100.000 camera giám sát người cách ly Covid-19 ở Mátxcơva
Một mạng lưới camera nhận diện khuôn mặt phủ khắp thủ đô Mátxcơva đang đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Nga.
Thành phố lắp đặt mạng lưới camera này ngay trước lúc bị dịch bệnh tấn công.
Từ tháng trước, hàng ngàn người dân Mátxcơva phải ở cách ly bắt buộc 14 ngày tại nhà sau khi trở về từ các nước có dịch, tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhẹ.
Canh sát ghi lại thông tin chi tiết và cảnh báo họ rằng bất kỳ ai lẻn ra ngoài thành phố với đến 16 triệu dân và du khách có thể bị phạt 5 năm tù giam hoặc bị trục xuất nếu là người nước ngoài.
“Chúng tôi liên tục kiểm tra xem quy định có được tuân thủ hay không, trong đó có việc sử dụng các hệ thống nhận diện khuôn mặt”, Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin viết trên blog hồi tháng 2.
Thủ đô của Nga có hệ thống camera an ninh gồm 170.000 chiếc, được lắp trên các con phố và nhà ga tàu điện ngầm khắp thành phố trong chục năm qua.
Khoảng 100.000 chiếc giờ được kết nối với hệ thống trí tuệ nhân tạo, có thể nhận diện những người được ghi hình. Số camera còn lại cũng sẽ sớm được kết nối.
Cảnh sát Mátxcơva tuần trước cho biết các camera được kết nối mạng giúp họ nhận dạng gần 200 người vi phạm quy định về cách ly.
Cùng với hệ thống camera, Nga cho biết họ đang sử dụng nhiều công nghệ khác để chống Covid-19, như tư vấn kê đơn thuốc từ xa, giám sát các kệ hàng trong siêu thị theo thời gian thực, tìm kiếm và loại bỏ tin giả trên mạng xã hội.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đi thăm một trung tâm công nghệ cao để giám sát tình hình dịch và phản ứng của Nga.
Tính đến ngày 23/3, Nga có 438 ca nhiễm Covid-19, chủ yếu ở Mátxcơva. Một bệnh nhân nhiễm bệnh đã thiệt mạng nhưng giới chức Nga không khẳng định nguyên nhân chết liên quan đến Covid-19.
Hội đồng thành phố Mátxcơva tự hào rằng mạng lưới camera của họ là công cụ cực kỳ hiệu quả.
Thị trưởng Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô có số liên lạc và địa chỉ nơi làm việc của 95% số người bị cách ly sau khi họ trở về từ các nước có dịch nghiêm trọng.
“Chúng tôi xác định được họ ở đâu”, ông Sobyanin nói. Ông là trưởng ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 mà Tổng thống Putin thành lập.
Tuần trước, ông Sobyanin có bài trên blog khen ngợi hiệu quả của hệ thống nhận diện khuôn mặt khi kể câu chuyện về một phụ nữ Trung Quốc được xác định nhiễm bệnh ngay sau khi đến Nga. Người phụ nữ đó nhanh chóng phải nhập viện.
Bạn cùng phòng của người này phải cách ly, nhưng camera an ninh phát hiện cô này ra ngoài và gặp một người bạn trai.
Thị trưởng Sobyanin nói rằng giới chức nhanh chóng thu thập thông tin liên lạc của hơn 600 hàng xóm của người phụ nữ, thậm chí cả lái xe taxi đưa cô về từ sân bay.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt được đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên vào dịp World Cup 2018 ở Nga, rồi được kết nối mạng từ tháng 1 năm nay, trước khi dịch Covid-19 lan ra khỏi Trung Quốc.
“Khả năng xảy ra sai sót trong thuật toán nhận diện khuôn mặt là 1 trong 15 triệu”, ông Alexander Minin, CEO của NtechLab, công ty thắng thầu dự án cung cấp công nghệ cho Mátxcơva, khẳng định.
Các thiết bị của công ty này, được xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ Latin, có thể nhận diện một người chỉ cần dựa trên hình bóng của họ trong “80% thời gian”, ông Minin nói.
Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hai nước đang xuất khẩu sản phẩm ra khoảng 100 quốc gia, ông Valentin Weber, một nhà nghiên cứu về hãng an ninh mạng tại ĐH Oxford, viết trong báo cáo đưa ra năm 2019.
Tuy nhiên, hệ thống camera nhận diện khuôn mặt được lắp đặt khắp nơi cũng dẫn đến một số ý kiến trái chiều về khả năng giám sát lực lượng đối lập hay nguy cơ theo dõi tình hình kinh tế - xã hội – chính trị của nước khác.