100.000 học sinh Trung Quốc tự tử mỗi năm do áp lực học tập
Thống kê chỉ ra phần lớn nguyên nhân tự tử của học sinh Trung Quốc xuất phát từ xung đột với giáo viên, áp lực bài vở, điểm số và bị cha mẹ chỉ trích.
Vừa qua, The Papper trích dẫn thống kê từ The Economist, cho thấy tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Trung Quốc đứng đầu thế giới. Cụ thể, con số lên đến 100.000 người mỗi năm. Trung bình cứ 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người khác có ý định tương tự.
Thống kê cũng cho thấy trong những năm gần đây, ý định tự tử của học sinh trung học tại Trung Quốc tăng cao so với năm 2002. Phần lớn nguyên nhân liên quan đến áp lực học tập, gánh nặng từ gia đình và những xung đột ở trường học.
Theo điều tra từ China Maker Education Bluebook, nguyên nhân chính dẫn đến tự tử ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể được chia thành những trường hợp sau: xung đột gia đình (33%), áp lực học tập (26%), xung đột giáo viên - học sinh (16%) và các vấn đề tâm lý (10%), tranh chấp tình cảm (5%), bắt nạt học đường (4%), các vấn đề khác (6%).
Khi lời nói của người lớn trở thành vũ khí sát thương
Cuối tháng 10, truyền thông Trung Quốc đưa tin một học sinh trung học ở Giang Tô nhảy sông tự vẫn và để lại thư tuyệt mệnh. Trong thư, Chu Kiếm (16 tuổi) bày tỏ cảm giác có lỗi với bố mẹ, đồng thời ám chỉ nguyên nhân tự tử có liên quan đến cô giáo chủ nhiệm họ Tiêu, theo Sina.
"Những lời xúc phạm của cô (chỉ cô Tiêu) khiến em muốn đập đầu vào tường cho đến chết", Chu Kiếm viết trong thư tuyệt mệnh.
13 ngày sau khi nam sinh qua đời, vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Gia đình em nhiều lần đến trường để xác minh nội dung bức thư nhưng bị nhà trường từ chối.
Bà Từ cho biết con trai bà được nhận vào trường từ tháng 9/2019. Sau hơn một tháng nhập học, cuộc sống của em bị đảo lộn. Do từ chối tham gia lớp phụ đạo, cô chủ nhiệm tỏ thái độ và thường xuyên gây khó dễ với Chu Kiếm.
Đến tháng 9/2020, Chu Kiếm tiếp tục được phân vào lớp của cô Tiêu. Khi vào lớp, câu đầu tiên cô giáo nói với Chu Kiếm là: "Sao lại là em? Tôi không muốn nhìn thấy em".
Câu nói của cô giáo chủ nhiệm khiến nam sinh tổn thương. Dù mẹ an ủi nhiều lần, em vẫn cảm thấy nặng nề. Đến ngày 12/10, sau khi đi học về, Chu Kiếm có nhiều biểu hiện bất thường, trốn trong phòng và không chịu ăn uống.
Hôm sau, Chu Kiếm biến mất, thi thể của em được tìm thấy trên sông sau 3 ngày mất tích.
Vào tháng 9, một nam sinh lớp 9 ở thành phố Vũ Hán nhảy lầu do bị mẹ đánh, mắng trước mặt các bạn. Theo The Papper, em Trương đánh bài với hai bạn khác, nhà trường gọi phụ huynh lên làm việc. Vì quá tức giận, mẹ đã đánh em ngay trên hành lang trường học.
Sau khi mẹ đi khỏi, Trương đứng im lặng trong hai phút rồi bất ngờ trèo lên lan can và nhảy xuống. Hai nam sinh cùng lớp chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng không kịp ngăn cản.
Em Trương được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Mẹ em bị chỉ trích vì có những lời lẽ, hành động gây tổn thương con trẻ.
Trước đó, vào tháng 7, một nữ sinh ở Thường Châu nhảy lầu tự tử do bị cô giáo xúc phạm, chỉ trích. Theo China Daily, Cô Yuan bị cáo buộc đã đưa ra những lời “thiếu tích cực” khi nhận xét bài viết của nữ sinh.
Thậm chí, cô còn xóa bài của học sinh mà không đưa ra lý do hay lời nhận xét nào. Ngoài ra, cô Yuan thừa nhận có tát Miao một lần vào tháng 10/2019, do em không làm bài tập và không chú ý nghe giảng.
Sau khi vụ việc xảy ra, một số cựu học sinh trường đã lên tiếng về việc từng bị nữ giáo viên ngược đãi và xúc phạm. Cô thường ném sách vào mặt, tát, thậm chí nhéo vào mí mắt học sinh.
“Cô ấy thường xuyên mắng nhiếc, mạt sát, dù tôi không phạm lỗi gì cả”, Feng Hongwei, 26 tuổi, học sinh cũ của cô Yuan, cho biết.
Năm 2019, một vụ tự tử ở thành phố Thượng Hải khiến cộng đồng mạng thương xót. Theo Global Times, một thiếu niên 17 tuổi do mâu thuẫn đã nhảy cầu ngay trước mặt mẹ.
