10 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong 10 năm

Trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng; tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo. Tuy đã có nhiều tiến triển về giảm nghèo đạt được trong giai đoạn từ 2010 - 2020, nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi, những thách thức về xử lý tình trạng nghèo vẫn còn đó.

Đó là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 - Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp.

Theo Báo cáo của WB, Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy những năm qua Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội và đang đi đúng hướng. “Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế - xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh và sau 35 năm Đổi mới,” Báo cáo khẳng định.

Theo đó, GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng USD năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới

Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trên, các chuyên gia cũng lưu ý Việt Nam, với vị trí hiện tại là quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp, đang phải đối mặt với chặng đường đầy thách thức trong thời gian tới để đạt tới các ngưỡng của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.

Tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía bắc. Người lao động đồng bào dân tộc thiểu số đang dịch chuyển nhanh sang làm việc ở các lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến, với tốc độ tương đương như dân tộc Kinh ở đầu thập kỷ...

Ngoài người nghèo, một tỷ lệ dân số đa dạng hơn đang có nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế. Tốc độ thay đổi nhanh chóng do phát triển kinh tế đem lại dù sao cũng khiến cho một số người bị tụt lại và bị giảm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế, đồng thời tạo ra một nhóm lớn người dân không còn nghèo nhưng chưa thuộc về tầng lớp trung lưu. Cho dù rủi ro rơi vào cảnh nghèo cùng cực hiện ở mức thấp, nhưng quan ngại chính đáng của họ vẫn là được đảm bảo an ninh kinh tế ở mức cao hơn. Trong năm 2016, gần 40% người ở tầng lớp trung lưu bị tụt xuống nhóm kinh tế thấp hơn vào năm 2018.

Covid-19 cũng gây ra những tổn thất lớn về học tập, điều này thể hiện rõ hơn trong số trẻ em không được tiếp cận với công nghệ số…

Bên cạnh đó, các hộ gia đình cần có chiến lược mới để vươn lên mức sống của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong giai đoạn tiếp theo… Đầu tư công bằng vào vốn nhân lực là điều kiện cần để giảm nghèo bao trùm và phá vỡ xu thế nghèo liên thế hệ. Tỷ lệ hoàn thành bậc học có sự khác biệt theo đặc điểm của hộ gia đình, cụ thể là đặc điểm về dân tộc và tình trạng kinh tế.

Nhìn tổng thể sự tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn vừa qua có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ… Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể ở phổ rộng, tình trạng người nghèo vẫn là mối quan ngại hàng đầu.

Theo một khảo sát cư dân, từ năm 2015 đến năm 2020, nghèo/đói được chọn là vấn đề chính cần được chính phủ giải quyết. Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người dân Việt Nam tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, đồng thời một số đông người tham gia khảo sát cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia.

Những quan ngại và nguyện vọng trên phản ánh nhu cầu phải đồng thời xử lý những thách thức nghèo kinh niên trong Chặng đường cuối, đồng thời đảm bảo lộ trình dịch chuyển kinh tế có tính bền vững của quốc gia trong Chặng đường kế tiếp để hoàn thành khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và thu nhập cao.

Chính sách tài khóa là một công cụ chủ yếu của Chính phủ có thể đem lại thịnh vượng chung cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Covid-19 sẽ làm thành quả giảm nghèo bị tụt lùi và làm gia tăng bất bình đẳng trên cả góc độ tiền tệ và phi tiền tệ… Tuy nhiên, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là công cụ chính sách đã tồn tại lâu nay và vẫn phát huy vai trò trong công cuộc giảm nghèo.

Chặng đường kế tiếp là con đường dẫn đến mức sống của quốc gia có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao… Để Việt Nam phát huy những thành tựu đạt được cũng như giải quyết những khó khăn, thách thức giai đoạn kế tiếp, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách. Các chuyên gia cho rằng, các chương trình hỗ trợ theo địa bàn và hộ gia đình cần tập trung hơn vào lựa chọn đối tượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tăng trưởng năng suất nông nghiệp để duy trì sinh kế cho những người vẫn ở lại với hệ thống kinh tế nông thôn, vốn đang phải đối mặt với thay đổi lớn về cơ cấu. Giúp người dân có khả năng tiếp cận kiến thức và đổi mới sáng tạo, bao gồm áp dụng công nghệ số phù hợp là cách để hỗ trợ nâng cao năng suất theo hướng thay thế các phương thức thâm dụng lao động cũng là một khuyến nghị được WB đưa ra.

