100.000 trẻ em gọi đến trung tâm quân sự hỏi 'bao giờ ông già Noel đến nhà cháu'

Mỗi mùa Giáng sinh, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ nhận ít nhất 100.000 cuộc gọi của trẻ em hỏi vị trí hiện tại của ông già Noel, bao giờ ông tới...

Hàng năm, ít nhất 100.000 trẻ em gọi đến Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) để hỏi về vị trí của ông già Noel. Hàng triệu trẻ em khác truy cập website của cơ quan này để tìm kiếm thông tin về ông già Noel bằng 9 ngôn ngữ, từ tiếng Anh đến tiếng Nhật. Vì vậy cứ đến dịp lễ Giáng sinh, NORAD lại tuyển hàng chục tình nguyện viên để hỗ trợ trả lời bọn trẻ.

Nhiệm vụ của NORAD là kiểm soát bầu trời nước Mỹ để hạn chế các mối đe dọa quân sự tiềm tàng, chẳng hạn như khinh khí cầu do thám. Nhưng vào đêm Giáng sinh, các chuyên gia quân sự và tình nguyện viên lại trở thành tổng đài viên bất đắc dĩ trả lời những câu hỏi như: "Khi nào ông già Noel sẽ đến nhà cháu?" hay "Cháu nằm trong danh sách trẻ hư hay ngoan ạ?"...

"Bọn trẻ thường la hét, nói chuyện rầm rì hoặc cười khúc khích", Bob Sommers, 63 tuổi, một chuyên gia đấu thầu và là tình nguyện viên của NORAD, cho biết. Ông thường trả lời rằng trẻ ngoan thì phải ngủ trước khi ông già Noel đến, nhờ đó các bậc phụ huynh có cơ hội tiếp lời: "Con có nghe thấy ông ấy nói gì không? Chúng ta phải đi ngủ sớm".

Hoạt động theo dõi ông già Noel hàng năm của NORAD đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh, trước cả sự ra đời bài hát kinh điển dịp Giáng sinh của Mariah Carey.

Các chuyên gia quân sự cùng tình nguyện viên túc trực điện thoại trẻ nhỏ trong dịp lễ Giáng sinh.

Các chuyên gia quân sự cùng tình nguyện viên túc trực điện thoại trẻ nhỏ trong dịp lễ Giáng sinh.

Vì sao NORAD thành "tổng đài Noel"?

Tất cả bắt đầu từ cuộc gọi điện thoại vô tình của một đứa trẻ vào năm 1955. Một tờ báo địa phương in một quảng cáo khuyến khích trẻ em gọi cho ông già Noel kèm danh sách các số điện thoại.

Một cậu bé đã gọi đến Bộ Tư lệnh Phòng không Lục địa, một cơ quan chung của Hoa Kỳ và Canada nhằm phát hiện các cuộc tấn công tiềm tàng của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hiện đã đổi tên thành NORAD. Đại tá Không quân Harry W. Shoup đã nhấc chiếc điện thoại đỏ, phương tiện liên lạc chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói nhỏ bắt đầu đọc danh sách món quà Giáng sinh mong muốn.

“Tôi giải thích một lúc rồi hít một hơi bảo rằng, này, tôi không phải là ông già Noel đâu”, Shoup chia sẻ. Sau đó, biết rằng đứa trẻ sẽ không hiểu lời giải thích, Shoup đã cố gắng nói bằng giọng trầm và vui vẻ: “Ho, ho, ho! Vâng, tôi là ông già Noel. Cháu có ngoan không?”.

Ông cúp máy, nhưng điện thoại lại reo lên ngay sau đó, và một cô bé khác đọc danh sách quà Giáng sinh mong muốn của mình.

Lúc đó Shoup đoán có thể tờ báo địa phương đã in nhầm số điện thoại tuyệt mật nhưng kết quả tìm hiểu sau đó cho thấy, hóa ra bọn trẻ thường nhầm lẫn, đảo lộn 2 số cuối trong số điện thoại in trên báo. Vì thế mà mỗi ngày có khoảng 50 cuộc gọi đến.

Vào thời kỳ tiền kỹ thuật số, NORAD sử dụng bản đồ bằng kính để theo dõi các vật thể không xác định. Một nhân viên đã đùa giỡn bằng cách vẽ hình ông già Noel và xe trượt tuyết lên tấm bản đồ.

Trung úy Canada Chris Hache đang nghe điện thoại khi làm tình nguyện viên tại NORAD vào năm 2017.

Trung úy Canada Chris Hache đang nghe điện thoại khi làm tình nguyện viên tại NORAD vào năm 2017.

Truyền thống được tiếp nối

Một bài báo của hãng AP vào ngày 23/12/1955 viết rằng, ông già Noel đã được Bộ Tư lệnh Phòng không Lục địa đảm bảo an toàn khi vào không phận nước Mỹ, rằng ông già Noel đã được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra từ “những người không tin vào Giáng sinh".

"Có thể có một người tên là ông già Noel ở Bắc Cực", Shoup hài hước chia sẻ.

Rất am hiểu về truyền thông, Shoup nhận ra cơ hội khi thấy nhân viên vẽ hình ông già Noel trên bản đồ thủy tinh vào năm 1955. Một trung tá hứa sẽ xóa nó đi nhưng Shoup nói: "Anh cứ để nguyên ở đó". Vị đại tá muốn nâng cao tinh thần cho cả quân đội và công chúng.

"Tại sao lại không nhỉ? Điều đó khiến quân đội trông có vẻ thân thiện hơn, chứ không phải là những người kiêu ngạo không quan tâm đến ông già Noel", ông nói.

Shoup qua đời vào năm 2009. Các con của ông cho biết: "Ông ấy nhận được nhiều lá thư từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người đều muốn cảm ơn vị đại tá hài hước".

Website của NORAD cũng được thay đổi để phù hợp tinh thần ngày lễ.

Website của NORAD cũng được thay đổi để phù hợp tinh thần ngày lễ.

Truyền thống của NORAD khiến câu chuyện về ông già Noel tiếp tục tồn tại trong thế kỷ 21, theo bình luận của nhà sử học người Canada Gerry Bowler vào năm 2010.

Các chiến dịch quảng cáo hoặc phim ảnh cố gắng sử dụng hình tượng ông già Noel vì mục đích thương mại. Còn NORAD lấy một yếu tố thiết yếu trong câu chuyện về ông già Noel và xem xét nó qua lăng kính công nghệ.

Trung tướng Không quân Case Cunningham nói đùa rằng radar của NORAD có ở Alaska, được gọi là hệ thống cảnh báo phương Bắc, là những radar đầu tiên phát hiện ra ông già Noel. Ông già Noel sẽ rời Bắc Cực và thường hướng đến đường đổi ngày quốc tế ở Thái Bình Dương. Từ đó, ông di chuyển về phía tây khắp thế giới trong một đêm.

Cunningham hóm hỉnh nói thêm: “Lễ Giáng sinh là lúc các hệ thống vệ tinh mà chúng tôi sử dụng để theo dõi và xác định các mục tiêu quan trọng. Một sự thật có lẽ ít người biết đến là chiếc mũi đỏ rực của những con tuần lộc tỏa ra rất nhiều nhiệt. Và vì vậy, những vệ tinh này theo dõi ông già Noel thông qua nguồn nhiệt đó".

Hoàng Hà (Nguồn: NY Post)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/100-000-tre-em-goi-den-trung-tam-quan-su-hoi-bao-gio-ong-gia-noel-den-nha-chau-ar915903.html