Được biết, nam sinh xích mích với bạn học. Trên đường về nhà, em bị mẹ mắng. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con khiến cậu bé nảy sinh quyết định tự vẫn.
Áp lực chồng chất áp lực
China Maker Education Bluebook chỉ ra, trong nhiều năm qua, "gánh nặng" học tập của học sinh Trung Quốc không ngừng tăng lên. Phần lớp áp lực học tập của trẻ bắt nguồn từ sự phát triển lộn xộn của "thị trường giáo dục" tại quốc gia này.
Ngoài ra, ý kiến chủ quan và những kỳ vọng nặng nề của cha mẹ vô tình khiến con trẻ mắc kẹt trong khó khăn và áp lực, từ đó dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.
Vào tháng 5, một bé gái 9 tuổi ở Thiểm Tây nhảy từ tầng 15 tự sát vì áp lực bài vở. Được biết, cô giáo yêu cầu em hoàn thành bài tập trước 17h, em không tìm ra cách giải nên đã nhắn tin cầu cứu mẹ.
Thay vì giúp con tìm hướng giải quyết, người mẹ chỉ nhắn giục em nhanh chóng hoàn thành bài để nộp cho cô giáo.
Áp lực đè nén, cộng thêm lời nói vô cảm từ mẹ, cô bé cảm thấy bế tắc và quyết định ra đi. Em để lại lá thư tuyệt mệnh với nội dung: "Mẹ ơi, con xin lỗi, đây là quyết định của con".
Cuối tháng 2, một cậu bé 13 tuổi ở Thâm Quyến chọn cái chết để giải thoát bản thân sau nhiều ngày mệt mỏi với bài tập ở lớp. Theo Sohu, do chưa hoàn thành bài tập kỳ nghỉ đông, cô giáo yêu cầu em phải ở nhà làm hết, nếu không sẽ không được đến trường.
Để có thời gian làm nốt bài tập, em nói dối mẹ là nhà trường cho nghỉ. Cậu bé ở nhà làm bài tập suốt 4 ngày liền, nhưng lượng bài quá lớn, em không thể hoàn thành. Cuối cùng, nam sinh tìm đến cái chết.
Theo thống kê của VCT News, trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, Trung Quốc xảy ra hàng loạt vụ tự tử ở học sinh. Chỉ tính riêng tại thành phố Thượng Hải, có 14 trường hợp học sinh tự tử, phần lớn nguyên nhân đều bắt nguồn từ áp lực học tập.
Ngày 31/8, một nam sinh 12 tuổi ở Hồ Nam tự kết liễu đời mình do không thể hoàn thành bài tập về nhà. Một nam sinh 17 tuổi ở An Huy cũng nhảy lầu vào cuối tháng 4 với lý do tương tự.
Cuối tháng 3, một học sinh 9 tuổi ở tỉnh Hà Bắc bị giáo viên đuổi khỏi lớp học online vì không hoàn thành bài tập đúng hạn. Em nhảy từ tầng 15 của tòa nhà và không qua khỏi.
Một học sinh khác ở tỉnh Hà Bắc cũng chọn cách giải thoát tương tự. Được biết, vì có biểu hiện thiếu tích cực khi học online, em bị cha mẹ chỉ trích bằng những lời lẽ nặng nề.
Báo cáo về các vụ tự sát ở học sinh cho thấy những vụ việc trên đều liên quan đến căng thẳng tâm lý, phần lớn học sinh đều không thể chịu được áp lực học tập và sự thất vọng do cha mẹ, thầy cô mang lại. Vì thế, các em chọn kết thúc cuộc sống của mình theo những cách cực đoan.
China Maker Education Bluebook khuyến khích gia đình, nhà trường cần chú ý đến cảm xúc của học sinh, đồng thời giảm áp lực trong học tập. Cụ thể, các trường cần giảm lượng bài tập, hạn chế học thêm, đổi mới cơ chế kiểm tra, đánh giá thành tích.
Bên cạnh đó, cơ quan giáo dục cần thúc đẩy sửa đổi luật, quy định để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ví dụ như xử lý nghiêm những trường hợp xúc phạm, gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Phụ huynh, giáo viên được khuyên không nên trách mắng, tạo áp lực học cho trẻ. Việc trách mắng không mang lại hiệu quả vì những lời này thường chứa đựng sự tức giận. Lời chỉ trích thông thường có thể biến thành buộc tội, khiến trẻ sợ hãi khi đối mặt.
Ông Haim Ginott, nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, cho biết những lời phê bình, chỉ trích của người lớn không giúp các em sửa sai, khiến các em chán nản hơn trong học tập. Đồng thời, trẻ dễ mất đi lòng tự trọng, sự tự tin khi bị mắng quá nhiều.
“Nhiều trường hợp cha mẹ không nhận ra rằng, dưới sự chỉ trích liên tục, trẻ không thể phát triển theo chiều hướng cha mẹ mong muốn, đôi khi còn gây phản tác dụng”, ông Haim Ginott nói.