10 sự kiện, dấu ấn nổi bật tỉnh Kiên Giang năm 2024

Ngày 17-1-2025 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang công bố 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật tỉnh Kiên Giang năm 2024. Báo Kiên Giang điện tử xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

1. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 đồng bằng sông Cửu Long với trên 144 nghìn tỷ đồng

Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm 2024. Trong ảnh: Một góc TP. Rạch Giá. Ảnh: KIỀU DIỄM

Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm 2024. Trong ảnh: Một góc TP. Rạch Giá. Ảnh: KIỀU DIỄM

Năm 2024, kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển mạnh, quy mô nền kinh tế trên 144.000 tỷ đồng, đứng thứ hai đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt 81,84 triệu đồng, tăng 10,48% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nổi bật là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 162.715 tỷ đồng, tăng 22,44% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ USD, tăng 15,6% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp 56.996 tỷ đồng, tăng 13,28% so cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phát triển mạnh, thu hút hơn 9,8 triệu lượt, tăng 15,56% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 962.449 lượt, tăng 73,4% so cùng kỳ; tổng thu đạt 25.141 tỷ đồng, tăng 43,8% so cùng kỳ. Tỉnh thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư 408.178 tỷ đồng, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, thành phố Phú Quốc 274 dự án, chiếm hơn 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, tổng vốn đầu tư 388.410 tỷ đồng.

2. Tổng kết 20 năm phát triển đảo Phú Quốc theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ

Phú Quốc có bãi tắm đẹp, hạ tầng du lịch đẳng cấp quốc tế được phóng viên tờ Southern China Morning Post đánh giá cao. Ảnh: TRUNG HIẾU

Phú Quốc có bãi tắm đẹp, hạ tầng du lịch đẳng cấp quốc tế được phóng viên tờ Southern China Morning Post đánh giá cao. Ảnh: TRUNG HIẾU

Sáng ngày 31-3, tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Sau 20 năm, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu và có sự phát triển vượt bậc, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm. Thu hút khách du lịch tăng từ 130 ngàn lượt năm 2004 lên 3,5 triệu lượt năm 2020 và 5,57 triệu lượt năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 310 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 19,1 ngàn tỷ đồng năm 2023. Thu ngân sách tăng 113 lần, lên hơn 7,8 ngàn tỷ đồng năm 2023 so với 38,6 tỷ đồng năm 2004; trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sau 20 năm, Phú Quốc có 6 “cái hơn”: Tiềm lực Phú Quốc được tăng cường hơn; hạ tầng đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế tăng lên; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Nhiều năm liền, Phú Quốc được các tạp chí về du lịch bình chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất trên thế giới, điểm du lịch hàng đầu thế giới.

3. Sản lượng lương thực, sản lượng thủy sản dẫn đầu các tỉnh, thành trong nước

Thành viên Hợp tác xã nông dân Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) thu hoạch lúa bán cho doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Ảnh: ĐẶNG LINH

Thành viên Hợp tác xã nông dân Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) thu hoạch lúa bán cho doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Ảnh: ĐẶNG LINH

Sản lượng lương thực 4,7 triệu tấn; sản lượng thủy sản gần 820 nghìn tấn.

Hai ngành hàng chủ lực lúa và thủy sản giữ ổn định và tăng khá so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa và thủy sản dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước. Sản lượng lúa đạt hơn 4,7 triệu tấn (tăng gần 314.600 tấn so với kế hoạch), đây là năm tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất từ trước tới nay; không chỉ tăng cao về năng suất, sản lượng mà chất lượng cũng được nâng cao.

Sản lượng thủy sản được hơn 814 nghìn tấn (sản lượng khai thác đạt 430.821 tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 384 nghìn tấn), trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 6,38% so với năm trước, nhất là sản lượng tôm nuôi 133.181 tấn, tăng 10,07% so cùng kỳ; cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nuôi trồng chiếm 47,19% tổng sản lượng thủy sản, tăng 11,05% so với năm trước.

