10 tháng, phát hiện và xử lý 36.755 vụ gian lận thương mại, thu nộp ngân sách hơn 282 tỷ đồng
Từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm sự lành mạnh thị trường.
Quang cảnh buổi làm việc.
Thông tin trên vừa được đưa ra trong buổi làm việc của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Công Thương (Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương) với đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) diễn ra ngày 3-11.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau 3 năm thành lập, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã đánh trúng, triệt phá thành công nhiều đường dây, ổ nhóm lớn, nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng gian, hàng giả. Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 329.204 vụ, phát hiện, xử lý gần 214.105 vụ vi phạm, đạt tỷ lệ trên 65%; thu ngân sách nhà nước ước trên 1.221 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2021, lực lượng đã kiểm tra trên 62.000 vụ, phát hiện, xử lý 36.755 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 282 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm qua nổi lên một số vi phạm chủ yếu về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với 3.300 vụ bị xử lý. Bên cạnh đó, vi phạm về các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 với 10.000 lượt kiểm tra, giám sát, phạt hành chính trên 8,2 tỷ đồng. Vi phạm về xăng dầu cũng nổi lên trong những tháng vừa qua, khi có đến 200 vụ vi phạm bị xử lý.
Một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã chuyển cơ quan công an như tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá gần 10 tỷ đồng tại Bắc Ninh. Hay vụ việc 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra…
Cũng tại buổi làm việc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương thống nhất tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phối hợp nhanh hơn, chặt chẽ hơn giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
Từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để tung hàng hóa ra thị trường, do đó lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng cần tăng cường hơn nữa đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, gian lận thương mại. Tập trung vào các mặt hàng "nóng", có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ như xăng dầu, thuốc lá điếu, rượu, đường, phân bón...; đặc biệt các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.