10 phim hậu truyện không nên ra đời
Theo truyền thống tại kinh đô điện ảnh, một thương hiệu điện ảnh sẽ có phần kế tiếp nếu còn lợi nhuận. Tuy nhiên, Hollywood đôi khi không biết đâu là điểm dừng.
Zoolander 2 (2016): Là phiên bản hiện đại hóa từ bộ phim gốc có phần ngốc nghếch nhưng chiếm được cảm tình của khán giả về một người mẫu quốc tế bỗng lạc vào thế giới điệp viên, Zoolander 2 đáng lẽ phải khám phá sự chuyển mình của ngành thời trang, cũng như nỗi vất vả của giới người mẫu khi họ không còn trẻ. Song, thành phẩm là một bãi rác với những vai diễn khách mời không ăn nhập, cùng hàng loạt trò đùa xài lại từ bản gốc. Nói không ngoa khi Ben Stiller đã tự tay hủy hoại thanh danh Zoolander.
Independence Day: Resurgence (2016): Sinh vật ngoài hành tinh xâm lăng Trái Đất thêm một lần nữa với một con tàu khổng lồ thay vì mấy chiếc nhỏ hơn trong phần đầu. Các nhân vật chủ chốt đều trở lại, ngoại trừ Will Smith đã rời dự án do bất đồng về thù lao. Quy mô hơn, đông đảo hơn, nhiều mối nguy hơn, nhưng bộ phim giống như phần kế tiếp của Starship Troopers (1997) hơn là Independence Day (1996). Kỹ xảo rất ấn tượng không thể bù đắp cho kịch bản yếu kém. Sinh vật ngoài hành tinh được xây dựng quá hùng mạnh, nên bất cứ nhân vật nào sống sót cũng thật khó tin.
Terminator: Genisys (2015): Sau Terminator Salvation (2009), Arnold Schwarzenegger tái xuất cùng một loạt tên tuổi như Emilia Clarke, Matt Smith, Jason Clarke, J.K. Simmons. Bất ngờ đến từ Jai Courtney bởi nam diễn viên bị cho là quá non để đảm nhận vai chính Kyle Reese. Trong phim, hình tượng bao năm của Arnie bị biến tướng thành ông bố độc đoán trong nhiều tình huống như sitcom. Cùng lúc đó, Genisys thất bại bởi vô số điểm phi lý về du hành thời gian. Hy vọng duy nhất của bộ phim là một cú twist bất ngờ thì đã bị lộ luôn từ trailer.
Dumb and Dumber To (2014): Với hai nhân vật hài kinh điển thể hiện bởi hai diễn viên kỳ cựu, Dumb and Dumber To là hy vọng của anh em đạo diễn Farrelly trong việc chứng tỏ khiếu hài hước độc đáo của họ vẫn còn hợp thời. Tuy nhiên, những câu đùa nhạt nhòa và lẻ tẻ suốt bộ phim cho thấy thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Harry và Lloyd lần đầu ra mắt trên màn ảnh trước đó 20 năm.
The Thing (2011): Rất cố gắng để trở thành một phiên bản tân thời, nhưng The Thing bản 2011 so với The Thing (1982) kinh điển của John Carpenter chỉ như gã họa sĩ vỉa hè cố gắng chào bán một bức tranh nhái. Không thể phủ nhận những ưu điểm của phiên bản mới. Nhưng nó quá thua kém bởi phần hình ảnh nghèo nàn và cái bóng quá lớn từ bản gốc.
Scream 4 (2011): Sau hơn một thập kỷ, loạt phim kinh dị trở lại trong sự nghi hoặc từ phía khán giả. Hình tượng Ghostface lại tái xuất, nhưng các nhân vật cứ thế hành xử như một đám ngốc, dù cho họ đang cận kề cái chết. Mạch phim khiến người xem mệt mỏi, và thật đáng buồn khi đây là bộ phim cuối cùng của nhà làm phim quá cố Wes Craven.
Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (2008): Nhân vật huyền thoại Indiana Jones trở lại vào năm 2008. Góp mặt bên cạnh Harrison Ford là Shia Labeouf và cả... sinh vật ngoài hành tinh. Vẫn có những giây phút giải trí nhất định, nhưng Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull quả là tệ hại nếu đặt cạnh ba phần phim đầu tiên. Dấu hiệu tuổi tác của Ford là quá rõ ràng, và không hiểu tại sao Disney vẫn tiếp tục chọn ông cho vai chính trong phần 5 tới đây.
Dirty Dancing: Havana Nights (2004): Là nỗ lực muộn màng để kế tục phần phim đầu tiên đã quá kinh điển, Havana Nights đưa khán giả tới đất nước Cuba rực lửa để nhân vật chính tìm thấy tình yêu cũng như niềm đam mê vũ đạo từ một người xa lạ. Nhưng bộ phim không nắm bắt được tinh thần của phần trước. Dàn diễn viên mới không để lại dấu ấn, mảng âm nhạc thiếu nổi bật, còn bầu không khí thì không còn sự nổi loạn của nguyên tác Dirty Dancing nữa.
Blues Brothers 2000 (1998): Sau 18 năm, Elwood Blues trở lại với một nhiệm vụ mới cùng hai người anh em. Song, ngoại trừ phần âm nhạc bắt tai, những yếu tố còn lại trong phim quá yếu kém. Sự vắng mặt của John Belushi để lại lỗ hổng quá lớn mà Dan Aykroyd không thể bù đắp nổi. Các pha hài hước trong phim phần lớn tỏ ra ngờ nghệch và không đem lại tiếng cười hiệu quả.
Alien: Resurrection (1997): Dù đã bỏ mạng ở cuối Alien 3 (1992), nhân vật Ripley (Sigourney Weaver) buộc phải trở lại do hãng Fox vẫn muốn kiếm thêm doanh thu. Kịch bản biến cô từ một người chiến đấu hết mình vì mạng sống thành một bà mẹ quái vật, chẳng giúp ích gì nhiều cho đồng đội dù kinh nghiệm chiến đấu đầy mình. Ngoài ra, loài New Born lai giữa người và Xenomorph đáng lẽ phải ghê rợn và nguy hiểm hơn quái vật không gian như lời quảng cáo, nhưng thực tế chỉ mang hình thù kỳ quặc để rồi mất mạng một cách lãng nhách.
Staying Alive (1983): Rực rỡ hơn phần đầu Saturday Night Fever, Staying Alive tiếp tục kể về hành trình của nhân vật Tony đến sân khấu Broadway. Kỳ quặc thay, bộ phim được đạo diễn lẫn biên kịch bởi tài tử hành động Sylvester Stallone - người mà khán giả khó có thể tìm thấy sự liên quan đến Saturday Night Fever. Ông dường như chưa bao giờ theo dõi phần đầu mà đã bắt tay vào thực hiện một tác phẩm về các vũ công. Và hậu quả đã thể hiện rõ trên màn ảnh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-phim-hau-truyen-le-ra-khong-nen-ra-doi-post1108417.html