4. Khởi công, thông xe các tuyến đường quan trọng và đầu tư xây dựng cầu vượt biển vịnh Rạch Giá

“Mái tóc huyền thoại” đoạt giải nhất thi kiến trúc cầu vượt biển vịnh Rạch Giá. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

“Mái tóc huyền thoại” đoạt giải nhất thi kiến trúc cầu vượt biển vịnh Rạch Giá. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Tỉnh Kiên Giang phối hợp tỉnh Bạc Liêu và Bộ Giao thông Vận tải khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, chiều dài gần 52km. Đây là dự án quan trọng trong khu vực Tây Nam Bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị, qua đó sẽ khai thác hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông lớn của quốc gia.

Tỉnh tổ chức lễ thông xe công trình đường 3 Tháng 2 nối dài, kết nối thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành, chiều dài 8.557m với tổng mức đầu tư 729,9 tỉ đồng. Đây là công trình tuyến đường bộ ven biển quan trọng của tỉnh Kiên Giang, góp phần hoàn thiện toàn bộ tuyến đường ven biển Tây, thuộc hệ thống đường ven biển quốc gia, tạo sự kết nối nội vùng và liên vùng, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng không gian đô thị ven biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các địa phương ven biển.

Tỉnh Kiên Giang cũng quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu trên tuyến đường bộ ven biển kết nối từ An Biên - TP. Rạch Giá, với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng, chiều dài 3,71km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2029, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án nhằm từng bước hoàn thành tuyến đường ven biển, kết nối liên vùng qua địa bàn TP. Rạch Giá, huyện An Biên (Kiên Giang) đến Cà Mau; mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Một góc TP. Rạch Giá. Ảnh: TÂY HỒ

Một góc TP. Rạch Giá. Ảnh: TÂY HỒ

Quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên; thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc được Hội đồng thẩm định - Bộ Xây dựng xét đạt các tiêu chí đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh

Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản… Đồng thời, hoàn thành quy hoạch vùng của 12 huyện; đang triển khai lập quy hoạch vùng liên huyện 4 vùng (Vùng Tứ giác Long Xuyên, Vùng Tây sông Hậu, Vùng U Minh Thượng và Vùng Hải đảo).

Tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040; Đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040. Theo đó, quy hoạch, phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao; trung tâm thương mại, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa. Định hướng phát triển thành phố Hà Tiên trở thành đô thị trọng điểm; là trung tâm kinh tế, phát triển mạnh về thương mại biên giới, dịch vụ, du lịch gắn với Khu kinh tế cửa khẩu; trung tâm văn hóa, di sản, giá trị lịch sử; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, cùng với thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc trở thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển của tỉnh Kiên Giang.

Vừa qua, thành phố Rạch Giá và thành phố Phú Quốc đã được Hội đồng thẩm định - Bộ Xây dựng xét đạt các tiêu chí đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

6. Khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc và một số di tích lịch sử

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (người đứng giữa, cà vạt đỏ) chụp ảnh kỷ niệm trước tượng đài Bác Hồ tại phường Dương Đông, TP. Phú Quốc Nhân chuyến công tác tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 7-7-2024. Ảnh: THU OANH

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (người đứng giữa, cà vạt đỏ) chụp ảnh kỷ niệm trước tượng đài Bác Hồ tại phường Dương Đông, TP. Phú Quốc Nhân chuyến công tác tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 7-7-2024. Ảnh: THU OANH

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 19-5, tỉnh Kiên Giang tổ chức khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh “Chân dung Bác Hồ uy nghiêm giữa biển trời Phú Quốc với muôn vàn tình yêu dành cho miền Nam, cùng những phong cảnh tiêu biểu của biển đảo Việt Nam được khắc tạc sinh động trong bức phù điêu sẽ là điểm đến đặc biệt cho tất cả du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm ngưỡng, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Sáng 6-1, tại huyện Vĩnh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ khánh thành Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công. Đây là điểm di tích đặc biệt lưu giữ giá trị một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của miền Tây Nam Bộ và Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Ngày 27-4, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành. Đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ học tập, noi gương, qua đó hun đúc lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, điểm đến tham quan tâm linh, du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện biên giới Giang Thành phát triển nhanh và bền vững.

