10 sự kiện văn hóa-văn nghệ, du lịch, thể thao tiêu biểu năm 2022

1. Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề 'Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa' hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023) và triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 17/12/2022; có hơn 800 đại biểu tham dự tại tỉnh Bắc Ninh và trực tuyến tại một số điểm cầu trên cả nước và qua nền tảng internet.

2. Lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc gia về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/11/2022. Hơn 500 đại biểu tham dự hội thảo, với gần 90 tham luận. Sự kiện văn hóa, chính trị-xã hội lớn này là hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

3. Hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 19/12/2022 tại Hà Nam; có 160 tham luận và bài viết tập trung vào ba nhóm vấn đề chính gồm:

Đánh giá kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những ưu điểm, thành tựu, hạn chế, khuyết điểm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng... ở các ngành, hội, đơn vị Trung ương và địa phương; rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X).

4. Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau 13 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật.

5. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp ngày 29/11/2022. Đây là di sản có chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Di sản không chỉ thu hút sự trao đổi, tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội, nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; mà còn chứa đựng những giá trị gắn với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan tổ nghề làm gốm của người Chăm, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

6. Đại hội thể thao Đông Nam Á-SEA Games 31 diễn ra từ ngày 5 đến 23/5 đã thành công rực rỡ về tổ chức và chất lượng chuyên môn, gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè các nước về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

Với chủ đề “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, SEA Games 31 đã thật sự trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị và ghi nhận những bước phát triển mới của thể thao các nước trong khu vực. Đoàn Thể thao Việt Nam đã lập thành tích kỷ lục tại thời điểm kết thúc đại hội với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 Huy chương vàng (HCV), 125 Huy chương bạc (HCB), 126 Huy chương đồng (HCĐ), lập 17/30 kỷ lục đại hội. Đặc biệt, có gần 60% số HCV là ở các môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD, cho thấy định hướng đầu tư đi vào thực chất của thể thao Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm thể thao khu vực.

7. Du lịch trong nước phục hồi ngoạn mục sau dịch Covid-19, lần đầu vượt 101 triệu lượt khách. Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam khôi phục hoạt động du lịch sau hai năm ngưng trệ do dịch bệnh và du lịch trong nước đã có sự tăng trưởng ngoạn mục khi đạt 101,3 triệu lượt khách, cao gấp 1,7 lần so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 (60 triệu lượt khách) và vượt xa con số 85 triệu lượt khách trong nước năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Cùng với lượng khách quốc tế xấp xỉ 3,5 triệu lượt (không đạt được mục tiêu 5 triệu lượt đề ra), tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đề ra cho năm 2022.

8. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9, năm 2022 tổ chức trong hơn một tháng tại Quảng Ninh và mười tỉnh, thành phố khu vực phía bắc (từ cuối tháng 11 đến 21/12/2022), đã để lại ấn tượng về một kỳ đại hội có số môn thi đấu và số lượng vận động viên (VĐV) tham dự kỷ lục trong lịch sử thể thao Việt Nam. Diễn ra định kỳ 5 năm/lần, Đại hội lần này thu hút 9.654 VĐV, trong đó có 5.715 VĐV nam, 3.939 VĐV nữ, thuộc 65 đoàn thể thao của các tỉnh, thành phố, ngành, thi đấu 933 nội dung thuộc 42 môn thể thao. Các VĐV đã xác lập 53 kỷ lục quốc gia cùng 96 kỷ lục đại hội.

9. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức từ ngày 8 đến 12/11/2022 tại Hà Nội với chủ đề: “Điện ảnh-nhân văn, thích ứng và phát triển”. Sự kiện thu hút hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhiều hoạt động bên lề, như: Triển lãm, hội thảo, chợ dự án phim...

Liên hoan phim góp phần vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh, qua đó, góp phần phát huy tinh thần hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế vì sự phát triển của điện ảnh.

10. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2022. Ngày 7/6/2022, lễ trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam (VN-21) diễn ra tại Hà Nội. Được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức với sự bảo trợ nghệ thuật của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), Hiệp hội Hình ảnh không biên giới Pháp (ISF), cuộc thi đã thu hút 16.458 tác phẩm của 1.260 tác giả từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ dự thi.

BAN VĂN HÓA-VĂN NGHỆ BÁO NHÂN DÂN

(Bình chọn)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/10-su-kien-van-hoa-van-nghe-du-lich-the-thao-tieu-bieu-nam-2022-post732770.html