100% công trình thủy điện vận hành an toàn góp phần đảm bảo điện và cấp nước hạ du
Đây là báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024.
Ngày 10/5, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có phát biểu về công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du tại khu vực miền Trung.
Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo công tác vận hành các hồ chứa thủy điện
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy điện trong phạm vi cả nước, trong đó trực tiếp quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với các hồ quan trọng đặc biệt và các hồ chứa nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên (bao gồm 41 công trình).
Đến nay, tổng số các công trình thủy điện (có chiều cao đập lớn hơn 5m hoặc dung tích hồ chứa lớn hơn 50.000 m3) là: 550 hồ, nằm trên địa bàn 32 tỉnh, với tổng công suất lắp máy là 22.000 MW chiếm 34% tổng công suất toàn hệ thống điện quốc gia. Trong đó có 3 công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia: 3 (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu); Có 11 công trình có đập cao trên 100 mét; Có 7 công trình có dung tích trên 2 tỷ m3.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại khu vực miền Trung có 127 công trình thủy điện có tổng công suất lắp máy 5.018,56 MW, nằm trên hệ thống các lưu vực sông Mã - Chu, sông Cả, sông Bắc Trung Bộ, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Bồng - Trà Khúc, sông Kôn Hà Thanh....
“Với đặc thù của các hệ thống sông ngòi dày đặc, địa hình dốc và ngắn, phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập, vì vậy, khi có lũ, nước dâng rất nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp mưa và bão lớn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các lưu vực sông tại miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ với cường suất lớn và bất thường và khó lường đã gây nên tình trạng lũ lụt trên diện rộng, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Mặc dù tình hình thời tiết, thiên tai năm 2023 cực đoan, phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các cấp lãnh đạo trong ngành Công Thương nên thiệt hại do thiên tai gây ra với ngành Công Thương năm 2023 nhìn chung không lớn.
“Đối với một số thiệt hại nhỏ (chủ yếu là do việc bão, lũ, mưa lớn dẫn đến sạt lở, cô lập, mất điện một số khu vực tại một số thời điểm), các công trình thủy điện tại khu vực miền Trung đều đảm bảo an toàn, vận hành ổn định, kịp thời cung cấp điện trong thời gian sớm nhất phục vụ sinh hoạt và sản xuất, thực hiện tốt công tác điều tần cho hệ thống điện trong bối cảnh thời tiết diễn biến cực đoan, tỷ trọng điện mặt trời và điện gió ngày càng lớn trong tổng sơ đồ hệ thống điện quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Thông tin thêm tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Trong năm, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện từ công trình đặc biệt quan trọng đến các công trình lớn, vừa và nhỏ đều đem lại kết quả rất tích cực. 100% các công trình vận hành an toàn, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là trong bối cảnh nguồn điện năm 2023 rất căng thẳng. Các hồ thủy điện cũng là nguồn cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt quan trọng phục vụ tưới tiêu và người dân cả nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng trong bối cảnh thời tiết khí hậu bất thường, nắng nóng khô hạn kéo dài.
Theo tổng kết đánh giá của các đơn vị vận hành hồ chứa, trong năm 2023, mặc dù tình trạng thời tiết diến biến bất thường, tuy nhiên, các đơn vị đã tích cực chủ động ứng phó theo chỉ đạo và kế hoạch phòng tránh, vì vậy không để xảy ra các thiệt hại về con người và tài sản công trình. Công tác vận hành vẫn đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch, một số đơn vị vượt mức kế hoạch được giao.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, qua công tác kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện hàng năm cho thấy cơ bản các đơn vị đã tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và các chỉ đạo của cấp thẩm quyền, các đập, hồ chứa thủy điện đều ở trạng thái ổn định, không có bất thường. Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các khiếm khuyết, tồn tại nhằm đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng vẫn còn có những khó khăn và bất cập, cụ thể: Tình hình cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa lũ của một số nhà máy thủy điện chưa được thường xuyên, kịp thời; Một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa được thực hiện đầy đủ.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất kiến nghị với Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo hướng quy định các nội dung quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện để có đủ chế tài, công cụ cần thiết cho việc thực thi công vụ và ý thức chấp hành của doanh nghiệp và người dân trong việc đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước và hạ du.
Đối với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng cho rằng, cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người làm công tác phòng chống thiên tai và các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa để thu hút, ràng buộc trách nhiệm của các đối tượng này trong công tác phòng chống thiên tai.
Đồi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị:
Thứ nhất, cung cấp bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập của các công trình theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ để các chủ hồ có cơ sở xây dựng Phương án bảo vệ đập và Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ, thống nhất, xây dựng cơ chế phối hợp điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt, rà soát các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cấp nước cho hạ du trong thời kỳ mùa kiệt, trong đó có xét đến sự phối hợp cấp nước của các hệ thống thủy lợi nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước trong mùa kiệt.
Thứ ba, sớm ban hành bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai; cập nhật bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Mã cho phù hợp với tình hình hiện tại; cung cấp cho các chủ đập thủy điện trên lưu vực sông Srepok bản đồ ngập lụt để lập, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Trong khi đó, đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh các quy định theo hướng linh hoạt về: Thời gian tích nước của các thủy điện trong Quy trình liên hồ, thời gian tích nước giữa thời điểm lũ chính vụ và lũ muộn để có điều hành phù hợp với sự biến đổi thời tiết, tránh lãng phí tài nguyên nước.
Tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn và dự báo thiên tai. Xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh các Quy trình vận hành liên hồ chứa các hệ thống sông trên toàn quốc cho phù hợp với tình hình thực tế về biến đổi khí hậu để công tác vận hành công trình đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước quốc gia, hài hòa giữa phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.