7. Nhiều hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là thực hiện khá tốt phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (thứ năm từ trái qua) trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí cất nhà cho hộ dân tại lễ hát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THU OANH

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (thứ năm từ trái qua) trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí cất nhà cho hộ dân tại lễ hát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THU OANH

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 1,08% (Nghị quyết đề ra dưới 2%). Đặc biệt, tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Toàn tỉnh có 2.314 hộ đủ điều kiện để cấp nhà, trong đó có 480 hộ cần sửa chữa nhà. Tỉnh tập trung huy động, vận động nguồn lực và bố trí ngân sách địa phương khoảng 150 tỷ đồng, qua đó đã thực hiện được 990 căn nhà, đạt khoảng 43%. Tỉnh quyết tâm đến ngày 30-6-2025 hoàn thành việc xây dựng nhà trên địa bàn tỉnh.

8. Công bố Địa chí Kiên Giang

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Tống Phước Trường (thứ sáu, từ phải qua) và đồng chí Phạm Công Khâm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang trao tặng sách Địa chí Kiên Giang cho các đơn vị. Ảnh: THU OANH

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Tống Phước Trường (thứ sáu, từ phải qua) và đồng chí Phạm Công Khâm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang trao tặng sách Địa chí Kiên Giang cho các đơn vị. Ảnh: THU OANH

Chiều ngày 17-12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức công bố sách Địa chí Kiên Giang. Địa chí Kiên Giang ghi lại toàn diện, có hệ thống về địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội… của tỉnh Kiên Giang qua các giai đoạn của lịch sử, từ khi khai mở vùng đất vào khoảng thế kỷ XVII đến năm 2015. Đây không chỉ là nguồn tư liệu quý, chính thống cho việc khảo cứu mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần phát huy, nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.

9. Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Dân quân tự vệ huyện An Minh luyện tập điều lệnh đội ngũ. Ảnh: HOÀI TÂM

Dân quân tự vệ huyện An Minh luyện tập điều lệnh đội ngũ. Ảnh: HOÀI TÂM

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân dội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 79 năm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang (10/9/1945 - 10/9/2024), tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Sản xuất phim tài liệu “Lực lượng vũ trang Kiên Giang 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”; Đại hội Thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh giai đoạn 2019-2024; cuộc thi tìm hiểu 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam; hội thi 3 môn quân sự phối hợp; phát động phong trào thi đua lập thành tích; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về lịch sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và 35 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

10. Triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chiều 12-12. Ảnh: TÂY HỒ

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chiều 12-12. Ảnh: TÂY HỒ

Từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh đã giảm 6 sở, ban, ngành; 62 bộ phận bên trong các cơ quan và 4.299 biên chế. Để thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Kiên Giang thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tỉnh sẽ hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong quý I-2025.

Sau khi sắp xếp, khối chính quyền của tỉnh có 14 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh, giảm 6 cơ quan; các bộ phận bên trong trực thuộc cơ quan chuyên môn còn lại 91 phòng và tương đương, giảm 11 phòng và tương đương; có 15 chi cục và tương đương, giảm 3 chi cục và tương đương; có 8 đơn vị sự nghiệp, giảm 2 đơn vị; các bộ phận bên trong đơn vị sự nghiệp còn lại 116 đơn vị, giảm 7 đơn vị.

THANH TÙNG trình bày

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/10-su-kien-dau-an-noi-bat-tinh-kien-giang-nam-2024-24166.html