10 thôn xóm ở Chương Mỹ bị ngập, nhiều hộ dân phải di tản đồ đạc do mưa lũ
Theo thống kê, đến sáng ngày 24/7, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng tại huyện Chương Mỹ. Cụ thể, đã có 24.850m đường giao thông nông thôn bị ngập, 10 thôn xóm bị ngập và 94 hộ ngập trong nước. Ngoài ra, hơn 2.000ha lúa, hoa màu và thủy sản bị ảnh hưởng.
Từ ngày 22/7 đến nay, tại Hà Nội xảy ra mưa lớn khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở huyện Chương Mỹ.
Người dân cho biết, sáng ngày 24/7, dọc con đường nối từ thôn Nam Hài - Hạnh Bồ - Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), chính quyền và người dân huy động mọi phương tiện để di tản đồ đạc.
Trao đổi với Báo Tiền Phong trưa ngày 24/7, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, những ngày qua mưa lớn đã khiến mực nước sông Bùi dâng cao. Đến sáng nay, mực nước sông Bùi đã ở mức báo động 3. Một số nhà dân đã bị ảnh hưởng, hoa màu, tài sản của người dân tại nhiều khu vực đã bị ngập sâu. “Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp cùng các lực lượng triển khai các phương án phòng chống lụt bão. Nếu trời tiếp tục mưa thì thiệt hại sẽ tiếp tục tăng”, ông Thắng thông tin.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) huyện Chương Mỹ, lượng mưa từ 7h ngày 22/7 đến 7h ngày 24/7 tại huyện đạt 324,4mm. Vì thế, mực nước tại một số vị trí dâng cao. Cụ thể, mực nước tại sông Bùi tăng từ 5,53m (7h ngày 22/7) lên 6,89m (mức báo động 3 là 7m). Đến sáng ngày 24/7, mực nước hồ Đồng Sương đạt 18,8m (ngưỡng tràn 18,2m), hồ Văn Sơn là 20,5m (ngưỡng tràn là 19,55m), hồ Miễu đạt 39,85m (ngưỡng tràn 39,59m).
Thiệt hại do mưa lũ những ngày qua tại Chương Mỹ cho thấy, đã có 24.850m đường giao thông nông thôn bị ngập, đoạn đê dài 600m bị ngập; 10 thôn xóm bị ngập nước với 94 hộ bị nước tràn vào nhà.
Về tài sản, đã có 1.169ha lúa bị ngập, 243 ha ngô, rau màu các loại bị hư hại, 78 ha cây ăn quả, 407ha thủy sản bị ngập, 1.300 con gia cầm bị ảnh hưởng.
Ban Chỉ huy huyện đã tổ chức trực 24/24h để theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và các sự cố xảy ra để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, tổ chức kiểm tra các điểm ngập úng cục bộ, chỉ đạo tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy. Ban chỉ huy cũng đã huy động 2.005 người và 62 phương tiện tham gia phòng chống thiên tai.
Hiện nay, Ban chỉ huy đã cử lực lượng tổ chức trực 24h/24h và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết. Đồng thời, triển khai ngay các phương án phòng chống lũ rừng ngang theo phương án được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân. Chủ động sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, cô lập.