10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2022
1. Ngày 26.11, Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2019 – 2021. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình, toàn tỉnh xây dựng được 6.700 ngôi nhà; trong đó có 249 hộ chính sách người có công, 605 hộ cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo xã nội địa. Tổng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 1.000 tỷ đồng, giúp các hộ chính sách, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
2. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2022), tối 27.7, Chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” được tổ chức tại 6 điểm cầu trên cả nước. Tại Hà Giang, chương trình được truyền hình trực tiếp tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên với những hình ảnh xúc động về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của quân và dân nơi mảnh đất địa đầu cực Bắc, để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
3. Sáng 7.9, phiên trọng thể Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 long trọng được tổ chức. Dự đại hội có 245 đại biểu đại diện cho trên 44.000 đoàn viên trong toàn tỉnh. Với khẩu hiệu hành động: “Tuổi trẻ Hà Giang Đoàn kết - Khát vọng - Tiên phong - Sáng tạo - Phát triển”, đại hội đã đề ra 16 chỉ tiêu cụ thể, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.
* Trong 2 ngày 28 - 29.9 diễn ra Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Dự có 208 đại biểu đại diện cho trên 26.000 hội viên CCB trong tỉnh. Với tinh thần dân chủ, nhất trí cao, các đại biểu bỏ phiếu bầu 22 đồng chí vào BCH Hội CCB tỉnh Hà Giang lần thứ VII.
4. Chiều 19.4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh Hà Giang phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2021-2030 của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
5. Tiếp nối sự thành công 7 kỳ lễ hội trước đó, Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ VIII, được tổ chức với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, đây là dịp để quảng bá du lịch và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Hà Giang. Trong đó, có một số hoạt động tiêu biểu đã diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 12 tại 4 huyện Cao nguyên đá như: Giải đua xe tinh thần đá; trải nghiệm dệt vải lanh truyền thống; Không gian giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại thành phố Hà Giang;...
6. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm. Tại buổi lễ, 53 thầy, cô giáo tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tỉnh nhà vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
* 100% các huyện trong tỉnh thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Việc thành lập các trường là một bước tiến trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Giúp cho học sinh tại địa phương được tới trường trong điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, tạo nguồn lực có chất lượng cho huyện và tỉnh.
7. Tối 26.4 (tức 26.3 âm lịch), tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc), UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là: Tập quán xã hội - tín ngưỡng Chợ Phong lưu Khâu Vai; Lễ cầu an của người Giáy huyện Mèo Vạc và khai mạc Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022. Chợ Phong lưu Khâu Vai từ khi hình thành đến nay đã hơn 100 năm, trở thành nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.
8. Tối 26.8, tại Quảng trường 26.3 thành phố Hà Giang, UBND 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII. Qua 13 năm luân phiên tổ chức, Chương trình đã trở thành sự kiện thường niên, góp phần tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương. Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo UBND 6 tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc, gồm: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
9. Ngày 24.11, tỉnh Hà Giang và quận Boeun (Hàn Quốc) thực hiện ký thỏa thuận hợp tác lao động thời vụ. Năm 2019, tỉnh Hà Giang và quận Boeun đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương. Hiện nay, hai địa phương đang duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Hà Giang và chính quyền quận Boeun đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về việc cử lao động đi làm việc thời vụ tại nước ngoài. Thông qua việc ký kết nhằm tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính quyền 2 địa phương, đồng thời mở ra cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh.
10. Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh thực hiện hoàn thành kế hoạch tuyển quân năm 2022, đạt 100%. Công tác tuyển quân được triển khai tốt các bước, từ khâu nắm và quản lý nguồn, tổ chức sơ tuyển, khám tuyển đến công tác giao, nhận quân. Các tân binh được đưa, đón đến từng đơn vị, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Toàn tỉnh đã tuyển chọn được 1.140/1.140 công dân có sức khỏe, văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202301/10-su-kien-noi-bat-cua-tinh-nam-2022-09c2f9f/