Đầu tư vốn nhân lực để giảm nghèo mang tính bao trùm và phá vỡ xu thế nghèo liên thế hệ

Vốn nhân lực - là sự kết hợp giữa các yếu tố giáo dục, kỹ năng và sức khỏe, về cơ bản có tính chất quyết định đến năng suất lao động - đã và đang là động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và cũng là yếu tố chính để phá vỡ bẫy nghèo liên thế hệ. Đối với trẻ em, nền giáo dục được hưởng và sức khỏe có được trong quá trình phát triển sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, tuổi thọ và vốn nhân lực ở độ tuổi trưởng thành. Thiếu đầu tư về vốn nhân lực gây hạn chế đến khả năng dịch chuyển vươn lên về kinh tế ở độ tuổi trưởng thành. Mặc dù các chỉ số về đầu tư hình thành vốn con người từ sớm ở Việt Nam trên góc độ quốc gia nhìn chung tương đương với các quốc gia so sánh trong khu vực, nhưng hiện vẫn có khoảng cách giữa các nhóm khác nhau ở Việt Nam.

Để cải thiện sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trên thị trường lao động, các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu có cần được tăng cường hơn nữa.

Giáo dục là một con đường thoát nghèo, nhưng Covid-19 đã gây ra những tổn thất lớn trong học tập

Covid-19 làm gia tăng thách thức trong phát triển vốn nhân lực bình đẳng, ảnh hưởng đến kết quả về dinh dưỡng, sức khỏe, khả năng theo học liên tục và kết quả học tập. Vì vậy, WB cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao. Trợ giúp xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn cho các hộ nghèo, theo hướng mở rộng phạm vi bao phủ và tăng mức hỗ trợ...

Theo Báo cáo của WB, từ tháng 9.2020 đến tháng 3.2021, 72% hộ gia đình có con trong độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi phải nghỉ học do trường đóng cửa. Trường học bị đóng cửa gây ảnh hưởng nhiều nhất đến học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số và học sinh có kết quả học tập thấp, và nhiều em trong số này không có khả năng tiếp cận công nghệ số. Trên 60% hộ gia đình thuộc nhóm ngũ phân vị thấp nhất và người dân tộc thiểu số và gần 59% hộ gia đình sống ở khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long không được học trực tuyến trong thời gian đóng cửa trường học (Hình O.13). Đầu tư công về vốn con người hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để ngăn ngừa khả năng những tiến bộ đạt được bị đảo ngược, đồng thời để chuẩn bị cho các thế hệ tương lai trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Chuyển sang mức thu nhập cao đòi hỏi phải có năng suất lao động cao hơn

Các chuyên gia của WB cũng nhận định, tiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao. Trong điều kiện tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn 2012-2018 và trong điều kiện dân số tiếp tục già hóa theo dự báo, số lượng lao động sẽ giảm và năng suất của những người đang làm việc sẽ cần được tăng lên mới có thể duy trì tăng trưởng. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế từ năm 1991 đến năm 2018 là 5,6%/năm; và tốc độ đó cần được nâng lên mức 6,7% từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao. Để đạt được mức đó, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần tăng từ 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2018 - mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua - lên 6,6% mỗi năm, nghĩa là có mức gia tăng khoảng 20% mỗi năm (Hình O.14). Với tốc độ tăng được duy trì như từ năm 2012 đến năm 2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, nhưng sẽ vẫn còn thiếu khoảng 4.000 USD so với mức thu nhập cao.

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/10-trieu-nguoi-viet-nam-da-thoat-khoi-doi-ngheo-trong-10-nam