10 Startups tiêu biểu của Hà Nội tham gia khóa huấn luyện tại Singapore
Ngày 11/11, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) và Công ty cổ phần BambuUp phối hợp tổ chức Lễ khởi động và ký kết hợp tác triển khai Chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo 'Viet Startup INTERchange Singapore 2022'.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn cho biết, nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo TP Hà Nội, Sở KH&ĐT quan tâm từ rất sớm.
Từ năm 2019, TP đã ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025" (Đề án 4889), đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nhiệm vụ này nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết, kết nối đầu tư nhằm nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Kết nối với các tổ chức trong nước và quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích kêu gọi tài trợ giữa các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc tế...
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020, đặc biệt, từ quý II/2021 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Cùng với cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, từ chính những khó khăn đó, sự xuất hiện của các Startup với mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình gắn với kinh doanh trực tuyến, có sự phát triển vượt trội. Sự nỗ lực của các Startup đã tạo nên bức tranh đa dạng về khả năng đổi mới sáng tạo, thể hiện sự linh hoạt thích ứng trước những thách thức bất ngờ của môi trường kinh doanh.
Các Startup tại Việt Nam đều có những ý tưởng tốt, nhiều hoài bão, nhưng bên cạnh việc thiếu vốn, họ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các giai đoạn quan trọng như nghiên cứu, phát triển sản phẩm hay mở rộng thị trường.
Đặc biệt, các Startup chưa có chiến lược cụ thể vì chưa hiểu được tầm quan trọng của mở rộng thị trường. Với những hạn chế đó, nếu không nhận được hỗ trợ thì tỷ lệ thất bại của Startup là rất lớn.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Văn Quân thông tin, theo báo cáo của tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu Startup Genome, các doanh nghiệp khởi nghiệp có mối quan hệ quốc tế sẽ tăng trưởng về doanh thu cao hơn so với doanh nghiệp chỉ có tầm nhìn nội địa.
Việc mở rộng ra nước ngoài – dù để gọi vốn, xây dựng mạng lưới, tìm kiếm thị trường, thu hút nhân lực, tham gia đào tạo đều là những nhu cầu tất yếu của một Startup thành công.
Thông qua Đề án 4889, các Startup sẽ được hỗ trợ kinh phí tham gia khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại nước ngoài. Chương trình "Viet Startup INTERchange Singapore 2022" sẽ mở ra cầu nối hợp tác và trao đổi giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với các đơn vị đối tác tiêu biểu về đổi mới sáng tạo tại Singapore.
Đây là cơ hội lớn để các Startup Việt Nam có thể tiếp cận, cập nhật tinh hoa quốc tế, kết nối đầu tư và phát triển đa chiều. Chương trình sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ đối tác doanh nghiệp/Quỹ đầu tư/Startup tiềm năng để trao đổi học tập kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, chương trình sẽ tổ chức các buổi tham quan thực tế các Trung tâm Đổi mới sáng tạo, các tập đoàn lớn như: Google, Microsoft, Meta...
Ông Ngô Minh Toàn cho biết thêm, thông qua chương trình "Viet Startup INTERchange Singapore 2022", hy vọng khóa huấn luyện không chỉ góp phần nâng cao năng lực sáng tạo cho Startup mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang màu sắc của Thủ đô.
“Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các các Startup và phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, hội, hiệp hội để cùng phát triển cộng đồng với các hoạt động kết nối nguồn lực, kết nối với các chương trình khởi nghiệp quốc tế, tổ chức các sự kiện kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái trong và ngoài nước..” – vị này nói.
Đồng thời hy vọng năm 2023 - 2025, sẽ có nhiều Startup trên địa bàn Hà Nội đủ tiêu chuẩn và đăng ký để được nhận những hỗ trợ rất thiết thực từ Đề án 4889 của Thành phố như chương trình năm nay.
Tại sự kiện, Co-founder, Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP Hằng Phạm đã giới thiệu về Viet Startup INTERchange Singapore 2022 với mục tiêu mở ra cầu nối hợp tác, trao đổi giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hệ sinh thái khơỉt nghiệp Việt Nam cùng các đối tác tiêu biểu đổi mới sáng tạo của Singapore... Cũng như thông tin đối tượng tham gia là các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội dưới 5 năm kinh nghiệm, có các giải thưởng quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Là Startup chuyên về mua trước trả sau tập trung vào các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…, Giám đốc vận hành kiêm đồng sáng lập thương hiệu HENO Phạm Nam Anh đánh giá, đây là chương trình rất lớn của Hà Nội, tạo cơ hội xây dụng hình ảnh cho doanh nghiệp, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Ngày từ khi đăng ký tham gia chương trình, HENO rất quyết tâm để có thể tiếp cận các quỹ đầu tư, tài chính số, công nghệ số của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. Qua đó, HENO đặt mục tiêu giới thiệu quy mô với hệ sinh thái trong khu vực, cũng như cải thiện năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó, Co-Founder & CPO Abaha Nguyễn Phúc Thịnh chia sẻ, bắt đầu từ nền tảng App đồng bộ Web, ABAHA được phát triển với sứ mệnh trợ giúp các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thương mại điện tử, xây dựng kênh phân phối đại lý, cộng tác viên, và chăm sóc khách hàng trên nền tảng Mobile App duy nhất tại Việt Nam với nhiều tiện ích. Abaha hướng tới xây dựng công nghệ của người Việt để cũng cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng như tham vọng vươn ra khu vực và thế giới bằng sự cạnh tranh sòng phảng về công nghệ.