100% các chức năng quản lý thuế đã được ứng dụng công nghệ thông tin
Đến thời điểm hiện tại, 100% các chức năng quản lý thuế đều được ứng dụng công nghệ thông tin, dần tiến tới việc chuẩn hóa theo mô hình thông lệ quốc tế tốt nhất để đáp ứng yêu cầu tích hợp, tự động hóa trong công tác quản lý thuế.
Có được kết quả trên, 30 năm qua ngành Thuế đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các khâu của quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế và tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Việc này, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và đem lại sự hài lòng cho người nộp thuế, góp phần thay đổi hình ảnh của ngành Thuế đối với người dân, doanh nghiệp. Ngành Thuế đã triển khai thành công 2 mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, hệ thống ứng dụng CNTT đã đáp ứng tự động hóa 100% nhu cầu xử lý thông tin quản lý thuế từ tiếp nhận, xử lý tờ khai, hạch toán nghĩa vụ thuế, nộp thuế đến theo dõi, xử lý nợ thuế, hoàn thuế đảm bảo thông tin người nộp thuế được quản lý đầy đủ, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, phục vụ kịp thời việc đánh giá thông tin tổng hợp, phát hiện gian lận thuế, phân tích tình trạng thuế phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế.
Tính đến cuối tháng 4/2021, đã có 99,33% số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Tỷ lệ đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử là 98,5% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử trên tổng doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 97,38%.
Thứ hai, 100% các chức năng quản lý thuế đều được ứng dụng CNTT, dần tiến tới việc chuẩn hóa theo mô hình thông lệ quốc tế tốt nhất để đáp ứng yêu cầu tích hợp, tự động hóa trong công tác quản lý thuế.
Thực hiện nhiệm vụ tích hợp Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ hoàn thành triển khai tích hợp 150 dịch vụ công trực tuyến về thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 61% so với chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao. Những kết quả về cải cách hành chính trong thời gian qua đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng DN đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống thông tin ngành Thuế đang đối mặt với nhiều thách thức, chất lượng của dịch vụ bị ảnh hưởng bởi thói quen của nhiều người nộp thuế đến ngày cuối cùng của thời hạn mới thực hiện khai, nộp thuế.
Do đó, hệ thống ứng dụng CNTT cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phải tiếp nhận và xử lý một lượng giao dịch rất lớn tập trung vào các kỳ cao điểm, điều này dẫn đến tình trạng hệ thống cung cấp dịch vụ thuế điện tử đôi khi bị quá tải, nghẽn mạng hoặc xử lý chậm.
Trong giai đoạn 2021-2030, ngành thuế đưa ra mục tiêu phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, từ đó, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế.
Đồng thời, xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngành Thuế đang tiếp tục nâng cấp mở rộng băng thông, đường truyền, nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thông để đảm bảo hệ thống CNTT tốt nhất phục vụ thuận tiện nhất cho người dân và và cồng đồng DN.
Ngành Thuế đã phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành các văn bản pháp lý, quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để đảm bảo tiến độ triển khai trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan trong việc cung cấp dịch vụ điện tử; Đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế.