10 tin tức giả kỳ quặc nhất thế giới năm 2024
Ông Trump có hành vi kỳ quặc nơi công cộng, các vận động viên ăn chocolate có dế bên trong…là những 'fakenews' (tin giả) kỳ quặc nhất năm 2024 theo lựa chọn của nhóm phóng viên xác thực thông tin của Deutsche Welle.
Dưới đây là 10 tin giả được cho là kỳ quặc nhất trong năm 2024.
Ông Trump phải ngồi trên tấm đệm thấm nước
Trong thời gian cuộc bầu cử ở Mỹ, mạng xã hội tràn ngập tin đồn. Có những hình ảnh và video cho thấy các ông Trump và ông Biden mặc tã hoặc ngồi trên miếng đệm thấm nước trong các chương trình trò chuyện (talk show). Thực tế có phải như vậy không? Sau khi xác minh, những thông tin này đều là bịa đặt.
Ví dụ, có người đã đăng bức ảnh ông Trump ngồi trên tấm đệm thấm nước trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Khi xem video gốc thì trước khi ông ngồi xuống ghế, không có chiếc đệm thấm nước nào cả. Cái gọi là miếng đệm thấm nước thực ra chỉ là hai bên bộ âu phục của ông treo trên phô-tơi.
Ăn chocolate có chứa dế
Có chocolate dế chuyên dụng cho các vận động viên? Năm 2023, công ty chocolate Rittersport của Đức đã đăng một bức ảnh lên Instagram, khẳng định rằng chocolate trong ảnh có chứa "cả con dế" nhằm mục đích cung cấp hàm lượng protein cao. Món ăn sáng tạo này một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu năm 2024. Vào thời điểm đó, thông tin sai lệch về việc EU phê duyệt thực phẩm côn trùng thường xuyên xuất hiện.
Tuy nhiên, theo Ritterspod, hình ảnh đó chỉ là một trò đùa. Cho đến nay, công ty chưa sản xuất loại chocolate nào như vậy.
Người nhập cư ăn thịt thú cưng
Một trong những tin đồn gây phẫn nộ nhất trong năm: Những người nhập cư ăn thịt thú cưng. Dù là chó, mèo hay ngỗng trời, họ đều ăn thịt tất cả - những tin đồn này thật nực cười. Tin đồn bắt đầu từ một bài đăng trên Facebook và sau đó xuất hiện cả trong cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ông Donald Trump với bà Kamala Harris. Ông Trump tuyên bố tại cuộc tranh luận rằng những người nhập cư đang ăn thịt thú cưng của dân địa phương ở thị trấn nhỏ Springfield, bang Ohio. Đó là một trong những phát ngôn chống người nhập cư của ông đêm hôm đó.
Vào thời điểm đó, người dùng mạng xã hội tung tin rằng những người nhập cư Haiti ở Springfield bắt trộm thú cưng của người dân địa phương hoặc bắt thú hoang trong công viên để ăn thịt. Tuy nhiên, không có bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này. Cảnh sát và các quan chức Ohio đã bác bỏ các cáo buộc. Giới truyền thông cũng không tìm thấy trường hợp nào phù hợp tuyên bố của ông Trump. Tuy nhiên, những tin đồn như vậy vẫn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cánh hữu và cực hữu.
Tổng thống Pháp Macron hôn một người đàn ông trên thuyền
Các chính trị gia thường là mục tiêu của thông tin sai lệch. Ví dụ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị đồn là đã hôn một người đàn ông khác trong một chuyến du ngoạn bằng thuyền, các video về vụ việc cũng xuất hiện trên các tài khoản mạng xã hội.
Mặc dù ông Macron quả thực đã thực hiện một chuyến du ngoạn vào mùa Hè và những bức ảnh về chuyến đi đó đã được giới truyền thông đăng tải. Nhưng video hôn nhau này được tạo ra bởi AI - có thể nhận ra điều này qua cử động cánh tay không tự nhiên của người đàn ông trong video.
Đây cũng không phải là video giả mạo đầu tiên về Macron trong năm nay. Ngoài ra còn có những bức ảnh cho thấy ông khiêu vũ trong một hộp đêm dành cho người đồng tính vào những năm 1980, cũng đã được làm giả bằng AI. Hơn nữa, thời điểm đó ông Macron còn ít tuổi, chưa thể xuất hiện ở hộp đêm.
Ông Zelensky mua lại chiếc Mercedes của Hitler
Thông tin lan truyền trên mạng cho rằng gia đình Tổng thống Ukraine Zelensky rất "giàu có" và đã mua bất động sản ở Highgrove của vua Anh Charles hoặc siêu xe thể thao trị giá hàng triệu USD. Năm nay còn có phiên bản nâng cấp, nói rằng ông đã bỏ ra 15 triệu USD để mua lại chiếc Mercedes-Benz của trùm phát xít Hitler.
Các bài đăng đã lan truyền sau khi Mỹ công bố viện trợ bổ sung gần 8 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, những thông tin này đều được cho là bịa đặt.
Đó là một bức ảnh được chỉnh sửa. Bằng cách truy tìm ngược lại cho thấy ảnh chiếc Mercedes được chụp tại một triển lãm ô tô năm 2014, sau đó được ghép vào bức ảnh chụp tại Phủ Tổng thống Ukraine. Không có bằng chứng nào cho thấy ông Zelensky đã mua chiếc xe của Hitler.
Tom Cruise đóng phim tài liệu Thế vận hội
Những kẻ tung tin sai lệch cũng không tha cho Thế vận hội Paris năm nay. Ngôi sao điện ảnh Tom Cruise được đồn đã tham gia vào một bộ phim tài liệu của Netflix về Thế vận hội. Thực chất đây chỉ là một video deepfake. Bản thân bộ phim tài liệu đã là giả vì Netflix chưa bao giờ làm phim này. Các chuyên gia bảo mật của Microsoft xác định bộ phim tài liệu này là một phần trong chiến dịch thông tin sai lệch của một nước nhằm bôi nhọ Thế vận hội và Ủy ban Olympic quốc tế.
Lãnh đạo địa phương ở Ấn Độ trở về từ...cõi chết
Năm 2024 được gọi là “năm siêu bầu cử”. Ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu, Ấn Độ cũng tổ chức tổng tuyển cử. Trước cuộc bầu cử, một đoạn video vận động bầu cử cho Muthuvel Karunanidhi, cựu thủ hiến bang Tamil Nadu, đã xuất hiện trên mạng nhưng ông ta đã qua đời vào đầu năm 2018. Video này được sản xuất thông qua AI và được sử dụng để tuyên truyền bầu cử.
Hô khẩu hiệu về ông Putin ở giải vô địch bóng đá châu Âu
Trong Giải vô địch bóng đá châu Âu năm nay diễn ra ở Đức, hai video ghi lại cảnh người hâm mộ Romania hô khẩu hiệu ủng hộ hoặc chống Tổng thống Nga Putin đã xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, các khẩu hiệu trong video đều là giả - bằng cách so sánh với bản ghi âm gốc ngày hôm đó và được xác nhận bởi các phóng viên của Deutsche Welle có mặt vào thời điểm đó. Thực tế đó chỉ là những tiếng reo hò bình thường của người hâm mộ.
Trực thăng của Tổng thống Iran bị bắn hạ bằng vũ khí laser từ không gian
Sau khi chiếc trực thăng chở cựu Tổng thống Iran Ibrahim Raisi và cựu Ngoại trưởng Amir Abdullahian bị rơi, một số cư dân mạng khẳng định trên nền tảng X rằng vụ tai nạn là do tia laser từ không gian gây ra. Trong khi công nghệ laser đang phát triển nhanh chóng trong ngành công nghiệp quân sự, các chuyên gia cho biết hiện tại chưa có loại vũ khí laser nào có khả năng bắn hạ trực thăng từ không gian.
Có người đã thao túng cơn bão Helene
Biết đâu một ngày nào đó chúng ta có thể tự do điều chỉnh cường độ và thời lượng ánh sáng mặt trời? Có vẻ như ai đó đã thử nghiệm với thời tiết xấu trước. Năm 2024, có người tung tin rằng cơn bão Helene ở Mỹ đã bị thao túng và chuyển hướng. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho giả thuyết này. Hơn nữa, hiện tại không có bất cứ công nghệ nào có thể kiểm soát được bão.
Theo Deutsche Welle, UDN
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/10-tin-tuc-gia-ky-quac-nhat-the-gioi-nam-2024-post181493.html