giai đoạn 2020 - 2025.

Từ đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở nhiều địa phương, tổ chức tôn giáo. Cấp phát hàng trăm bộ tài liệu, cẩm nang, tờ rơi... về các quy định pháp luật và công tác bảo đảm TTATGT ở địa phương cho MTTQ Việt Nam các cấp, tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo trong tỉnh.

Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, Phật tử tham gia bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2026. Đồng thời tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng. Trong đó có tuyên truyền trực tiếp nội dung này cho hơn 900 ngàn tín đồ các tôn giáo trên toàn tỉnh...

Việc phối hợp tuyên truyền đã giúp nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đối với người dân. Ảnh: C.Thành

Việc phối hợp tuyên truyền đã giúp nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đối với người dân. Ảnh: C.Thành

ĐỒNG HÀNH

Sự đồng hành của các tôn giáo trong thực hiện đảm bảo TTATGT đã được thực hiện trên nhiều mặt. Đơn cử như trong công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo đảm TTATGT, Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã duy trì đều đặn việc dành khoảng 15 phút trong các buổi lễ vào thứ 7 hàng tuần tại nhà thờ để tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở tín đồ về thực hiện an toàn giao thông. Từ năm 2017 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Lạt đã duy trì việc 2 năm/lần tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào Tháng An toàn giao thông và Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hàng năm. Đây là hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần xoa dịu nỗi đau do tai nạn giao thông, đồng thời mang lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt... đã phối hợp với Công an TP Đà Lạt tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho hàng trăm tăng, ni, Phật tử...

Song song với việc tuyên truyền, các chức sắc tôn giáo còn gương mẫu thực hiện trước, đồng thời tích cực vận động tín đồ, người thân, cộng đồng khu dân cư không vi phạm an toàn giao thông bằng nhiều cách. Như Linh mục Trần Thả - Quản hạt, Quản xứ Di Linh suốt hơn 10 năm qua đã kiên trì vận động, thuyết phục giáo dân đồng lòng thực hiện đảm bảo TTATGT. Tại các cơ sở tôn giáo nằm dọc quốc lộ, tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo sinh sống, các chức sắc thường xuyên, liên tục vận động tín đồ và Nhân dân chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Khi tổ chức các hoạt động tôn giáo đông người với nhiều phương tiện giao thông, các cơ sở tôn giáo đều có bộ phận an ninh trật tự, phân công chức sắc, tín đồ làm công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Giai đoạn 2025 - 2030, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục động viên, khuyến khích các tôn giáo đồng hành thực hiện bảo đảm TTATGT. Các nội dung đồng hành trọng tâm gồm: tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo đảm TTATGT gắn với sinh hoạt, hoạt động tôn giáo; vận động tín đồ và Nhân dân thực hiện văn hóa giao thông, cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT và tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo đảm TTATGT trong các tổ chức tôn giáo, cộng đồng khu dân cư gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; động viên, chia sẻ, hỗ trợ, góp phần kịp thời khắc phục hậu quả khi tai nạn giao thông xảy ra.

Các tổ chức tôn giáo cũng đã đồng hành, chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình về đảm bảo an toàn giao thông như: “Cơ sở thờ tự an toàn giao thông”, “Đoạn đường tự quản an toàn giao thông”, “Khu dân cư an toàn giao thông”... gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”), sống “Tốt đời - đẹp đạo”... ngay trong cơ sở tôn giáo, cộng đồng tôn giáo của mình. Từ các mô hình đó, các cộng đồng tôn giáo đã có nhiều việc làm thiết thực, phù hợp với đặc thù của các địa bàn. Tiêu biểu như: Giáo xứ Thanh Bình (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) đã vận động giáo dân đóng góp tiền, vật tư, công lao động để lắp đặt hơn 500 tấm đan hai bên mương nước với đoạn đường dài trên 10 km và lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa, phát quang nơi che khuất tầm nhìn trên cả tuyến đường, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn giao thông cho người dân đi lại với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng...

Những năm qua, tại tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) với trên 98% dân cư là giáo dân Công giáo, các linh mục quản xứ đã chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động giáo dân hiến trên 18.000 m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông; hàng tuần, tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố, quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần không để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn nhiều năm qua.

Tại TP Bảo Lộc, nhất là ở những vùng Công giáo toàn tòng, các chức sắc đã vận động xây dựng các mô hình tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội, như tại tuyến đường Tạ Thị Kiều và tuyến đường Lê Đình Chinh (xã Lộc Thanh); xây dựng Mô hình An toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình tại Giáo họ Mỹ Thanh (Giáo xứ Tân Thanh), Giáo họ 5 (Giáo xứ Tân Bình). Xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông và không có tệ nạn xã hội với 60 thành viên tham gia hoạt động thường xuyên tại Giáo họ Đức Bà...

Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh cho thấy, khi không may xảy ra tai nạn giao thông mà người bị nạn hay người gây tai nạn là tín đồ các tôn giáo thì cùng với quy định của pháp luật, yếu tố đạo đức, văn hóa tôn giáo đã góp phần giải quyết vấn đề nhanh chóng, êm đẹp hơn.

Tai nạn giao thông là nỗi đau dài không chỉ với người trong cuộc, với gia đình của họ mà là nỗi đau của toàn xã hội. Bởi vậy đảm bảo TTATGT là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó, có phần trách nhiệm không nhỏ của các tổ chức, chức sắc tôn giáo. Sự nghiêm minh của pháp luật là nòng cốt và niềm tin tôn giáo là yếu tố cộng hưởng quan trọng góp phần khơi dậy ý thức mỗi con người - giải pháp hiệu quả nhất trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đảm bảo TTATGT nói riêng.

ĐƯỜNG ANH NGỮ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/10-nam-ton-giao-dong-hanh-dam-bao-an-toan-giao-thong-f93156f/