10 quyết định hủy hoại các thương hiệu điện ảnh bom tấn

Tên tuổi của không ít thương hiệu điện ảnh nổi tiếng như 'The Expendables', 'The Mummy' hay 'X-Men' bị sứt mẻ do quyết định sai lầm từ nhà sản xuất.

Bỏ qua nhu cầu thị trường - The LEGO Movie: Sau thành công của The LEGO Movie (2014) và The LEGO Batman Movie (2017), Warner Bros. quyết định rót vốn sản xuất The LEGO Movie 2 (2019). Tuy nhiên, thất bại trước đó không lâu của The LEGO Ninjago Movie phần nào dự đoán sự thoái trào của dòng phim hoạt hình dựa trên thương hiệu đồ chơi nổi tiếng. Cuối cùng, The LEGO Movie 2 chỉ thu về 192,3 triệu USD toàn cầu với vốn đầu tư 99 triệu USD. Con số thậm chí không chạm nổi mốc 50% doanh thu của phần đầu tiên ra mắt trước đó 5 năm. Ảnh: Warner Bros.

Tuyển dụng biên kịch Simon Kinberg - X-Men: Tới nay, biên kịch Simon Kinberg tham gia xây dựng kịch bản của bốn phần phim X-Men do Fox thực hiện. Trong đó, tác phẩm duy nhất được đánh giá cao là X-Men: Days of Future Past do ông sáng tác cùng Jane Goldman và Matthew Vaughn. Ba tựa phim còn lại, lần lượt gồm X-Men: The Last Stand, X-Men Apocalypse, Dark Phoenix (2019), đều gây thất vọng lớn lao cho người hâm mộ. Ảnh: Fox.

Giết John Connor - Terminator: Trong Terminator: Dark Fate (2019), John Connor (Edward Furlong) đã bị giết bởi một robot T-800 (Arnold Schwarzenegger) được Skynet gửi về quá khứ. Tình tiết được nhận xét là chỉ nhằm dọn đường cho đấng cứu thế mới Dani Ramos (Natalia Reyes). Với thương hiệu Kẻ hủy diệt, cái chết của John Connor đã tái khởi động vũ trụ. Với khán giả, việc “khai tử” John Connor khiến họ quay lưng với bộ phim. Terminator: Dark Fate đã lỗ khoảng 130 triệu USD khi phát hành ngoài rạp. Tương lai các phần hậu truyện của thương hiệu theo đó cũng trở nên mịt mù. Ảnh: Paramount.

Quyến luyến quá khứ - Star Wars: Chiến tranh giữa các vì sao là ví dụ rõ nét cho việc một thương hiệu điện ảnh không thể quay lưng với quá khứ huy hoàng. Trong ba phần phim mới nhất, The Force Awakens bị nhận xét quá giống A New Hope, The Last Jedi hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho cốt truyện, tránh được cảnh bình mới rượu cũ. Tuy nhiên, phản ứng trái chiều từ dư luận khiến hãng phim quyết định tiếp tục đào bới các chất liệu cũ từ lịch sử hơn bốn thập kỷ của thương hiệu cho The Rise of Skywalker (2019). Kết quả, phần IX trở thành bộ phim thể hiện sự cạn kiệt trong sức sáng tạo của ê-kíp sản xuất. Ảnh: Disney.

Loại bỏ Will Smith - Independence Day: Niềm háo hức khán giả dành cho hậu truyện Independence Day phai nhạt ít nhiều khi họ biết Will Smith sẽ không trở lại. Đạo diễn Roland Emmerich tiết lộ tài tử vắng mặt do không thỏa thuận được cát-xê, còn Smith khẳng định mình không thể tham gia bởi bận ghi hình Suicide Squad. Nhân vật phi công Steven Hiller của Will Smith đã bị khai tử trong Indenpendence Day: Resurgence (2016) và cậu con riêng của Hiller (Jessie Usher) là người thế chỗ. Quyết định khai tử Hiller khiến thất bại của Resurgence khi ra rạp là điều có thể dự đoán được. Ảnh: Fox.

Tiết lộ diện mạo Blair Witch - Blair Witch: Blair Witch (2016), phần ba loạt phim xoay quanh nhân vật phủ thùy rừng Blair, mang đến cho khán giả hình ảnh chưa từng hé lộ: diện mạo của Blair Witch. Trang What Culture đánh giá đây là sai lầm nghiêm trọng. Dù xuất hiện thoáng qua trong một cảnh ngắn, hình ảnh sinh vật ma quái được dựng bằng đồ họa vi tính đã xua tan lớp màn kỳ bí và ma quái của thương hiệu. Tuy Blair Witch thu 45,2 triệu USD toàn cầu trên số vốn đầu tư 5 triệu USD (cùng vô số nhận xét tiêu cực), nhưng Lionsgate vẫn quyết định hủy bỏ kế hoạch thực hiện phần phim tiếp theo do doanh thu kém xa con số 248,6 triệu USD của The Blair Witch Project (1999). Ảnh: Lionsgate.

Khoảng cách quá dài giữa hai phần phim - Sin City: Năm 2005, bộ phim Sin City chuyển thể từ tiểu thuyết hình ảnh của Frank Miller được khán giả và giới phê bình đón nhận nồng nhiệt. Thành công mở đường cho phần hậu truyện được sản xuất. Dù kịch bản được hoàn thiện từ 2007, mãi tới 2014, thành phẩm mới chính thức ra mắt. Sin City: A Dame to Kill For ra đời tại thời điểm Hollywood đang ngập tràn các bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh hoặc tiểu thuyết hình ảnh. Kết quả, A Dame to Kill For thất bại tại phòng vé với 39 triệu USD doanh thu toàn cầu so với kinh phí sản xuất 65 triệu USD. Ảnh: Dimenson Films.

Hạ thấp độ tuổi khán giả - The Expendables: Phần thứ ba trong loạt phim quy tụ những gương mặt huyền thoại của dòng phim hành động cơ bắp đã hạ độ tuổi khán giả khi theo đuổi nhãn PG-13, đồng thời bổ sung nhiều gương mặt trẻ vào dàn diễn viên chính. Điều này khiến The Expendables 3 trở nên nhàm chán và gây thất vọng. Đây cũng là tập phim có doanh thu thấp nhất trong cả thương hiệu. Dù Sylvester Stallone khẳng định phần tiếp theo của Biệt đội đánh thuê đang được lên kế hoạch, người hâm mộ vẫn chưa nghe thêm thông tin chính thức nào về The Expendables 4. Ảnh: Lionsgate.

Chọn diễn viên khác vào vai Evelyn - The Mummy: Do vừa sinh con và không thích kịch bản, nữ diễn viên Rachel Weisz từ chối trở lại với vai Evelyn - vợ Rick O’Connell (Brendan Fraser) - trong The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (2008). Vai diễn sau đó được giao lại cho Maria Bello. Tuy nhiên, Fraser và Bello không thể tái hiện sự lãng mạn và hài hước của phiên bản hai vợ chồng O’Connell do tài tử cùng Weisz thể hiện. Bất chấp thành công của hai tập trước, phần ba của The Mummy thất bại nặng nề và khiến Universal quyết định hủy bỏ kế hoạch thực hiện tiếp phần bốn. Ảnh: Universal.

Thay đổi phong cách - Gremlins: Gremlins: The New Batch (1990) về cơ bản không phải bộ phim mà khán giả trung thành của thương hiệu điện ảnh muốn thưởng thức sau Gremlins (1984). Thay vì một tác phẩm hậu truyện mang tính giải trí hài hước và vui nhộn, khán giả hy vọng được thấy một bộ phim kinh dị nghiêm túc, gần với phong cách phần đầu. Kết quả, Gremlins: The New Batch chỉ thu về 41,5 triệu USD trên toàn thế giới, giảm đáng kể so với doanh thu của bộ phim năm 1984. Ảnh: Amblin.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-quyet-dinh-huy-hoai-cac-thuong-hieu-dien-anh-bom-tan-post1149521.html